Dòng sông ca cổ

ƠI… VÀM CỎ ĐÔNG
Không biết vì sao và tự bao giờ, hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây đã đi vào tình cảm mọi miền đất nước như hình ảnh biểu trưng cho vùng đất Long An hiền hòa nhưng trung dũng, kiên cường.
Một đêm trong lần đầu tiên từ “R” về miền hạ dự chiến trường Long An năm 1963, 2 nhà thơ Hoài Vũ và Giang Nam qua sông Vàm Cỏ Đông trong sự rập rình của tàu địch. Hai ông về giấu mình trong một chòi vịt giữa đồng thuộc xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ.
Đêm ấy, Giang Nam viết bài thơ Qua sông Vàm Cỏ, còn Hoài Vũ hoàn thành bài Vàm Cỏ Đông. Bài thơ Vàm Cỏ Đông, một trong những bài thơ tình hay nhất trong thể loại thơ chống Mỹ, đã ra đời như thế và được gửi ra miền Bắc không lâu sau đó, được Đài tiếng nói Việt Nam phát đi trên cả nước.
Năm 1966, giữa lúc không quân Mỹ tăng cường oanh kích miền Bắc, trong một đêm khuya mùa hè, nhạc sỹ Trương Quang Lục (khi ấy đang là kỹ sư hóa chất của Nhà máy Super photphat Lâm Thao) nghe được bài thơ Vàm Cỏ Đông trong chương trình Tiếng thơ của Đài tiếng nói Việt Nam. Ông xúc động, miên man suy nghĩ, trước khi ngủ, giở tờ báo Văn Nghệ vừa mới nhận được lúc chiều, lại chợt thấy đăng bài thơ Vàm Cỏ Đông. Ông ngồi bật dậy, đọc đi đọc lại, vừa đồng cảm lại vừa tâm đắc vì ở tận miền Bắc xa xôi lại có người gợi lên một dòng sông xanh mát quanh năm ở tận miền Nam với tất cả tấm lòng tha thiết, thủy chung cùng ý chí kiên cường chống giặc,...
Và ca khúc Vàm Cỏ Đông ra đời chỉ sau hơn một tiếng đồng hồ ngay trong đêm ấy. Hai người cùng quê Quảng Ngãi khúc ruột miền Trung nhưng chưa từng gặp mặt, một người là nhạc sĩ tập kết ra miền Bắc xa xôi, một người là nhà thơ đang chiến đấu ở miền Nam, lại có cùng đồng cảm sâu xa về hình ảnh con sông quê hương ở một vùng đất để rồi bài thơ Vàm Cỏ Đông sau khi phổ nhạc với giai điệu nồng nàn tha thiết, giàu chất trữ tình và sâu lắng có sức lay động lớn góp phần thôi thúc thanh niên ra trận.

Sau ngày giải phóng miền Nam, soạn giả Huyền Nhung lấy cảm hứng và ý tưởng từ ca khúc Vàm Cỏ Đông của Trương Quang Lục phổ thơ Hoài Vũ, sáng tác bài tân cổ giao duyên Dòng sông quê em, 2 nghệ sĩ đầu tiên trình bày là Thanh Tuấn và Lệ Thủy đem đến những xúc cảm ngọt ngào làm cho bài hát nhanh chóng chiếm trọn cảm tình của giới mộ điệu và ngày nay có một chỗ đứng vững chắc trong đời sống âm nhạc cải lương và đời sống tinh thần nhân dân.



Sông Vàm Cỏ Đông gắn liền với nhều ca khúc nổi tiếng, ngoài bài Vàm Cỏ Đông của Trương Quang Lục, phổ thơ Hoài Vũ được sử dụng làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, còn có Lên ngàn (Hoàng Việt), Anh ở đầu sông, em cuối sông (nhạc Phan Huỳnh Điều, phổ thơ Hoài Vũ), Dòng sông và tiếng hát (Nguyễn Nam), Anh lại về bên sông Vàm Cỏ (Lưu Cầu), Vàm Cỏ thương nhớ (Duy Hồ)… Vọng cổ, ngoài Dòng sông quê em (lời Huyền Nhung, nhạc Trương Quang Lục, phổ thơ Hoài Vũ) còn có Bên sông Vàm Cỏ (Trọng Nguyễn), Anh ở đầu sông, em cuối song (lời Mai Thanh Phượng, nhạc Phan Huỳnh Điều, phổ thơ Hoài Vũ)…
Trên đường về nơi nghỉ ngơi tại nhà một người dân, bỗng khách nghe giọng ai đó vang lên ngọt lịm, “Từ buổi quen nhau anh thường kể cho em nghe chuyện màu xanh trên dòng sông Vàm Cỏ …”.
(theo bài viết của Trần Tấn Quốc, báo Long An)

NHỚ VÀM CỎ ĐÔNG
Sông Vàm Cỏ Đông đoạn chảy qua cầu Mỹ Lợi nối hai tỉnh Tiền Giang - Long An nghe nói nước rất sâu, tới 30-40 mét. Con sông này thì tôi quá quen hồi chiến tranh, nhưng tôi chỉ biết phía thượng nguồn. Đó là đoạn sông Vàm Cỏ Đông chảy như biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Campuchia. Bên này là đất Việt, bơi qua bờ bên kia là đất Campuchia.
Thuở ấy, ngày nào tôi cũng bơi qua bơi lại trên sông Vàm. Con sông nước thật trong, theo thủy triều có nước lớn nước ròng, tôm cá trên sông khá nhiều, quí nhất là tôm càng xanh.
Những đêm trong rừng ven sông Vàm Cỏ, nấu ấm trà nghe Tư Xuân kể chuyện phóng chĩa trên sông Vàm Cỏ bắt tôm càng xanh, tôi như mê đi. Hóa ra, quê Tư Xuân ở Cần Đước (tỉnh Long An), sát Cần Giuộc, con sông Vàm Cỏ đoạn chảy qua quê Tư Xuân là đoạn sông rất rộng, và sâu.
Chảy tới cửa Soài Rạp thì không chỉ có tôm càng xanh, mà còn có cá dứa. Đây là loài cá ngon có hạng trên sông nước Chín Rồng, cá dứa khô một nắng bán trong nhà hàng Cần Giuộc lên tới 400.000đ/kg, đắt nhất trong các loại cá khô ở đồng bằng sông Cửu Long.
Tôi vốn yêu các con sông, càng yêu hơn tôm cá dưới sông, đúng như cách yêu của người nông dân. Tôi nghĩ, yêu nước như thế vừa thực tế vừa giàu xúc cảm. Nhìn ngắm dòng sông đẹp, đã thấy yêu. Nhưng nếu được ăn những con cá con tôm ngon “ngất ngây con gà tây” dưới dòng sông ấy, thì tình yêu càng đậm đà, thấm đẫm hương vị… ẩm thực, và khiến người yêu nhớ rất lâu, có khi là cả cuộc đời.
Cho tới bây giờ, tôi chỉ đi qua Đồng Tháp Mười một lần, nhưng tôi nhớ mãi. Không chỉ vì chuyến đi ấy quá gian khổ, kéo rất dài tới một tháng rưỡi, mà vì khi qua Đồng Tháp, tôi đã câu được cá rô, cá sặt rằn, và nhất là bắt được một con lươn to bự, bắt bằng tay không. Cái này mang lại cho tôi niềm tự hào dài tới bốn mươi mấy năm. Bắt một con lươn bằng tay không ngay trên đồng bưng, hoàn toàn không phải chuyện dễ.
Tôi yêu Đồng Tháp Mười vì có sự “cộng thêm” (plus) con lươn ấy. Như đã cộng thêm bông điên điển, bông súng, bông sen và những cột rừng tràm. Yêu con lươn cũng là yêu đất nước, yêu bông điên điển nở vàng cũng là yêu Tổ quốc. 
Hồi chúng tôi còn nhỏ, chính văn hào Ilya Ehrenburg - qua bài viết bất hủ “Lòng yêu nước” của mình, đã dạy chúng tôi biết yêu nước một cách cụ thể mà thấm thía như vậy. Rằng “lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu con phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh...”.

Cầu Mỹ Lợi trên sông Vàm Cỏ,
nối 2 tỉnh Long An và Tiền Giang
Tôi nhớ, có một lần giữa đêm khuya tôi với Tư Xuân đi chơi về. Đường rừng, ánh trăng lổ đổ, Tư Xuân đeo một chiếc radio bán dẫn. Anh mở đài quốc tế, và từ chiếc radio rè rè vang lên “Bản giao hưởng số 7” còn gọi là “Giao hưởng Leningrad” của nhà soạn nhạc thiên tài người Nga Dmitri Shostakovich. Bản
giao hưởng kêu gọi một cách kỳ lạ tới tình yêu Tổ quốc, và tôi cảm thấy chưa bao giờ tôi được nghe âm nhạc một cách đầy rung cảm như thế. Sau này còn có những dịp được nghe giao hưởng hay độc tấu piano ở Nhà hát Lớn (Việt Nam), ở Nhà hát Nhỏ (Liên Xô), nhưng chưa ở đâu âm nhạc thấm thẳng vào tôi như khi nghe bản giao hưởng từ chiếc radio cũ kỹ trong một đêm trăng rừng bên sông Vàm Cỏ. 
Khi cầu Mỹ Lợi sắp khánh thành, một thằng cháu có tham gia đóng góp vốn nho nhỏ xây cầu nói sẽ mời tôi về dự lễ thông xe, nhưng chưa biết nên giới thiệu tôi thế nào. Tôi nói, cứ giới thiệu ông chú này là người từng bơi qua bơi lại sông Vàm Cỏ. Bơi qua bơi lại. Như lục bình. Dù lục bình thì trôi xuôi hay trôi ngược, tùy con nước. Thế thôi. Thế cũng vẻ vang chán rồi!
- Theo bài của nhà thơ THANH THẢO (nongnghiep.vn) -
Xem baiDa hetbinh luan