Cho dù những gì bạn đang
có là kết quả của những ngày làm việc chăm chỉ, bạn vẫn có thể trở thành đối tượng
ghen tị của người khác. Cũng hệt như vậy, dáng vẻ ngoại hình của bạn, thứ chẳng
mấy liên quan gì đến những thành quả bản thân của bạn, vẫn có thể gây ra sự
ghen tị nơi người khác.
Chúng ta thường không bỏ
thì giờ lưu tâm phân tích cõi lòng những người ghen tị, nhưng những người nhận
chịu sự ghen tị có thể cảm thấy không thoải mái, thậm chí khổ sở nữa. Hãy tưởng
tượng có một kẻ không thích, thậm chí ghét bạn vì bạn có một tính cách riêng, một
món sở hữu, hoặc một đặc quyền mà người này rất muốn có và đang thiếu. Cảm xúc
ghen tị có thể được kích hoạt trong những hoàn cảnh có liên quan đến một thẩm định
so sánh trên bình diện xã hội, khi ai đó nhận ra rằng bạn có một tài sản, nết
tính, hoặc thành tựu có tác động làm giảm mất những sắc thái phía bên họ. Những
kích hoạt này thường đi cặp kè bên cạnh những phẩm chất đáng ngưỡng mộ, nhưng bản
thân sự ngưỡng mộ thì thiếu vắng lòng thù tức do sự ghen tị. Trong cả hai trường
hợp, mọi người đều trầm trồ, khen tặng về bạn hoặc món vật bạn sở hữu. Tuy
nhiên, hương vị của sự ghen tị làại chát đắng, trong khi lòng ngưỡng mộ thì ấm
áp, ngay cả khi sự biểu lộ ấy tạo ra cảm trạng hơi không thoải mái nơi người được
ngưỡng mộ.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng
con người thường mất thì giờ và dụng công sức nhiều để nghĩ về người họ ghen tị,
chú ý các chi tiết, nhớ đúng thông tin của người đó nhiều hơn với người họ
không ghen tị, và sự ghen tị đó có thể gây trở ngại cho kỹ năng thu hoạch của họ.
Bởi đó, nếu bạn tham dự một sự kiện, và bạn là người bị ghen tị, rất có thể những
người khác đều tập trung vào thông tin hoặc những chi tiết về bạn và hành vi của
bạn. Qua ngày mai, họ có thể nhớ về bạn nhiều hơn bất cứ ai khác tại sự kiện
đó. Thật đáng sợ phải không bạn, tuy nhiên có một thực tế là sự bận tâm vào đối
tượng ghen tị khá là hoạt động hấp dẫn, cả khi nó là một sự lãng phí thời gian.
Với ước muốn “điều chỉnh
lại” các tiêu chuẩn hòng trung hòa mối trong lòng, những kẻ ghen tị với bạn sẽ
phải làm động tác “dìm hàng”, giảm tầm phát huy của bạn đi, hay đề cao, nâng tầm
bản thân họ, hoặc làm cả hai. Lòng ghen tị có thể khiến cho kẻ ganh tị bận rộn
mãi trong các công thức so sánh và cứ so đi đo lại giá trị bản thân của họ chiếu
theo những số liệu họ ghi nhận từ bạn. Mặc dù máu ghen tị có thể thôi thúc kẻ
ganh tị “đạp đổ” vị trí của người bị ghen tị, hoặc trong ao ước hoặc trong thực
tế, ghen tị cũng có thể khiến cho họ làm việc chăm chỉ hơn để mong đạt được những
gì mà “kẻ đáng ghét” đang có.
Một số hãng quảng cáo sử
dụng thói ghen tị như công cụ tiếp thị hiệu quả, vì sản phẩm chỉ bán chạy nhất
khi chúng khơi lên sự ghen tị nơi người tiêu dùng. Các nhà tâm lý đã phát hiện
rằng những nỗ lực phấn đấu để đạt được danh phận của đối tượng ganh tị ảnh hưởng
nhiều đến lựa chọn của người tiêu dùng, như mong muốn sản phẩm "xanh"
khi mua sắm nơi công cộng (nhưng không biểu lộ nơi riêng tư) ngay cả khi những
sản phẩm đó đắt hơn các sản phẩm tương đương. Không chỉ ốm o vì ganh tị, nhiều
người cũng hao mòn vì thèm khát được ghen tị. Những người mua xe ô tô lai chạy
cả xăng-điện cho biết khi mua họ cân nhắc nhiều nhất về ảnh hưởng xã hội và sự
thể hiện :tiến bộ” hơn hẵn cân nhắc về chất lượng và vẻ bắt mắt của món hàng.
Lòng ganh tị có thể gây
nguy hiểm cho người bị ghen tị. Ví dụ, bạn có nên tin người ghen tị với bạn
không? Nếu bạn tham gia đàm phán, bạn có thể có lúc cần chú ý đối tác của bạn
có biểu hiện lòng ghen tị không. Các nhà nghiên cứu nhận thấy nếu so sánh xã hội
tồn tại trong đàm phán, ví dụ bên đối tác nghĩ rằng cuộc sống của bạn tốt hơn bản
thân họ, thì sự ghen tị được kích hoạt sẽ thúc đẩy thói lừa đảo. Hơn thế, lòng
ghen tị còn giúp người khác tìm lý để biện minh cho hành vi lừa đảo của mình.
Những cảm xúc được kích hoạt như ghen tị có thể tác động không lợi vào các quyết
định đạo đức, thậm chí có thể đem lợi thế lại cho một số người khi họ không xứng
đáng nhận nó.
Tuy nhiên, có nhiều cách
để giảm sự ghen tị của ai đó nhằm vào bạn. Tỏ ra sốt sắng, hay giúp hoặc ân cần
với người nuôi lòng ghen tị với bạn là một sách lược hay có thể giúp giảm đi
các hiệu ứng phá hoại của tâm tính xấu này. Theo các nhà nghiên cứu, những người
sợ bị ghen tị có xu hướng hành xử theo cách ủng hộ vào hội đoàn, cộng đồng của
những người có thể ghen tị với họ. Các chuyên gia này nhận thấy những người tài
giỏi có thể sử dụng một chiến lược “xảvan áp lực” như vậy để làm giảm tác động
phá hoại của lòng ghen hờn, và hoạt động của họ lại còn có thể giúp cải thiện
tình hình những người thấp thua hơn họ.
Thế nhưng những người muốn
nhận được sự ghen tị và ngưỡng mộ có ý thức gì hay không? Lẽ tất nhiên, việc đạt
được một danh phận đáng khen ngợi hoặc đáng ngưỡng mộ là bằng chứng hữu hình
cho thấy bạn xứng đáng, và điều này có thể đảo ngược ảnh hưởng của một số bất
công trong nhận thức trước đây đã làm tổn thương cảm giác tự hào tự tôn của bạn.
Sự ganh đua luôn nhuốm màu sắc của mong muốn đạt được sự công nhận qua việc được
ngưỡng mộ hay bị ghen tị. Tuy nhiên, ở mọi lúc, sự ngưỡng mộ có thể biến thành
sự ghen tị, và ngay tại thời điểm đó bạn có thể đối mặt với sự nguy hiểm của
lòng đố kỵ.
Vậy nên nếu khi nào bạn
tình nghi rằng cảm xúc ảnh hưởng đến hành vi và quyết định của con người, hãy
lùi một bước và thảo hoạch ngay ra một đối sách “giảm áp” khéo léo, vì nguy cơ
bạn sẽ bị gây thiệt hại do lòng đố kỵ… khá lớn đó!