Khoảng cuối năm 1969 hãng
phim Liên Ảnh công ty do ông Quốc Phong làm giám đốc, đã quyết định mời kép cải
lương Hùng Cường đóng vai chánh trong cuốn phim “Chân Trời Tím”, tình tiết chuyện
phim phóng tác theo tác phẩm tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Văn Quang.
Sự kiện này đã gây chấn động, xôn
xao trong làng điện ảnh lẫn cải lương, và đây là thời điểm mà thời vận tốt đưa
đến cho một số nam nữ nghệ sĩ cải lương tên tuổi như Thanh Nga, Thanh Tú, Bạch
Tuyết, Hùng Cường...
Thẩm Thúy Hằng và Kim Vui
|
Số nghệ sĩ cải lương được
may mắn đã gia nhập làng điện ảnh mà còn lại chiếm ngôi vị độc tôn ở lãnh vực
này, nắm giữ hầu hết các vai trò quan trọng của phim mà họ có mặt. Về Hùng
Cường, sức cuốn hút của anh bấy giờ là cực lớn trong giới thưởng ngoạn bình dân
ở thủ đô Sài Gòn lẫn các tỉnh thành miền Nam Việt Nam.
Dù nghệ sĩ thường được biết
đến như ông hoàng ăn khách của sân khấu cải lương, nhưng khởi nghiệp đầu tiên của
anh là ca sĩ tân nhạc, và trong lĩnh vực này anh cũng là một ngôi sao hàng đầu
với giọng hát tenor có âm vực rộng, mạnh, cao và trong trẻo. Anh tập và chuyển
sang lĩnh vực cải lương để thử thách chính mình không ngờ chinh phục luôn khán
giả thủ đô miền nam, có lẽ vì anh quá lợI thế về giọng hát, ngoạI hình và sức
hút của tính cách.
Xem Trailer phim 'Chân Trời Tím'
Sự thể trên bị một số tài tử điện ảnh chuyên nghiệp cho là một bất lợi ngó thấy cho họ. Sự bất mãn khiến cho mấy tay này “quậy” tưng lên. Họ dè bĩu, châm chích mọi thứ quanh Hùng Cường, nhưng cái đáng trách nhất là họ dùng từ ngữ “cải lương” để miệt thị. Bấy giờ mọi giới dư luận nghe qua thảy đều biết tỏng tim đen những tay này, do bị mất chỗ đứng, bị tranh mất suất và cho ra rìa... nên phản ứng bằng cách chê bai cho đỡ tức tối, chứ chẳng làm gì được gì để ngăn cản trước sự xâm nhập lĩnh vực điện ảnh ngày càng nhiều của các đào chính kép chính thanh sắc bên cải lương.
Luôn từ những thập niên
trước cho đến tận mãi bấy giờ, người ta luôn nghĩ cải lương và điện ảnh là 2
lĩnh vực hoàn toàn trái biệt nhau và không có chỗ giao thoa. Mọi người trong
lòng đều thừa biết rằng những khán giả trung thành của cải lương hiếm khi đi
coi hát bóng; ngược lại, khán giả xi nê cũng chẳng mấy thích vào rạp cải lương.
Một số người còn đi đến mức cho rằng cải lương chỉ dành cho hạng khán giả bình
dân, thậm chí cười cợt, nhạo báng rằng các nghệ sĩ bên cải lương trước khi chết
phải ca xong 6 câu vọng cổ rồi mới chết được! Tóm lại là có 2 dạng khán giả
khác nhau, do đó mà nghệ thuật nào cũng cố gắng trau dồi nghề nghiệp để làm vừa
lòng khán giả của lãnh vực mình phục vụ. Riêng các tài tử chiếu bóng trong tâm
tư họ không hề nghĩ tới cái việc có một ngày nào đó các hãng phim sẽ không cần
tài tử chuyên nghiệp như họ nữa, mà lại chọn đào kép hát cải lương để giao cho
vai chánh.
Thật vậy, trong lúc ông
Quốc Phong, giám đốc Liên Ảnh công ty tiếp xúc với nhà văn Văn Quang để thương
lượng về bản quyền tác phẩm “Chân Trời Tím” mà thời gian trước đó đăng hằng tuần
trên tạp chí tuần báo Phụ Nữ Diễn Đàn rất được nhiều người đọc. Nghe rục rịch
như vậy thì số tài tử quá nhiều hy vọng mình sẽ được mời, và đang tính đến chuyện
“làm giá” như đã từng làm. Một vài tài tử gạo cội từng đóng nhiều phim đã ngồi
chờ, nhưng chờ mãi chẳng thấy ai mời, kế đó lại hay tin Liên Ảnh mời Hùng Cường
bên cải lương và đang nói chuyện giá cả cũng như vai trò sẽ giao cho.
Thật là một tin như sét
đánh cho người tài tử điện ảnh! Lúc đầu thì mấy tay này không tin đây là chuyện
có thật, nhưng sau đó thấy báo chí tường thuật kết quả cuộc thương lượng giữa
Hùng Cường và Liên Ảnh công ty thì mấy tài tử chuyên nghiệp mới thật sự tin là
có, và họ bắt đầu lo lắng cho thân phận “bị ngó lơ” của mình. Bởi một khi kép cải
lương Hùng Cương “lọt” được vào nghệ thuật màn ảnh, thì những đào kép cải lương
khác bước vào chỉ là còn thời gian ngắn hay dài thôi! Sự lo ngại kia cũng đúng
thôi, bởi khi vừa đóng xong phim “Chân Trời Tím” thì kép cải lương Hùng Cường
được nhiều hãng phim mời cộng tác, và họ cũng nhắm vào đào kép cải lương khác để
mời thêm.
Lúc mới bước sang lãnh vực
điện ảnh, kép cải lương Hùng Cường bị những người trong giới này châm chích quá
mạng, họ đã dùng từ ngữ “cải lương” để chê bai. Thế nhưng, sau khi thành công với
phim đầu tiên “Chân Trời Tím” thì Hùng Cường mạnh dạn đứng trên sàn quay, nhiều
hãng phim đã mời Hùng Cường cộng tác và phim nào có tên anh cũng ăn khách. Hãng
phim Kim Thân đã trả tiền thù lao khá cao để mời Hùng Cường và Mai Lệ Huyền
đóng cặp trong phim “Mãnh Lực Đồng Tiền”.
Lúc đầu các nữ tài tử điện
ảnh rất ngại đóng cặp với kép hát cải lương, nghe nói thì hình như Liên Ảnh
công ty trước khi mời Kim Vui đã có ngỏ ý mời Thẩm Thúy Hằng đóng cặp với Hùng
Cường nhưng cô từ chối (có lẽ do vấn đề “cải lương” trên). Rồi sau đó thấy Kim
Vui nổi bật trong phim Chân Trời Tím và phim lại được giải của tổng thống, nên
người đẹp Bình Dương mới tiếc rẻ. Càng về sau thấy Hùng Cường tiếp tục thành
công, trở thành tài tử “gạo cội” thì các nữ tài tử điện ảnh tên tuổi đã không
còn e ngại đóng phim với Hùng Cường, và trong đó có nữ tài tử Kiều Chinh.
Tháng 9, 1971 hãng Trùng
Dương Film, đạo diễn Lưu Bạch Đàn đưa nhóm tài tử ra Nha Trang khởi sự quay
phim “Bão Tình” và người ta thấy Kiều Chinh – Hùng Cường có mặt cùng đóng phim.
Ngày 11 tháng 6, 2017 tại
rạp Hot Docs Ted Rogers Cinema ở Toronto, Canada đã chiếu ra mắt phim CHÂN TRỜI
TÍM làm mới lại. Từ Việt Nam, nhà văn Văn Quang- tác giả quyển tiểu thuyết được
chuyển thể- đã trả lời phỏng vấn của tờ “Thời báo” (Canada).
Trước hết tôi xin gửi lời
chào trân trọng đến bạn đọc Thời Báo. Hãng Mỹ Vân ngày xưa ở Việt Nam
là 1 trong 7 hãng hợp tác sản xuất phim Chân Trời Tím.
Anh Phi Hà người
làm lại cuốn phim là cháu ngoại thừa kế của ông bà Mỹ
Vân. Phim nhựa 35 ly xưa cũ trải qua trên 50 năm đã hư hỏng qua
thời gian nhưng với kỹ thuật tân tiến của Hollywood đã làm mới lại đến
90%. Khi được báo tin tôi rất xúc động, không ngờ vẫn còn nhiều người
nhớ đến những tác phẩm điện ảnh Việt Nam xưa.
Thật ra điện ảnh
VN thời xưa còn khá nhiều những tác phẩm nổi tiếng rất hay, vậy mà
phim Chân Trời Tím đã được chú ý đến đầu tiên. Tôi tự
hỏi tôi đã làm gì trong thời gian đó? Câu trả lời này gần
như không có đáp số. Có lẽ cần phải hỏi những vị đã có công phu
tìm tòi khám phá ra giá trị của cuốn phim này.
Hồi đó tôi chỉ là anh chủ
bút kiêm phóng viên của tờ báo Chiến Sĩ Cộng Hòa. Tôi viết truyện này bằng
tất cả những gì tôi đã sống, đã thấy, đã cùng những đồng
đội trên các chiến trường xưa. Những điều tôi viết ra trong cuốn truyện dài đó gần
như hầu hết toàn là sự thật, tất nhiên khi viết tôi cũng phải tiểu thuyết hóa
đi vài phần cho đúng với lối viết truyện dài của tôi. Nó có thể phản ảnh trung
thực đời sống của một người lính. Giản dị có thế thôi. Không ngờ đến nay cuốn
phim phóng tác theo truyện dài của tôi lại được quan tâm đến thế. Tất nhiên đó
là một vinh dự cho bất cứ người viết văn nào. Tôi rất cảm động như đã nhận được
một phần thưởng quá lớn trong cả cuộc đời mình.
Cuốn tiểu thuyết Chân Trời
Tím của ông ra đời trong hoàn cảnh như thế nào? Nhân duyên như thế nào mà lại
chuyển thành phim, ông còn nhớ một vài kỷ niệm ngày ấy hay không?
Trước hết, anh Quốc Phong
thương lượng với tôi để làm thành một cuốn phim “đặc biệt”, thời đó kỹ thuật mới
nhất của điện ảnh là cinemascope, màu technicolor… ở VN chưa hề có hãng phim
nào thực hiện được. Các hãng phim thời đó đều là hãng tư
nhân, không thể đủ tiền thực hiện theo kỹ thuật như nước ngoài, nên ông Quốc
Phong sáng kiến mời 7 hãng phim cùng hợp tác làm cuốn phim.
Đạo diễn thì giao
cho Hoàng Vĩnh Lộc. Anh Lộc muốn kiếm một khuôn mặt mới
và tìm được một anh sinh viên cao ráo, bảnh trai, hoạt bát, đóng vai
Phi, nam chính trong phim, cùng một dàn nữ diễn viên gồm Kiều Chinh, Thanh
Lan… Nhưng 7 ông chủ của liên hãng phim Liên Ảnh lại bất đồng ý
kiến. Sau đó anh Quốc Phong đề nghị 2 diễn viên chính là Hùng Cường và Kim Vui.
Chẳng biết ông Quốc Phong thuyết phục thế nào mà cả 7 chủ hãng phim đều
nhiệt liệt nhất trí.
Tôi có nhiều kỷ niệm với
những nhân vật đóng phim này bởi tôi đã đi cùng đoàn làm phim từ ngày đầu
tiên cho đến ngày cuối cùng. Cuốn phim đòi hỏi nhiều kiến thức quân sự và tâm
tình người lính, nhất là cần phải nhiều đơn vị tham gia yểm trợ mới thực hiện
được. Liên hãng phim gởi đơn xin Bộ Tổng Tham Mưu biệt phái một sĩ quan
theo đoàn làm “cố vấn” và họp với các đơn vị yểm trợ việc quay phim. Sau khi Bộ
Tham Mưu của Tổng Cục CTCT họp, họ đã chỉ định tôi đi cùng đoàn làm phim,
và thế tôi theo suốt đoàn làm phim cho tới khi hoàn thành.
Kỷ niệm thì rất nhiều,
như tôi với đạo diễn Lê Hoàng Hoa vẫn thường gặp nhau ở những phòng trà dancing
và nhiều buổi chiều ngồi tán chuyện ở hiên nhà hàng La Pagode cũ đường
Catinat, thời đó buổi chiều khi tan việc nghệ sĩ Sài Gòn thường gặp nhau ở
đây, có các anh Mai Thảo, Hoàng Hải Thủy, Thanh Nam, Nguyên Sa, Thái Thủy và có
cả “đàn anh” Đinh Hùng…
Chuyện vui thì rất nhiều,
tôi xin kể một trong số chuyện vui ấy. Trong ngày đầu quay phim, Hùng Cường
chạy đến ghé tai tôi hỏi nhỏ: “Anh ơi cái lon hạ sĩ em chưa có”. Chết thật, tôi
bèn lôi ngay Hùng Cường ra xe, chở đến tiệm An Thành trước cửa chợ Bến Thành,
mua một cặp “lon hạ sĩ” và đeo giùm lên tay áo. Trẻ con, người lớn, nhất là phụ
nữ kéo đến xem nghệ sĩ Hùng Cường, cứ nháo nhác hỏi nhau “anh ấy vào lính khi
nào vậy” rồi chỉ trỏ lung tung, chả ai thèm nhìn tôi cả. Cái “lon” ấy Hùng Cường
đeo gần hết cuốn phim.
Năm 1996 Hùng Cường mất tại
Mỹ, mãi đến sau này tôi mới biết tin nên không chia buồn cùng gia đình
anh được. Đó là nỗi ân hận của tôi cho đến bây giờ.
Phim Chân trời
tím còn có một số tài tử, danh ca khác cùng tham gia diễn xuất có nhiều kỷ
niệm với tôi, xin kể: ngoài Hùng Cường vai Phi, còn Kim Vui vai Liên,
Ánh Nga và Mộng Tuyền trong vai hai cô con gái trung tá Lạc, Bảo Ân vai Điền,
Ngọc Đức vai Paul, Ngọc Phu vai đại úy Minh. Hà Huyền Chi, Khả Năng…
Sau cùng tôi cảm ơn các bạn
đã hỏi thăm về sức khỏe của tôi. Hiện nay tôi đã 85 tuổi rồi, cuộc đời trải
qua nhiều thăng trầm biến đổi, nhất là sau hơn 12 năm trong các trại tù “cải tạo”
nên sức yếu dần, ngày qua ngày tôi chỉ nằm trong nhà thôi, nhìn cuộc đời
qua khung cửa sổ và chỉ để biết trời nắng hay mưa, nhìn hàng cây trong chung cư
dường như những tàu lá ủ rũ cũng buồn theo năm tháng trôi qua. Những chiếc lá
chưa biết sẽ rơi rụng bất cứ lúc nào, cũng như cuộc sống của tôi chỉ tính bằng
ngày chứ không phải bằng tháng. Dù sao tôi cũng hài lòng vì tất cả những
gì mình đã làm trong cuộc đời mình. Xin cảm ơn những độc giả
đã đọc bài trả lời cuộc phỏng vấn này.
Nguồn bài viết: http://thoibao.com/van-quang-ke-ve-chan-troi-tim/
NHỮNG CUỘC THAY THẾ THÚ VỊ QUANH “CHÂN TRỜI TÍM”
1. Vai chính nữ Thẩm Thúy
Hằng giao lại cho Kim Vui
Hùng Cường và Kim Vui phim 'Chân Trời Tím' |
Vì "nữ minh
tinh" Thẩm Thúy Hằng ngại. đóng chung với “kép cải lương” Hùng Cường.
Không hiểu sao thời đó diễn viên phim nhựa lại tự cho rằng mình “trên cơ” nghệ
sĩ cải lương chứ Hùng Cường xuất thân là ca sĩ và khi ấy vẫn làm ca sĩ tân nhạc
song song với cải lương. Thật là một thành kiến quá nặng và bất công, phi lý.
Vì chuyện ấy mà sau này cô Thẩm tiếc rẽ khôn cùng vì Kim Vui đã được giải tổng
thống sau phim ấy.
2. Đạo diễn từ Hoàng Vĩnh
Lộc trao qua cho Lê Hoàng Hoa.
Truyện “Chân Trời Tím” được
đăng ở báo Chính Luận. Ông Thái Lai xuất bản thành sách và sau đó có tái bản.
Cùng khỏang thời gian đó nhà văn Văn Quang cộng tác với báo Kịch Ảnh của Quốc
Phong. Ông Quốc Phong đề nghị dựng thành phim. Giai đọan đầu mời Hoàng Vĩnh Lộc
làm đạo diễn nhưng sau đó đổi lại là Lê Hoàng Hoa. Diễn viên chính gồm Hùng Cường
và Kim Vui. Liên Ảnh đề nghị Mai Thảo viết kịch bản phim nhưng Mai Thảo đề nghị
Văn Quang viết chung. Phim chỉ 1 giờ 30 phút nên cảnh bị cắt nhiều chỉ còn 40%
so với truyện. Tiền bản quyền do ông Quốc Phong trực tiếp nói chuyện với Văn
Quang là 300.000 đồng, số tiền khá lớn vào thời đó. Sau đó 6% trên tổng số tiền
lời. Liên Ảnh công ty thực hiện đúng, đàng hoàng về tiền này sau khi phim chiếu
ở Sài Gòn và cả Lào, Pháp.
3. Nhạc phẩm nền thay đổi
Nhạc phẩm nền trước
đã đặt hàng
cho Trần Thiện Thanh làm, nhưng sau đó lấy nhạc của Phạm Đình Chương. Ca sĩ
cũng chuyển từ Minh Hiếu sang Thái Thanh!
Nhạc sĩ Nhật Trường đã viết
nhạc phẩm CTT sau khi đọc truyện và được phổ biến nhiều. Ca sĩ hát hay nhất là
Minh Hiếu và được nhiều người thích. Khi hát, ở đọan giữa nhạc phẩm, ca sĩ Minh
Hiếu đã đọc vài câu do nhà Văn Quang viết ngòai bìa. Đó là kỷ niệm nho nhỏ mà
nhà văn Văn Quang còn lưu trữ trong ký ức cho đến nay. Tuy vậy khi trình
chiếu phim thì nhạc phẩm viết cho phim lại là “Nửa Hồn Thương Đau” với tác giả
là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và Thái Thanh hát.
Với nhà văn Văn Quang, cả
hai nhạc phẩm đều hay nhưng nếu cho chọn thì ông chọn nhạc phẩm “Chân Trời Tím”
của Nhật Trường vì đây là xúc cảm thật của nhạc sĩ sau khi đọc truyện còn
Phạm Đình Chương thì viết “Nửa Hồn Thương Đau” cho phim.