Cải lương "Tuyệt Tình Ca'

CÁI HAY CỦA CÂU, CHỮ TRONG “TUYỆT TÌNH CA”
Một trong những tuyệt tác cải lương mà hầu như bao nhiêu thế hệ đã say mê là “Tuyệt Tình Ca” của hai soạn giả Hoa Phượng và Ngọc Điệp viết khoảng năm 1965, 1966.
Trong cuộc đối thoại giữa ông cò Hương với bà vợ lớn, bà đã trách chồng chuyện quá khứ bằng biến thể của một câu ca dao rất hay. Bà “ca” rằng:
” Ông à, trồng trầu thì phải khai mương
Làm trai hai vợ mà ông thương không đồng
Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Lia thia quen chậu mà vợ chồng sao ông vội quên hơi”
Chính là soạn giả đã mượn 2 câu ca dao:
Trồng trầu thì phải khai mương
Làm trai hai vợ phải thương cho đồng
Chim khuyên ăn trái nhãn lồng
Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi
Hai câu này vốn không liên hệ gì với nhau, nhưng soạn giả đã ghép rồi sửa chữa một chút để ra một câu hát cải lương tròn trịa, rào trước đón sau, khéo léo và chính xác tới nổi ông cò chỉ còn nước chống chế một cách yếu ớt:
– Có câu đó hà, mà cứ nhắc đi nhắc lại hoài
Cũng xin nhắc một câu ca dao khác được sử dụng trong Tuyệt Tình Ca soạn giả đã sửa lại khi Hồ nhắc lại với bà Lan chuyện khổ cực lúc nhỏ đem tới ngộ nhận cho rất nhiều người là:
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẽo gập ghình khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con thi trường học mẹ thi trường đời.
Nguyên bản câu ca dao là:
Khó đi mượn chén ăn cơm
Mượn ly uống rượu mượn đờn kéo chơi
Ở đoạn khác, khi trả lời ba về chuyện vợ con Nhân con trai cò Hương đã “ca” rất cải lương như sau: “Vậy con xin ba hãy để cho con có quyền lựa chọn, dù sự lựa chọn kia có đưa con vào cuối ngõ tình yêu phủ kín mây mù”. Nhưng nếu chỉ nói đơn giản “xin ba để cho con có quyền lựa chọn, sau này có khổ con xin gánh chịu” thì sẽ không thành một câu hát cho diễn viên xuống vọng cổ ngon lành được.
Một đoạn khác, ông nhân tình của cô Thoa đã “ca” khéo như vầy: “Bởi những người kia họ không thật dạ yêu Thoa, họ chỉ muốn được hưởng mùi hoa, rồi phụ phàng cất cánh bay xa. Còn anh một lòng chân thật yêu Thoa và muốn được Thoa yêu, dầu nhọc tâm khổ trí bao nhiêu, Thoa lên trời anh cũng quyết bay theo”. Mấy anh ra đường tán gái mà nói kiểu này sẽ bị các cô cười vô mặt rồi bỏ đi chổ khác là cái chắc. Nhưng trong cải lương mà nghe một anh già theo tán tỉnh cô gái còn tơ như thấy thích thú và đúng điệu ghê lắm. Chú ý tới cái vần của câu ca “yêu Thoa”, “mùi hoa”, “bay xa”, “yêu Thoa và muốn được Thoa yêu”, “bao nhiêu”… soạn giả đã rất công phu lựa một câu ca sặc mùi cải lương để gắn vô miệng một anh sồn sồn lén vợ đang dụ gái.
Lần gặp gở cay đắng đầy nước mắt giữa cha con ông Hương và cô An (hay Thoa) cũng được soạn giả mượn điển tích xưa để lồng vô, ông Hương đã nói: “Có lẽ định mệnh của mỗi người đều do trời cao sắp đặt cho nên cái nút ruồi thương phu trích lệ kia là để báo trước những cơn bảo táp trong đời”. Nút ruồi “thương phu trích lệ” là lấy từ điển tích Chiêu Quân. Vì vua Hán Nguyên Đế có rất nhiều cung phi không thể nào “nhớ mặt” được hết, ông mới ra lịnh họa sĩ vẽ hình các bà cho ông lựa, Chiêu Quân vì không có hối lộ cho họa sĩ cung đình Mao diên Thọ nên bị họ Mao chơi khăm điễm thêm một nút ruồi ngay dưới khóe mắt. Người ta cho rằng đây là nút ruồi, “thương phu trích lệ”, bạc mệnh khóc chồng. Đàn bà có nút ruồi này thì có số “sát phu”. Ở đây ông Hương chỉ ngụ ý là đời cô Thoa qua tay nhiều người đàn ông chớ không lão nào sẽ tử vì cô cả. Hay cô An đã nói về người em: Nó thằng con trai lớn lên trong nghèo khổ mà quen tánh dọc ngang, nó đâu có thèm hiểu được nổi lòng của một “cành hồng khi gánh chịu trăm mưa” cũng ví von ngoài mức thông dụng hay thấy trong cách nói chuyện của người ta hằng ngày.
Có lẽ đoạn đối thoại giữa vợ chồng ông Hương và bà Lan khi gặp lại nhau trong ngở ngàng mới là tâm điểm cho cả vở tuồng. Soạn giả đã bỏ rất nhiều công phu vô đoạn này để diễn đạt tâm lý nhân vật. Hai ông mượn ý của hai câu thơ cổ tương truyền là của vua Tự Đức khóc bà “Bàng Phi”
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi
Soạn giả đã thành công vượt bậc khi đưa bộ bà ba lụa lèo của ông Hương như là kỹ vật bà giữ suốt 20 năm và những lời ngọt ngào làm rơi nước mắt:
– … Hơi hám của chồng tôi, tôi còn giữ tới bây giờ. Hể cứ mỗi lần trở xuân, gợi niềm luyến nhớ không tên, hồi xưa, ảnh đi tôi về xếp lại y trang, để khi buồn ôm ấp làm vui, tôi luốn những ngậm ngùi, nhớ thương chồng, tôi vẫn chừa nguyên vẹn, bộ bà ba kỹ niệm, thấm mồ hôi của ảnh tới bây giờ.
Mượn ý của 14 chữ trong 2 câu thơ cổ rồi biến thành một đoạn ca ngọt ngào của người đàn bà nuôi con chờ chồng trong suốt 20 năm gian khổ, không ngày nào quên đã đoan chắc cho sự thành công của tuồng hát này. Ngôn ngữ đặc sệt chất cải lương này hoàn toàn vắng bóng trong lối nói hằng ngày của chúng ta. Cùng lắm người ta có ở trong hoàn cảnh tương tợ, khi kể lể cũng chỉ là đại loại như “tôi đã chờ đợi, ngóng trông chồng suốt 20 năm ròng rã, mỗi ngày mỗi nhớ, mỗi đêm mỗi thấy hình bóng của chồng mình. Cái áo cái quần của chồng tôi trước đây để lại như vẫn còn đượm mùi hương của người chồng yêu quý”. Như vậy cũng đã là hơi “xạo” rồi, nói chi tới cảnh cái gói giấy được mỡ ra để cho thấy bộ bà ba lụa lèo cũ và những “sáo ngữ” của bà Lan. Tuy nhiên nếu chúng ta chấp nhận được ngôn ngữ cải lương sẽ thấy đoạn này soạn giả viết hay và tình tứ vô cùng và cũng thật hợp lý.
Câu trả lời của ông Hương, một người từng đi dạy học, cũng bóng bẩy không thua gì. Ở đây ta có thể thấy bóng dáng của Truyện Kiều khi soạn giả mượn 2 câu Kiều
“Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”
để cho ông Hương “ca”: “Tơ tằm kia đã cũ, tàn y sắp rã tan mà tơ lòng sao vẫn vẹn nguyên như tình thủa còn xuân, ôi đẹp đẻ vô cùng”. Người ta có thể sắp xếp và sửa lại một ít như sau:
Tơ tằm kia đã cũ
Tàn y sắp rã tan
Tơ lòng sao vẫn vẹn
Như tình thủa ban đầu
Ôi đẹp đẻ vô cùng để thành một bài thơ ngủ ngôn ngọt ngào, đằm thắm của một người chồng không quên bà vợ lẻ ngày nào. Cũng trong đoạn này, cái tài tình của soạn giả đã biến câu thành ngữ “bóng chim tăm cá” thành một câu ca nghe nức nở của ông Hương, khi ông phân trần với bà Lan. Thay vì nói “hồi đó tôi đã đi tìm mình khắp tỉnh Vĩnh Long mà không thấy”, hãy nghe: “Hồi đó tôi đã đi tìm mình khắp tỉnh Vĩnh Long, ôi sông dài có thấy đâu tăm cá, mà trời cao cũng vắng bặt tin hồng...”mới thấy được cái ngôn ngữ rất sáo này không thể nào vắng mặt được trong một tuồng cải lương.
Và hãy nghe tâm trạng chờ đợi trong tuyệt vọng của một người đàn bà cam lòng làm vợ nhỏ vì tình mà đau khổ qua cách sử dụng ca dao đúng chỗ, đúng hoàn cảnh của bà Lan: “Trưa nào ngồi vá áo cho thằng Hồ với con An, tôi cũng nghe văng vẵng tiếng người hàng xóm hát ru con, ầu ơ gió đưa bụi chuối sau hè, anh mê vợ bé, ầu ơ, anh mê vợ bé bỏ bè con thơ, nghe tủi phận mình làm lẻ lệ trào tuôn…” Thật tuyệt vời cho những lời “cải lương” ngọt ngào mà bao nhiêu người đã không cầm được nước mắt, xót xa cho người đàn bà bạc phước, khi nghe.
Phim ảnh cần ngắn, gọn nhưng đầy đủ để nhấn mạnh với khán giả thì ngược lại, cải lương đòi hỏi dài dòng nhằm thích hợp với một đoạn ca hay một câu vọng cổ của đào hoặc kép đã làm nãy sanh ra cái nét riêng của ngôn ngữ cải lương mà người yêu mến phải chấp nhận để thấy cái hay của cải lương. 

Trích đoạn do Thành Được và Phương Liên thủ diễn