Thập niên 70, Giang Châu
nổi lên như một giọng ca hay triển vọng, được đoàn Việt Nam của Minh Vương mời
về cộng tác. Thời ấy kiểu ca của danh ca Minh Cảnh đang ăn khách số 1, vừa ngọt,
vừa dài, Giang Châu thuộc lớp đàn em rất mê và học theo cách ca ấy.
Dù không điêu luyện, độc
đáo như thần tượng, với sức trẻ, sự hồn nhiên dễ thương, cộng với chất giọng
sáng, làn hơi khỏe, tuy chỉ là kép nhì, kép ba bên cạnh Minh Vương ở đoàn cải
lương Viêt Nam, đêm nào có Giang Châu diễn, mỗi lần vô vọng cổ đều được khán giả
vổ tay tán thưởng. Tiếng đồn Giang Châu ca hay đến tai NS Thanh Điền lúc đó là
ông bầu đoàn cải lương Xuân Liên Hoa, vốn thích giọng ca trẻ, Thanh Điền đã mời
Giang Châu về hát chánh ở đoàn, nhờ vậy Giang Châu có dịp hát chung với Thanh
Kim Huệ, hai giọng ca trẻ đã tạo nên những tràng vổ tay như sấm nổ trên sấn khấu
Xuân Liên Hoa. Thanh Kim Huệ đã giới thiệu Giang Châu với Cô Sáu Liên chủ hãng
đĩa Việt Nam, được tác giả Loan Thảo thương mến viết nhiều bài ca “đo ni đóng
giày” thu đĩa như Vợ chồng quê, Se chỉ luồn kim, Hát hội trăng rằm...
Bước đầu tạo được danh,
nhưng để trở thành ngôi sao lớn, để lại nhiều vai diễn hay thuộc vào hàng mẫu mực,
phải tới sau năm 1975 cơ hội mới đến với Giang Châu, bắt đầu khi Giang Châu từ
đoàn Sài Gòn 3 về đoàn Sài Gòn 2 thay thế Phương Quang được điều qua đoàn Văn
Công TP. Giang Châu thời đó không phải là kép diễn, nổi tiếng nhờ vào giọng ca
hơi dài ăn khách, không diễn vai chánh nhiều, thường đóng phụ cho các ngôi sao,
nhưng Giang Châu vẫn tạo cho mình chổ đứng vững chắc, được các đoàn săn đón,
đơn giản vì anh rất được khán giả yêu mến, đoàn nào có Giang Châu hát luôn bán
được nhiều vé, kéo khán giả đến rất đông, ngôi sao thật thụ ngoài tài năng, còn
phải có khả năng doanh thu, doanh thu cao hay thấp quyết định sự tồn tại hay
tan rã, mạnh hay yếu của đoàn hát đó. Ngày nay, hát không bán vé, không đo lường
được sức hút của nghệ sĩ, đa số nổi tiếng là do truyền thông, truyền hình lăng
xê, qua các cuộc thi, hát không doanh thu, chính điều nầy góp phần làm cho cải
lương suy yếu, tưởng rằng bao cấp đêm diễn sẽ cứu cải lương, thật ra chỉ duy
trì số lượng tồn tại, chứ không nâng cao được chất lượng. Thời kinh tế thị trường
nên chấp nhận qui luật của nó, không tạo ra tiền thì tự chết, không bán vé được
là do không hay, không đủ tài, không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của công
chúng. “Quí hồ tinh, bất quí hồ đa”. Thời phong độ của mình, Giang Châu là nghệ
sĩ toàn vẹn cả hai mặt nghệ thuật và doanh thu. Mỗi vai diễn của anh thu hút
người xem bằng nghề, bằng dấu ấn cá nhân.
Vai Trần Hùng trong Tìm lại
cuộc đời.
Sau thành công của đoàn
Sài Gòn 2, hầu như tất cả đoàn cải lương tỉnh thuộc biên chế nhà nước trên cả
nước dựng vở Tìm lại cuộc đời. Có khoảng hơn 50 diễn viên đã đóng vai nầy, đều
tròn vai, duy nhất chỉ có mỗi Giang Châu là xuất sắc nhất, tiêu biểu nhất,
không phải vì Giang Châu giỏi nhất, mà anh hợp với vai Trần Hùng nhất, vai diễn
sân khấu lại giống thật như số phận thật của những “thương phế binh” thời chế độ
cũ. Có người cho rằng do Giang Châu là người diễn đầu tiên, nên ấn tượng ban đầu
khó phai, có người cho rằng ê kíp thực hiện ở đoàn Sài Gòn 2 quá giỏi. Không thể
phủ nhận điều đó, nhưng là điều kiện cần, yếu tố quyết định là do tự thân Giang
Châu.Trên sân khấu không hiếm những trường hợp được đầu tư lăng xê bằng mọi
cách, nhưng bản thân diễn viên chỉ có vậy, khả năng tầm thường cũng không nên
trò trống gì. Giang Châu là nghệ sĩ thông minh chịu khó, trong cuộc sống đời
thường anh là người kỹ tánh, nghiêm túc, thích nghiên cứu, học hỏi, anh rất cầu
toàn. Giải thích đều nầy anh cho biết: “Ai đi hát khi có cơ hội đi lên cho rằng
mình có vận may, với tôi thì không, tôi phải nổ lực hết khả năng của mình, phải
tự học, tìm tòi, chịu đựng những thua thiệt do mình kém tài, khi ở hãng đĩa Việt
Nam do ca không hay, dù vai đã thu rồi vẫn bị thay thế, đó chính là bài học lớn
để tôi phải nổ lực sau nầy...” Dù rất được đạo diễn Huỳnh Nga, Diệp Lang, vun đấp,
đào sâu nhân vật Trần Hùng, hay tác giả Điêu Huyền viết vai Trần Hùng rất hay,
lại thêm bạn diễn là nghệ sĩ Ngọc Bích rất xuất sắc, tất cả tạo nên mối quan hệ
của các nhân vật rất tốt, càng được đầu tư Giang Châu càng muốn bứt phá, bởi
không khéo anh sẽ chỉ diễn minh họa lại những gì được dạy, được dựng.Anh muốn
nhân vật của anh không phải là khuông mẫu được định sẵn, nó phải thật phải giống
với người thường, nó phải mang tâm hồn của anh, hòa vào hồn của nhân vật. Xuất
thân là giọng ca hay, khi diễn cạnh những nghệ sĩ diễn giỏi như Diệp Lang, Tư
Rom, Văn Chung, Ngọc Bích, hay đàn, anh đàn chị đang là ngôi sao ăn khách Thanh
Tuấn, Mỹ Châu... Giang Châu mang khát vọng tự thay đổi mình lên tầm vóc một nghệ
sĩ lớn ca hay, diễn giỏi, chuyên sâu vào nghề diễn hơn là ca khoe hơi dài biểu
diễn để khán giả vổ tay. Anh đã kết hợp cách ca dài hơi của mình vào tính cách
nhân vật, từng chi tiết diễn được anh nghiên cứu rất kỹ, nên khi vai Trần Hùng
lên sân khấu trở thành vai của Giang Châu và chỉ có Giang Châu - Trần Hùng mới
sống mãi trong lòng mọi người, từ trong nghề nghiệp, đến khán giả từng xem anh
diễn. Dấu son cho một danh ca đóng vai tính cách.
Vai Thừa trong Tiếng hò
sông Hậu.
Hình ảnh người nông dân
Nam bộ thời bị địa chủ bốc lột được anh khắc họa rõ nét, tinh tế, từ cách vấn
khăn trên đầu, tới cách vấn thuốc rê, hay tánh bộc trực, ngay thẳng không thỏa
hiệp với cái ác, đứng về phía dân nghèo, chống lại bọn địa chủ. Tất cả cô đọng
lại ở lớp Lài bị bắt, anh đã vô vọng cổ dài hơi đúng vào lúc cao trào nhất.Chính
nhờ ca hay mà nhân vật Thừa của Giang Châu tạo nên lớp diễn hiệu quả, được khán
giả yêu thích hơn, xét về mặt nghề nghiệp thì Giang Châu có bước rất dài khi diễn
vai tính cách. Về phía đoàn Sài Gòn 2 thời đó, Giang Châu chính là nghệ sĩ mang
gánh nặng nhất, giữ vững số doanh thu cho đoàn khi Thanh Tuấn, Mỹ Châu, Văn
Chung, Hồng Nga... ra đi. Anh là nghệ sĩ kết hợp giữa ca và diễn nhuần nhuyễn,
hợp lý, hiệu quả.
Vai Trùm Sò trong Ngao Sò
ốc hến.
Ở đoàn Sài Gòn 2, Giang
Châu để đời với những vai kép mùi, thì ở đoàn Sài Gòn 1 anh lại có những đột
phá mới, sự phiêu lưu, dám nghĩ dám làm của một danh ca, để trở thành bất tử với
danh hiệu “Trùm Sò”. Vở Ngao Sò Ốc Hến được diễn với nhiều loại hình nghệ thuật
như : ca kịch khu 5, phim, tuồng, cải lương. Những nghệ sĩ đóng vai Trùm Sò đều
hơn tuổi đời, tuổi nghề so với Giang Châu, nhất là trong cải lương, Giang Châu
phải đóng vai Trùm Sò thay cho “Vua vọng cổ” NSND Út Trà Ôn, vở cải lương đã được
quay phim ở đoàn Sài Gòn 1, và NSND Út Trà Ôn diễn rất hay vai nầy.
Ban đầu khi
về thế vai Trùm Sò Giang Châu hát đúng như đường nét của NSND Út Trà Ôn, kết quả
khán giả không cười, doanh thu sụt giảm.Toàn ê kíp diễn là người cũ, chỉ có
Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Giang Châu là người mới. Danh dự nghề nghiệp bị chạm,
họ quyết tìm cách diễn khác, phù hợp với họ hơn.Ê kíp cũ gồm những nghệ sĩ thượng
thặng, họ đã để lại dấu ấn của mình.Vấn đề của ê kíp mới không phải là hay, hay
dở mà phải khác, nghĩa là phải có sự sáng tạo.
Chính nhờ vào sự đổi mới táo bạo
mà Giang Châu có vai Trùm Sò “không giống ai” người xem vừa thích thú nhân vật
Trùm Sò, vừa khoái Giang Châu “quái chiêu”, anh lột tả nhân vật bằng nhân sinh
quan của mình, căm ghét cái xấu, cái ác, thì phải diễn sao cho mọi người cùng
ghét, cùng không ưa loại người đó. Từ Trùm Sò, NSƯT Giang Châu đã khai thác
thêm khả năng diễn hài rất độc của mình. Ở lãnh vực một danh ca, kép mùi anh đã
rất nổi tiếng, ở tư thế một cây cười anh cũng rất thành công, hai trong một ở
người nghệ sĩ tài năng được trui rèn từ sự sáng tạo không ngừng. NSƯT Giang
Châu không chỉ hát bằng năng khiếu bẩm sinh, anh hát bằng cả tư duy, bằng sự khổ
luyện. Với anh thành công không chỉ là may mắn, mà là công phu, biết biến điều
không thể thành có thể. Một bài học hay cho các diễn viên trẻ. Lâu lâu nhớ tới
một nghệ sĩ tài danh, tên vai diễn thành biệt hiệu riêng của người nghệ sĩ, để
hiểu thêm vì sao người ta trở thành ngôi sao trong nghệ thuật.