9/7/18

SỰ TÍCH BÀI CA CỔ "CHUYẾN XE TÂY NINH"

 on  
In  

Nói "sự tích" có lẽ nghe kỳ kỳ, nhưng nếu bạn đọc hết câu chuyện về hoàn cảnh ra đời bài hát kỳ thú này hẵn sẽ thấy việc tôi mạnh miệng này là có lý. Khá nhiều người chắc biết về ông Chủ tịch Hội VH-NT Tây Ninh Thanh Hiền chính là tác giả của câu vọng cổ thật rộn ràng "Xe Tây Ninh sáng nay chuyển bánh chở những niềm vui rộn rã đón xuân… về" dẫu rằng ông còn viết khá nhiều bài khác từ khi còn trong bưng kháng chiến.

Hỏi chuyện cũ ông lại kha khả cười: "Nhà báo lạ gì tôi mà còn hỏi! Nhưng đã hỏi thì tôi nói người già thường sống với những hoài niệm thèm được kể chuyện xưa cho lớp trẻ bây giờ nghe!". 

Thanh Hiền tham gia du kích năm 1958 nhưng đến năm 1960 thì bị lộ nhảy vô bưng. Cũng nhờ các vị lãnh đạo khi đó như ông Tư Văn (Phan Văn - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh) biết ông có ngón đờn kìm cũng khá mướt nên phân về Đoàn Văn công Tây Ninh. Nhắc lại chuyện này ông kể: "Mấy hôm trước ông Bảy Phát (soạn giả Xuân Phát - nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin tỉnh) vô Hội thăm tôi ông bảo: Sao hồi đó mày gan vậy mới vô 3 ngày đã dám sửa kịch bản của tao? Tôi đáp liền: Gan gì anh thấy anh làm cực quá mà cái vở "Nợ nước thù nhà" có nhiều đoạn ca từ không khớp thì tôi sửa… chủ yếu là vì phong trào mà anh". Cũng trong năm đó ông viết bài bản cải lương đầu tiên là bài ca theo điệu xang xừ líu có tựa đề "Cho đời ta mãi đượm hương hoa" ca ngợi những người nữ du kích. Ở được hơn tháng ông lại chuyển lên R công tác ở Đoàn Văn công Giải phóng. Hết phục vụ Củ Chi quanh ngược về Bến Cầu Núi Bà rồi trở lại Trảng Bàng băng qua Bến Dược về Củ Chi cắt qua Phú Giáo về Ba Trâm lên tuốt chiến khu Đ ở Tân Uyên. "Được 4 5 tháng gì đó lại nhận được lệnh của ông Trần Bạch Đằng quay về Ban Tuyên huấn R. Ròng rã mấy ngày trời băng rừng từ chiến khu Đ về đến khu vực Tà Dơ (Dương Minh Châu) tự dưng tôi rưng rưng nước mắt" ông hồi tưởng. Cũng từ thời điểm này nhờ được sự hướng dẫn của soạn giả Trần Hữu Trang Lý Văn Sâm… tay nghề của Thanh Hiền được nâng lên viết nhiều hơn. Năm 1972 ông được cử ra Bắc học lý luận nghiệp vụ. Lúc nào học thì học rảnh ra là ông viết vọng cổ cho Ban văn nghệ Đài Phát thanh Giải phóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Những bài ông viết thời đó như "Em bé Phú Riềng" "Long An tươi màu lá mạ" "Tiếng sóng biển - Tiếng quê hương"... rất được nhiều người biết đến qua hai giọng ca cổ nổi tiếng thời đó là Thanh Hùng và Ngọc Hoa.
Năm 1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước ông về Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP. HCM. Hoà cùng niềm vui chung của đồng bào ông viết "Bông điệp Sài Gòn" "Rẽ mạ đầu mùa" "Ngọn cờ hồng phất cao"... trong đó có bài "Tấc đất tấc vàng" đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác do Tiểu ban văn nghệ thuộc UB quân quản thành phố tổ chức. Cũng trong những năm này ông lên xuống Tây Ninh liên tục. Trên chuyến xe đò về quê dịp cuối năm 1976 đầu xuân 1977 nhìn đồng lúa xanh những cánh cò chấp chới cảm xúc dâng trào ông viết bài "Chuyến xe Tây Ninh". Có người nói những năm mới giải phóng nghệ sĩ Thanh Tuấn gần như mất tiếng mất tăm. Chỉ khi hát Chuyến xe Tây Ninh Thanh Tuấn mới thật sự tìm lại được ánh hào quang của mình trên sân khấu cải lương. Mãi đến năm 1982 Thanh Hiền mới xin về hẳn Tây Ninh.
Trên thực tế so với cả nước thậm chí các tỉnh thành bạn Tây Ninh không phải là tỉnh mạnh về văn học nghệ thuật nhưng tôi đoán chắc không ai không thừa nhận rằng Thanh Hiền là một người tâm huyết với nghề với văn nghệ của tỉnh nhà.

Nghe bài "Chuyến xe Tây Ninh" nghệ sĩ Thanh Tuấn


Thanh Hiền, cây đờn kìm và khả năng sáng tác
 Thanh Hiền không chỉ là cây viết sáng tác vọng cổ nổi tiếng với hơn 2.000 bài vọng cổ và bản tài tử; ông còn là nghệ nhân đờn kìm, nhạc tài tử tiêu biểu của Khu vực miền Đông Nam bộ. Lớn lên từ môi trường nghệ thuật cách mạng trong kháng chiến liên tục cho đến thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nay dù đã bước vào tuổi “cổ lai hy” ông vẫn chưa ngơi nghỉ. Gần đây, ông còn dẫn dắt Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Tây Ninh thủ đờn kìm còn khá phong độ.

Đờn - viết trong khói lửa
Thanh Hiền tên thật là Đỗ Văn Trượng (SN 1942), tại xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Lúc nhỏ, được gia đình cho học cả tiếng Pháp và tiếng Hán. Ngoài chữ nghĩa, ông còn đam mê nhạc tài tử, biết ca và sử dụng một số nhạc cụ, trong đó đờn kìm là sở trường của Thanh Hiền từ niên thiếu cũng như khi đã vào bưng tham gia kháng chiến. Cây đờn kìm đồng hành với ông từ đó cho đến bây giờ.
Nhờ khả năng ca cầm và vốn chữ nghĩa nên khi còn thanh niên, Thanh Hiền hăng hái tham gia phong trào văn nghệ ở địa phương. Lúc đó, ông viết một số bài bản tài tử, chặp cho đội văn nghệ ở quê nhà. Sau đó, Thanh Hiền được Đoàn Văn công tỉnh Tây Ninh rút về và hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp (năm 1960). Với tính tình năng động trong nghệ thuật đờn ca, Thanh Hiền còn là cây viết nhạy bén sáng tác về đề tài nóng có tính thời sự lúc bấy giờ nên ông được Đoàn Văn công Giải phóng “R” rút về (năm 1961) làm Trưởng ban Cổ nhạc, ông vẫn đờn kìm chánh và giữ song lang. Những năm sau đó, Thanh Hiền được đơn vị cử đi học các lớp: Thông tin, báo chí và văn nghệ (1963-1964) do các thầy: Trần Bạch Đằng, Trần Hữu Trang, Nguyễn Hiếu Minh,... giảng dạy.
Khi lớp học kết thúc, học viên được phân công đi thực tế sáng tác và viết bài phản ánh  chiến trường miền Nam cho Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng (CP 90). Riêng Thanh Hiền được phân công về các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ: Tây Ninh, Sài Gòn - Gia Định, Long An, Trà Vinh, Bến Tre, Mỹ Tho,... từ cuối năm 1964 đến 1968. Đây là giai đoạn mà tác giả Thanh Hiền viết vọng cổ về đề tài kháng chiến, với nội dung phong phú ca ngợi những người nông dân chịu thương, chịu khó, bám đất, giữ làng, lòng kiên trung với cách mạng qua hình tượng bác nông dân, cô du kích, bà mẹ chiến sĩ, anh dân quân,... Những bài vọng cổ tiêu biểu thời đó đều được phát trên Đài Phát thanh Giải phóng, hầu hết các bài được NSƯT Thanh Hùng và NSƯT Ngọc Hoa ca: Em bé Phú Riềng, Vui kháng chiến, Gởi bạn khúc tình ca, Tiếng sóng biển tiếng quê hương, Xuân vui Long An tươi màu lá mạ, Lá thư Đường Bốn, Đường ra trận hôm nay…
Sang năm 1969, Thanh Hiền được về Trường Văn nghệ Giải phóng (B 2.5) rồi đi học các lớp ở Hà Nội (1972-1975): Trung cấp, cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Lý luận nghiệp vụ Văn hóa, Dự bị đại học sân khấu... Thời gian này, ngoài giờ học ở trường, ông thường xuyên có mặt ở Đài Phát thanh Giải phóng, vì lúc đó, tác giả Trần Nam Dân là Trưởng ban Biên tập Văn nghệ của đài, rất mến Thanh Hiền (ông Trần Nam Dân lớn hơn Thanh Hiền 13 tuổi), biết Thanh Hiền đờn kìm và sáng tác hay nên kéo ông về cộng tác thường xuyên vừa đờn, vừa sáng tác cho đài cho đến ngày miền Nam giải phóng.

Viết - đờn lúc hòa bình
Ngay sau ngày giải phóng (5/1975), tác giả Thanh Hiền công tác tại Hội Sân khấu TP.HCM. Đến cuối năm 1978, ông chuyển công tác về Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Tây Ninh để gần nhà, chăm sóc mẹ già (vì 3 người anh, em trai của Thanh Hiền hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ). Sau đó, ông về làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh cho đến khi về hưu (2007). Ở cương vị nào, giai đoạn nào, tác giả Thanh Hiền vẫn không rời cây đờn kìm và cây viết, được xem như hai loại vũ khí suốt thời gian ông phục vụ cách mạng.
Có lẽ công việc cầm viết sáng tác của tác giả Thanh Hiền qua nhiều giai đoạn khó mà thống kê, ông cho biết, số lượng bài ca lẻ lên đến 2.200 bài (vọng cổ, bài lý, bài bản tài tử) tính từ năm 1958 đến 2015, và khoảng 20 kịch bản cải lương đều được sử dụng trên các đài truyền hình, sân khấu, nhất là Đài Phát thanh Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam. Những kịch bản cải lương tiêu biểu: Lá thư cô Hiếu (giải Nhất - Đài Phát thanh Giải phóng), Đám cưới cô Trầm, Vì sao anh chưa về (giải Nhì - Đài Phát thanh Giải phóng), Tiếng hát An Cơ (Huy chương Bạc - Đoàn Cải lương Tây Ninh), Chim quyên xuống đất (Huy chương Bạc - Đoàn Văn công Đồng Tháp),... Về bài ca lẻ, nhóm ba bài lý: Lý sáng trăng, Lý bông đậu và Lý tầm quân đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Đờn hát dân ca toàn quốc - 1985.

Thế mạnh sáng tác ở thể loại vọng cổ
Riêng về thể loại vọng cổ, từ sau năm 1975, tác giả Thanh Hiền sáng tác nhiều bài cho các đài và cho phong trào ở địa phương nhưng trong đó, những bài nổi tiếng và được phổ biến rộng trong dân gian, ai cũng có thể thuộc lòng và ca được: Bông điệp Sài Gòn (NS Minh Cảnh ca), Tấc đất tấc vàng, Chuyến xe Tây Ninh (Thanh Tuấn ca), Rẽ mạ đầu mùa (Minh Cảnh - Thanh Kim Huệ ca), Lan trắng, Cây thương nhớ, Tâm sự Ngọc Hân,... Bút pháp sáng tác vọng cổ của Thanh Hiền có nét rất riêng, văn phong nhẹ nhàng, không chỉ chuẩn xác về vần điệu, âm nhạc cho người ca dễ ca mà còn tạo xúc cảm nữa. Do đó, ca từ của Thanh Hiền gợi cảm mạnh mẽ không chỉ với người ca mà còn chinh phục tình cảm của người nghe. Nói mặt nào đó, tác giả Thanh Hiền viết vọng cổ rất chắt lọc từ ngữ, gọi là lời văn nghệ thuật được tác giả trau chuốt và gọt giũa cẩn thận nên khi ca, ngôn từ có màu âm ngữ điệu mướt mát nhưng cũng thật sâu sắc; lại có những cảnh huống, nội dung ông lại sử dụng từ ngữ bình dân, mộc mạc nhưng tinh túy để thích hợp với hoàn cảnh và tâm trạng của nhân vật trong bối cảnh đó mà ông đề cập. Nói chung, tác giả Thanh Hiền có vốn văn chương phong phú, vận dụng ngôn từ cơ bản cả về cú pháp lẫn biện pháp tu từ nên hầu hết tác phẩm của ông sinh động, mượt mà, bóng bẩy về hình thức biểu đạt ca từ; giàu cảm xúc và tâm trạng, phong phú ngữ nghĩa và sâu lắng về mặt nội dung hàm ý,...
Về đờn kìm, Thanh Hiền là đại biểu của giới tài tử miền Đông, ông có lối đờn xôm tụ và hùng tráng ở hơi điệu Bắc, buồn mùi ở hơi điệu Nam - Oán, vọng cổ thì trẻ trung dù ông đã lớn tuổi. Ông chạy ngón đờn nhanh, nhẹ, ngón nhấn đâu ra đó, các âm sắc chuẩn xác chắc nịch với nhạc điệu,... Nét riêng của ông khi hòa tấu thường hay nhường cho bạn đờn những láy đờn chánh, ông đan xen và thỉnh thoảng “xốc” vài chữ lạ nghe rất hay, tạo âm sắc tươi tắn và chẻ nhịp khá điệu nghệ.
Với cuộc đời hoạt động cách mạng và cống hiến cho nghệ thuật dân tộc, ngoài những giải thưởng tác phẩm nêu trên, tác giả Thanh Hiền đã được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu đợt I và II (trong chiến khu), Giải thưởng Văn học Nguyễn Thông - Long An năm 2002, nhiều huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen khác.
Từ ngày về hưu đến nay, ông vẫn sáng tác đều tay về lời ca mới cho nhạc tài tử khá nhiều, ông cùng vài tác giả khác in thành một tập tương đối đầy đủ bài bản tài tử và một tập vọng cổ. Hiện nay, ông là Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử tỉnh Tây Ninh. Ông tâm sự, niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của ông hiện nay, ngoài gia đình thì công việc cầm viết để sáng tác và cầm đờn để cùng bạn đồng điệu tri âm là không còn gì hơn nữa...


Share: