Phim Ván Bài Lật Ngữa

Vài năm trước khi miền nam sụp đổ, tên tuổi tài tử Nguyễn Chánh Tín đã ít nhiều được giới mê xem phim biết đến, đặc biệt trong giới học sinh-sinh viên. Tên chàng nam tài tử với vóc dáng thư sinh, gương mặt khôi ngô, ăn nói lịch lãm thường xuyên được nhắc đến trên cửa miệng các nữ sinh trung học đệ nhị cấp, các nữ sinh viên đại học bởi nét diễn chững chạc, ăn ảnh, và đặc biệt là rất "beau" trai. Cuốn phim đầu tay “Vĩnh biệt tình hè” đã đưa tên tuổi Nguyễn Chánh Tín vang xa. 
Ngoài những lợi thế về ngoại hình, sự già dặn điệu nghệ trong diễn xuất, anh còn sở hữu một giọng hát trầm ấm đầy nam tính. Bên hoạt động âm nhạc, bấy giờ Nguyễn Chánh Tín cũng đã gây được thanh thế như một ca sĩ đang lên, thành công đến ngay  sau khi anh thể hiện nhạc phẩm “Nghìn trùng xa cách”.
Sau giải phóng, trong cơn lốc của cuộc đại đảo lộn, giữa lúc Nguyễn Chánh Tín như biến mất hẵn trong tâm trí mọi người thì chàng trai “Vĩnh biệt tình hè”  bỗng đâu như từ cửa mồ hồi sinh về, khơi lại niềm mê say dạo nào của những fan cũ cũng như chinh phục thêm hàng triệu trái tim fan mới qua vai diễn để đời “đại tá tình báo Nguyễn Thành Luân”. 
Nhờ nét diễn quá xuất sắc của Nguyễn Chánh Tín, bộ phim mang tên "Ván bài lật ngửa" thành công vang dội, tới mức tác giả kịch bản Trần Bạch Đằng sau này khi xuất bản tác phẩm gốc làm nền của cốt truyện phim, đã lấy luôn tên gọi "Ván bài lật ngửa", thay vì dùng tên nguyên thủy ông đã đặt là "Giữa biển giáo rừng gươm".
Nguyên khởi, Giữa biển giáo rừng gươm là một tiểu thuyết được đăng dài kỳ trên mặt báo khoảng đầu thập niên 80 bởi tác giả Trần Bạch Đằng, ký bút danh là Nguyễn Trương Thiên Lý. Nội dung tiểu thuyết hư cấu này dõi theo những hoạt động âm thầm trong lòng địch của người chiến sĩ điệp báo Nguyễn Thành Luân, một nhiệm vụ cam go và phải chịu đựng hy sinh, mất mát rất nhiều thứ trong âm thầm, cô đơn… như một kỵ sĩ đơn độc giữa rừng gươm biển giáo.
Hình tượng nhân vật đặc vụ tình báo Nguyễn Thành Luân, theo tác giả Trần Bạch Đằng cho biết, được ông xây dựng dựa trên những mẫu chuyện hoạt động trong lòng địch có thật của Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo, được cài vô chế độ miền nam ngay bên cạnh tổng thống Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu. Bộ truyện ban đầu được đăng dài kỳ trên báo, sau đó chính tác giả đã chuyển thể thành một kịch bản phim dài 8 tập, được thực hiện do đạo diễn Khôi Nguyên (Lê Hoàng Hoa) trong suốt 6 năm ròng, từ 1982 (tập 1) đến 1988 (tập 8).
Ngay trang đầu cuốn truyện “Ván bài lật ngửa”, tác giả Trần Bạch Đằng ghi đề tặng:"Tưởng nhớ anh Chín T. và các đồng chí đã chiến đấu, hy sinh thầm lặng". Lý do phải viết tắt chữ Thảo thành T., sau này, được chính tác giả giải ảo như sau: ông không ghi rõ tên Chín Thảo là vì khi đó vợ con ông Phạm Ngọc Thảo đều đã sang Mỹ định cư sinh sống. Nếu viết rõ ra, ông e sẽ gây nhiều bất lợi cho cuộc sống của mẹ con bà Thảo trên đất Hoa Kỳ.
Cái tựa phim "Ván bài lật ngửa" là lấy ý từ trong một câu nói mà nhân vật Ngô Đình Nhu nói với đối thủ Nguyễn Thành Luân ở đoạn cuối bộ phim: 
"Nguyễn Thành Luân, anh đã thắng tôi trong ván bài mà mọi con bài đều lật ngửa". 
Câu này cũng có thể hiểu là, Nhu đã biết Luân ngay từ đầu (không có quân bài nào úp) nhưng vì một lý do thầm kín nào đó đã không xử lý ngay nhân vật gián điệp nhị trùng ngay bên cạnh mình.

Trọn bộ phim 8 tập "Ván bài lật ngữa"

TẬP 1: CON NUÔI VỊ GIÁM MỤC
Năm 1954, thực hiện các điều khoản đã ky kết trong Hiệp định Genève, các cán bộ Việt Minh tập kết ra bắc hết. Tuy vậy, Robert Nguyễn Thành Luân được cài ở lại Vĩnh Long, làm nội gián. Vốn thuộc gia đình Thiên chúa giáo nhà nòi, và được Giám mục Ngô Đình Thục nhận làm con nuôi. Luân dễ dàng tranh thủ được Thục tiến cử với Ngô Đình Nhu. Nhu thử lòng Luân nhiều lần, nhưng Luân đều qua trót lọt.
Bấy giờ Bình Xuyên gây rối khắp nơi. Nhu muốn Bình Xuyên đóng cửa sòng bạc Đại Thế giới tự giác, không thì sẽ cưỡng chế. Bình Xuyên không chấp nhận và bố trí một đại đội chốt tại chợ An Bình, sẵn sàng phản công lực lượng nào tấn công Đại Thế giới.
Sáu Thưng, một sỹ quan từng chung đơn vị Luân, giờ gia nhập Bình Xuyên, tới hăm dọa Luân, nếu không đưa 10 ngàn đồng hắn sẽ khai Luân là đảng viên, điều bí mật của Luân. Tương kế tựu kế, Luân đến gặp Lại Hữu Tài và Lại Văn Sang hai lãnh đạo Bình Xuyên, khai Lý Kai (thành viên cao cấp Bình Xuyên) là nội gián của Ngô Đình Nhu, đồng thời nói Sáu Thưng đã phản bội Bình Xuyên và sẽ nhận tiền công 10 ngàn đồng của Nhu. Khi Luân giao 10 ngàn đồng cho Sáu Thưng thì vụ việc bị chụp hình lại. Bình Xuyên bắt Sáu Thưng vì tội phản bội và xử bắn y. 

TẬP 2: QUÂN CỜ ĐÃ DI ĐỘNG 
Ngày 4- 3-1955 tại Tòa Thánh Tây Ninh diễn ra sự kiện thành lập Mặt trận Thống nhứt Toàn lực Quốc gia gồm Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên, Dân xã Đảng và Cao Đài Liên minh do Phạm Công Tắc làm chủ tịch. Mặt trận ra tối hậu thư đòi cải tổ với chính phủ Ngô Đình Diệm, bằng không sẽ tấn công. Ngô Đình Nhu không chấp nhận, dẫn đến đụng độ ác liệt giữa quân Mặt trân và quân chính phủ ngay giữa Sài Gòn. Quân Mặt trận thua và Mặt trận bị giải tán.
Sau biến cố này, Luân lên Đà Lạt nghỉ mát, và được Đảng cộng sản sắp xếp gặp Thùy Dung, một điệp viên mang thân phận thư ký của giám đốc Cảnh sát Quốc gia, đồng thời là người tình Luân.
Luân hơi dao động khi Cò Mi Ngọc, một điệp viên bạn của Luân bị chính phủ Ngô Đình Diệm bắt giữ và tử hình. Tình hình thêm rối loạn khi tướng Trình Minh Thế bị ám sát chết trong cuộc diễu binh. Rạp Nguyễn Văn Hảo bị ném lựu đạn khi đang diễn tuồng “Lấp sông Gianh”. Luân được cử đi học Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt. Trên đường lên Đà Lạt, Luân bị hai đặc vụ Nha An Ninh Quân đội truy sát bằng ô tô, cuối cùng Luân đánh lái lao xe xuống vực, nhưng đã thoát khỏi xe trước đó. Còn hai đặc vụ nghĩ rằng Luân đã chết nên ra về.

TẬP 3: PHÁT SÚNG TRÊN CAO NGUYÊN
Sau khi ra tay thấy xe Luân rơi xuống vực, hai đặc vụ Nha An Ninh Quân đội sau ra về vì ngỡ Luân chết. Giữa đường, họ bị Lý Kai bắn tỉa hạ gọn. Học xong khóa sỹ quan, Luân trở về Sài Gòn mang hàm thiếu tá phụ trách tham mưu Biệt bộ phủ Tổng thống. Thùy Dung và Luân phối hợp hoạt động càng nhịp nhàng. Trong vai trò thư ký riêng, Thùy Dung  theo dõi giám đốc Nha Cảnh Sát Quốc gia rất thuận lợi.
Bấy giờ Ngô Đình Diệm sắp lên Ban Mê Thuột khai trương Hội chợ kinh tế Cao Nguyên. Sự kiện này thu hút nhiều tổ chức an ninh, tình báo khác nhau chú mục vào, như: CIA, Cảnh lực Quốc gia, Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức, Cục Tình báo Hoa Nam. Ngô Đình Nhu và Luân cũng đã có một chuyến đi tiếp xúc với Y Bham Enuol, khởi đầu cho đàm phán của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa với FULRO. Bất ngờ vào ngày Diệm đến khai mạc hội chợ, xảy ra một vụ ám sát hụt tổng thống bởi kẻ tự nhận do Tỉnh ủy Tây Ninh cử đi làm nhiệm vụ. Luân được giao xử ly vụ việc rắc rối đó, và đến cuối vẫn không bị lộ vỏ bọc mình.

TẬP 4: CƠN HỒNG THỦY & BẢN TANGO SỐ 3
Luân thành công trong đàm phán với FULRO, và sau đó cùng Thùy Dung công khai thành vợ chồng. Hai người về Huế ra mắt cha nuôi Ngô Đình Thục. Tình hình bấy giờ vô cùng bất ổn, Quân Mặt trận Giải phóng đánh lớn vào Dầu Tiếng, đồng thời nhiều vụ đánh bom giữa Sài Gòn do Biệt động Sài Gòn gây nên. Tại Quốc hội, Trần Lệ Xuân còn gây nhiều xào xáo do thái độ ngạo mạn.
Bấy giờ tỉnh Bình Dương vô cùng mất kiểm soát, Luân được giao nắm Tư lệnh cuộc hành quân Đại Hồng Thủy kiêm chỉ huy trưởng Tỉnh đoàn Bảo an Bình Dương đi chấn chỉnh tình hình. Nhưng tỉnh trưởng Bình Dương, và băng đảng cướp Phạm Văn Bờ (được CIA chống lưng) muốn thủ tiêu Luân để triệt tiêu kế hoạch bình định. Khi này, Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa còn phái một toán biệt kích tiền tiêu ra Bắc để do thám, nếu xâm nhập thành công sẽ phản hồi về miền Nam bằng một bản tango. Lần lượt, các bản tango số 1, số 2 đều thất bại. Trong kế hoạch Bản tango số 3, Luân cài Lực, tài xế riêng, một dân bắc di cư từ Nam Định đã được Luân cảm hóa, trở thành đồng chí. Với mật danh A07, Lực khi ra Bắc sẽ liên lạc Bộ Nội vụ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giải trình mối liên hệ của anh với Luân và Thùy Dung.
Tại Bình Dương, băng đảng Phạm Văn Bờ, được sự bao che của Đồn Bảo an Bình Thạnh, đã cướp phá, giết hại dân thường khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Luân ra lệnh giải thể Đồn Bảo an Bình Thạnh, bắt giam đồn trưởng và truy tìm kẻ đứng sau. Trung tá Hoàng Đình Duyệt (chỉ huy Nha Công dân vụ) và đại tá Trần Vĩnh Đắt (nguyên tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia) có liên quan nên đến ra yêu sách về vụ đồn Bình Thạnh, nhưng bất thành. Nhân khi Thùy Dung đi công tác ở Đà Lạt, Hoàng Đình Duyệt cho đàn em Phạm Văn Bờ bắt cóc Thùy Dung nhằm mục đích buộc Luân nhượng bộ. Luân được giang hồ Bảy Cầu Muối (một cựu sỹ quan) trợ giúp tìm ra nơi giam giữ Thùy Dung. Sau đó Luân cùng Tỉnh đoàn Bảo an Bình Dương mở cuộc tấn công. Luân bị trúng đạn nhưng giải cứu được Thùy Dung. Luân được thăng cấp lên trung tá khi đang nằm viện dưỡng thương. Anh mừng khôn xiết khi nhận được phản hồi của Bản tango số 3 được gửi từ Bắc qua điện đài, có nghĩa là kế hoạch đưa Lực liên lạc với Bộ Nội vụ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thành công.

TẬP 5: TRỜI XANH QUA KẺ LÁ
Hoàng Đình Duyệt bị bắt giam, sau đó bị CIA thủ tiêu, quân Bắc Việt mở trận địa tấn công quân Chính phủ VNCH và biểu tình nổ ra khắp nơi. Diệm tức tốc ban hành luật 10-59, cử Luân sang Hoa Kỳ học một khóa về chỉ huy và tham mưu.
Khi Luân xong khóa học về nước, đầu năm 1961, Diệm bổ Luân làm tỉnh trưởng Kiến Hòa (tức Bến Tre) để trắc nghiệm Chương trình Bình định, tận dụng kinh nghiệm Luân từng là chỉ huy quân sự Việt Minh,
Nhận chức Tỉnh trưởng Bến Tre ít lâu sau, Luân ký quyết định thả tù binh, đối thoại trực tiếp với nhân dân, tìm ra các thông tin mật quý giá từ lực lượng an ninh Kiến Hòa. Trong khi đó, tình hình Sài Gòn ngày càng trở nên rối ren khi xảy ra đụng độ giữa Binh chủng Nhảy Dù với Lữ đoàn Phòng vệ Tổng thống Phủ. Liền đó, Sư đoàn 7 Bộ binh (đóng tại Biên Hòa) và Sư đoàn 21 Bộ binh (đóng ở Mỹ Tho) được điều động về giải nguy Dinh Độc Lập. 
TẬP 6: LỜI CẢNH CÁO CUỐI CÙNG
Đảo chính 1960 bị dập tắt. Luân tiếp tục giữ chức tỉnh trưởng Kiến Hòa và tiếp tục nhận thông tin mật do Y5 cung cấp(Y5 là bí danh điệp viên của An ninh Kiến Hòa cài vào nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam).
Thông tin về cuộc tấn công của Tỉnh ủy Bến Tre sắp mở cuộc tấn công thì thông tin bị lộ, quân đội Việt Nam Cộng Hòa trù tính kế hoạch mai phục tấn công ngược. Luân bí mật thông tin về Tỉnh ủy Bến Tre để hũy bỏ kế hoạch tấn công đã vạch. Sau một thời gian theo dõi, Luân biết được ai là điệp viên Y5. Nhân khi một số đảng viên đang bị bắt giữ, Luân cố ý lộ ra Y5 và vài kẻ phản bội nữa là người nào. Khi các đảng viên trốn thoát được, họ mang tin về cứ và các tên phản bội lập tức bị thanh trừ.
Luân bị trúng đạn trong cuộc tấn công vào trung tâm tỉnh Kiến Hòa của Tỉnh ủy Bến Tre.. Anh được mổ, và lên Đà Lạt dưỡng thương. Trong một chuyến đi câu, tài xế của Luân bị người của Đại Việt Quốc dân Đảng đánh bất tỉnh, còn anh bị bắt cóc, nhưng với mục đích tiếp cận nói chuyện với Luân. Hồi sau tài xế Luân tỉnh dậy tìm ra nơi Luân bị áp giải đến và làm chủ tình hình. Ngày 27 tháng 2 năm 1962, hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc bất ngờ ném bom Dinh Độc Lập mưu sát Tổng thống Diệm nhưng không thành. Tuy nhiên đây là lời cảnh cáo lớn cho chế độ Diệm.

TẬP 7:CAO ÁP & NƯỚC LŨ
Trước tình hình rối ren rộng khắp, chính phủ VNCH ra công điện 5159 cấm treo cờ tôn giáo nhân kỷ niệm Phật đản đẫy cao phẫn nộ. Sư tăng Phật tử biểu tình rầm rộ trước Đài phát thanh Huế, chính quyền dùng vòi rồng giải tán đám đông. Tình hình xấu đi bất ngờ khi xảy ra hai vụ nổ trong khuôn viên đài phát thanh, sự cố khiến các xe bọc thép và binh sĩ VNCH nổ súng. Chính phủ Diệm càng đứng trước khó khăn khi vụ việc bị quốc tế lên án.
Bối rối, Ngô Đình Nhu cử Luân ra Huế tiếp xúc với lãnh đạo Phật giáo là thượng tọa Thích Trí Quang. Nhân khi này Đại Việt Quốc dân đảng cũng nhờ Luân giúp hỗ trợ xin thả một nhà sư hiện đang bị giam lỏng tại Huế. Sư này có giữ một cuốn băng ghi âm lời kêu gọi của Tổng hội Phật giáo Việt Nam gởi cho Phật tử Sài Gòn kêu gọi gây áp lực với chính phủ nhà Ngô. Nhờ sự vận động của Luân, nhà sư được thả ra.
Để xoa dịu Phật giáo quốc tế, Nhu cử Luân qua Campuchia gặp Quốc vương Norodom Sihanouk để tranh thủ sự ủng hộ về vấn đề Phật giáo. Lý Kai nhân đấy âm mưu ám sát Luân rồi đổ tội cho Campuchia, nhưng không thành, bản thân y cũng bị tiêu diệt.
Tại Sài Gòn tình hình căng như sợi dây đàn. Kế hoạch đảo chính đã được Mỹ cùng một số tướng lãnh lên khuôn. Nắm hiểu tình hình, Trần Lệ Xuân đi một vòng công du các nước phương Tây để vạch tội chính phủ Mỹ và giải trình về các chính sách quốc nội của VNCH với quốc tế.

TẬP 8:VÒNG HOA TRƯỚC MỘ
Tin sắp có chính biến lật đổ Diệm được xầm xì khắp nơi, giữa khi viện trợ Mỹ cho Việt Nam Cộng Hòa cũng gặp trở ngại. Hai chuyến buôn thuốc phiện của Ngô Đình Nhu từ Tam Giác Vàng về Nam Việt Nam biến mất. Luân được phái sang Lào gặp Francisci, trùm bán thuốc phiện cho Nhu để điều tra ai đã cướp số hàng này. Luân giả tổ chức chuyến buôn thứ ba để dụ kẻ cướp lộ mặt, nhưng kế hoạch đã bị CIA theo dõi.
Đoàn ô tô vận chuyển thuốc phiện đến điểm trực thăng đón chuyển bánh, trong đoàn gồm Luân, Thùy Dung, Bảy Cầu Muối, Quang (mật vụ Đại Việt Quốc dân đảng), Hiển (em trai Quang), Sang (mật vụ Bắc Việt), chuẩn úy Thạch (tài xế riêng), thiếu tá Thuần (Tùy viên quân sự Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Lào), còn Francisci hộ tống hàng. Giữa đường đoàn xe bị đảng cướp U Ba Thiên tấn công, nhưng nhóm của Luân chống trả đưa hàng đến điểm tập kết thành công, sau đó lên được trực thăng vận về Nam Việt Nam.
Ngày 1-11-1963 cuộc Đảo chính do Dương Văn Minh cầm đầu nổ ra. Anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị sát hại. Nền Đệ Nhất Cộng hòa tiêu vong. Một thời gian sau thấy Luân mang vòng hoa đến đặt trước mộ Ngô Đình Nhu.

Chủ đề Chiều