Cải lương Giọt Máu Oan Cừu


Giọt Máu Oan Cừu là một vở diễn của đoàn cải lương Hương Tràm thuộc tỉnh Minh Hải (gồm Bạc Liêu-Cà Mau) thời vừa sau giải phóng, với cốt truyện tương tự vở Tìm Lại Cuộc Đời, xoay quanh nhân vật chính là đại úy Hoàng Anh trong quân đội VNCH (do Minh Đương thủ diễn).
Khác với Huy Bình của Tìm Lại Cuộc Đời, đại úy Hoàng Anh luôn có bên cạnh một người cha hết lòng dẫn dắt chỉ lối đâu là nẻo ngay đường sáng, nên sự va vấp ít hơn Huy Bình nhiều. Vở diễn được chấp bút bởi soạn giả Trọng Nghĩa, một người con miền đất mũi, giống như nhà văn Sơn Nam. Những nét chấm phá về tính cách người dân miền cực nam được tìm thấy rất đậm đà trong vở cải lương này, điển hình nhất là nhân vật Bảy Thép, một vai diễn rất thành công, có thể nói là để đời của nghệ sĩ Minh Sang.

Đôi nét về nghệ sĩ Minh Sang
Kép Minh Sang xuất thân trong gia đình làm nông tại Sài Gòn. Gia cảnh nghèo, lại sớm mất hơi ấm gia đình, tưởng chừng tương lai sẽ nối tiếp cảnh đời vất vả quen ngày, làm thuê đắp đổi như cha mẹ, thì rồi số phận xui khiến cậu bé Đỗ Thượng Sơn gặp Nhạc sĩ Tám Đen thầy dạy nhạc. Thầy giáo nhận ra năng khiếu tiềm ẩn và nét duyên sân khấu ở cậu bé, nên đem về lò cổ nhạc tại nhà để đào tạo. Sau nhiều tháng, cậu được thầy trui rèn nhuần nhuyễn những bài bản tài tử. Năm 1959, thầy Tám Đen ra rạp Hưng Bình rồi mời học trò mới về đoàn, cùng đứng sân khấu với các nghệ sĩ Hồng Nga, Minh Cảnh, Phương Bình, Văn Hường... Ở tuổi vừa tròn 14, cậu bé nhà nghèo phút chốc trở thành chàng kép cải lương với nghệ danh Minh Sang. 
Năm 1962, kép Minh Sang về đầu quân cho Công ty Kim Chung, một đại ban cải lương với nhiều tên tuổi sáng giá như: Minh Cảnh, Mỹ Châu, Diệu Hiền, Lệ Thuỷ, Phương Bình, Quốc Trầm, Trường Xuân, Minh Vương... từ đây, tên tuổi Minh Sang được công chúng biết đến với những vai diễn xuất thần trên sân khấu, dù ông không phải kép chánh.
Sau ngày giải phóng, cải lương miền nam như chựng lại. Các nghệ sĩ lớp bỏ nghề, lớp sống thoi thóp. Riêng Minh Sang may mắn được Đoàn Hương Dạ Thảo-Phương Bình mời về biểu diễn năm 1976. Sau đó một thời gian ngắn, ông lại nhận được lời mời của Đoàn Cải lương Hương Tràm và quyết định về đầu quân phát triển sự nghiệp nghệ thuật. Nhớ về giai đoạn này, ông tâm sự: "Những ngày đầu mới về, Đoàn Cải lương Hương Tràm tương đối hạn chế về lực lượng nghệ sĩ cũng như hoạt động biểu diễn, nếu so với các đoàn ở thành phố thì điều kiện có phần thua thiệt hơn rất nhiều. Nhưng càng khó khăn đòi hỏi tình yêu nghề của mình phải lớn để vượt qua bằng chính lao động nghệ thuật nghiêm túc".
Những vai diễn cải lương nổi tiếng của ông có thể kể đến như: Thạch Vũ (Tâm sự loài chim biển), Bùi Kiệm (Lục Vân Tiên), Bảy Thép (Giọt máu oan cừu)... Trong đó, vai Bảy Thép được xem như đỉnh cao trong nghệ thuật cải lương của NSƯT Minh Sang khi về Đoàn Hương Tràm mà cho đến nay vẫn chưa có nghệ sĩ nào thay thế được.
Không chỉ thành công với lĩnh vực cải lương, ông còn ghi điểm khi “lấn sân” sang điện ảnh, tham gia hơn 14 bộ phim truyền hình, hầu như phim nào cũng thành công, từ Miền đất phúc, Giọt đắng, rồi Thuyền trưởng, Mùa di trú... Minh Sang cho rằng, ông tâm đắc nhất vai ông Diệp trong phim Miền đất phúc, vai diễn khá giống với cuộc đời ông, vì thế tính cách nhân vật được ông khai thác tuyệt vời.
Từ năm 2004, ông nghỉ hưu sau 27 năm công tác tại Đoàn Cải lương Hương Tràm. Cuộc sống hiện tại của NSƯT Minh Sang tương đối bình lặng. Mức lương hưu hằng tháng đủ để ông trang trải cho cuộc sống của mình. Thỉnh thoảng có các cơ quan mời chấm thi, làm giám khảo các cuộc thi văn nghệ, ông luôn sẵn sàng. Thời gian rảnh rỗi ông đi đây đó thăm đồng nghiệp ngày xưa, cùng ngồi với nhau ca hát cho đỡ nhớ nghề.

Đôi nét về soạn giả Trọng Nguyễn
Soạn giả Trọng Nguyễn tên thật là Nguyễn Phú Xuân sinh ngày 29/12/1938 tại xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) trong một gia đình nông dân có chí hướnh cách mạng. Cha ông Nguyễn Cao Minh (1904 – 1983) và mẹ Lê Thị Để (1904 – 1944) đều là những cán bộ nòng cốt địa phương. Vợ ông là nghệ sĩ cải lương Huỳnh Diễm Hồng (1947 – 1997) có thâm niên phục vụ trong đoàn văn công tỉnh Cà Mau cũ. Ông có sáu con gồm bốn trai hai gái, tất cả đều ở Bạc Liêu.
Ngay từ nhỏ Trọng Nguyễn đã được cha mẹ giáo dục tinh thần cách mạng, nên vừa tròn 16 tuổi đầu (năm 1954), ông đã thoát ly vào bưng,  được phân công làm giáo viên các trường xã, tiếp theo làm Tổ trưởng tổ giao liên, Phân đoàn trưởng thanh niên lao động. 
Từ năm 1958 làm Tổ trưởng trong lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau. Từ 1961 làm Bí thư đoàn văn công tỉnh Cà Mau, và ngày 25-11-1963 được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam. Từ năm 1972, Trọng Nguyễn giữ chức Bí thư Chi bộ đoàn văn công khu Tây Nam bộ, kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác ở Sở Văn Hóa, Hội Văn Học Nghệ Thuật tỉnh Minh Hải, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đồng bằng Sông Cửu Long . Sau ngày tỉnh Bạc Liêu được tái lập (1/1/1997) ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, trong Đại hội Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhiệm kỳ 2000 – 2005 ông được bầu vào Ban chấp hành TW và tiếp theo đắc cử Liên chi hội trưởng Chi hội Sân khấu Việt Nam  đồng bằng sông Cửu Long. Đến tháng 4-2002, ông chính thức nghỉ hưu. 
Theo lời kể của Trọng Nguyễn, từ năm 1961 đến nay ông đã biên soạn được tất cả 19 kịch bản Cải lương, đó là các vở : Đôi bông cẩm thạch, Xếp bút nghiên, Ai nên đi, Tang thương, Anh Tư nhà mới, Phút giây trong lòng địch,  Giọt máu oan cừu, Rừng thần, Tình sử Thiên y-a-na, Hãy tha lỗi cho em, Lời thề trước miếu, Tấm Cám, Cánh buồm định mệnh, Bình rượu tình, Sơn Tinh Thủy Tinh, Bóng biển, Nước mắt một thời chưa xa, Phải chi ngày ấy, Bông mận . Các vở này không chỉ được các đoàn cải lương ở Bạc Liêu trình diễn mà còn được một số đoàn hát lớn ở Việt Nam sử dụng khắp nơi, trong đó có những vở rất nổi tiếng có ý nghĩa sâu xa như  : Giọt máu oan cừu, Bóng biển, Rừng thần, Tình sử Thiên y-a-na …
Điểm đặc biệt trong các sáng tác của Trọng Nguyễn là ông mạnh dạn đưa lên sân khấu những hình ảnh thực sự của đời thường, không dùng nghệ thuật để tô vẽ lên những hạn chế của con người và xã hội, ông xây dựng nhân vật rất thực – rất phù hợp với những gì đã xảy ra . Một lần ông kể lại: “Có người hỏi tôi, tại sao ông xây dựng nhân vật Đình trong tuồng Bóng biển là kẻ quá dốt nát như vậy ? Tôi trả lời: Dốt thì phải nói dốt chứ không thể nói khác hơn được vì đó là những cái dốt rất đáng thương, các anh nghĩ xem ở cái xứ khỉ ho cò gáy – xa xôi như Rạch Gốc những năm 1930 trở về trước làm sao người dân được học hành,  nhưng những người dốt nát này sau khi giác ngộ Cách mạng thì họ đã yêu quê hương bằng cả tấm lòng, dám chết vì đất nước, thì những con người đó không đáng được trân trọng hay sao?”
Một thí dụ khác là nhân vật vai chính trong vở Giọt máu oan cừu , đại úy Hoàng Anh, lại phục vụ cho lực lượng cảnh sát chế độ cũ, nhưng ý của Trọng Nguyễn muốn nói khi người ta đã mang dòng máu Cách mạng trong người thì dù ở đâu, ở vị trí nào hay hoàn cảnh nào, họ đều là những con người chân chính cả. Bởi lẽ đó đại úy Hoàng Anh cũng không ngoại lệ. Ngoài ra ông còn nhắn nhủ công tác binh vận, địch vận trong thời kỳ đó quả đã có tác dụng rất tích cực – đã thực hiện được những công tác thật khó khăn .
Điểm đặc biệt thứ hai của Trọng Nguyễn là không cầu kỳ, không khiên cưỡng; trong lúc xây dựng kịch bản ông chỉ dùng những bài bản thông thường, những giai điệu phổ thông, chính điều này đã làm cho diễn viên dễ ca dễ diễn, vì vậy kịch bản của ông cũng dễ thành công ở các đoàn Cải lương.
Đặc điểm thứ ba cũng là đặc điểm trọng tâm – hầu hết các kịch bản của ông đều mang ý nghĩa đấu tranh giai cấp, ly tưởng cách mạng, quyền làm con người.
Riêng về phần bài ca Vọng cổ, đến nay Trọng Nguyễn đã sáng tác được trên 200 bài,  mỗi bài ca đều mang một kỷ niệm trong đời của ông. Cứ mỗi một kỷ niệm thì Trọng Nguyễn lại cho ra đời một bài ca, số lượng tuy nhiều nhưng tất cả đều có ý nghĩa tốt đẹp, có sự đóng góp làm lành mạnh cho xã hội – nhân sinh . Năm 1999, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu đã chọn 50 bài ca Vọng cổ tiêu biểu của ông để in thành một tập nhan đề là Quê anh quê em; đến cuối năm 2004 lại tiếp tục xuất bản Tuyển tập Giọt sữa cuối cùng, gồm 110 bài ca vọng cổ được nhiều người yêu thích.
Nghỉ hưu từ năm 2002, nhưng soạn giả Trọng Nguyễn vẫn không ngừng những hoạt động sáng tác. Ông còn tham gia làm giám khảo chấm giải các hội thi sáng tác bài ca cổ, các hội thi phát hiện tài năng trẻ của nghệ thuật sân khấu cải lương.
Trọng Nguyễn đã để lại cho đời một gia sản nghệ thuật khá đồ sộ gồm 19 kịch bản cải lương, hơn 200 bài ca vọng cổ. Những tác phẩm trong số này được quần chúng biết đến nhiều nhất có: Giọt máu oan cừu, Bóng biển, Rừng thần; Ơn Đảng, Bạc Liêu ngày ấy, Chợ Mới, Giọt sữa cuối cùng, Đôi mắt, Quê anh quê em. Qua những sáng tác của ông, người dân cả nước và kiều bào xa xứ đều cảm thấy gần gũi, thân thương khi nghĩ về miền đất được xem là chiếc nôi của nghệ thuật cải lương.
Soạn giả Trọng Nguyễn mất ngày 25-1-2018, hưởng thọ 81 tuổi.

TẬP 1



TẬP 2


TẬP 3


TẬP 4


TẬP 5


TẬP 6



TƯ LIỆU VỀ ĐOÀN CẢI LƯƠNG HƯƠNG TRÀM
Nửa thế kỷ trước, Đoàn Hương Tràm ra mắt công chúng (bấy giờ còn có tên là Đoàn Văn công giải phóng Cà Mau) tại Rạch Gốc, Tân Ân (huyện Ngọc Hiển). Nhân sự của đoàn bấy giờ chỉ vẻn vẹn có 20  người. Đạo diễn, tác giả Huỳnh Hảnh, nguyên Trưởng Đoàn cải lương Hương Tràm nhớ lại: "Thiếu nhiều thứ nhưng chúng tôi có thừa nhiệt huyết. Tất cả xông lên phía trước, hừng hực khí thế ".
Nghệ sĩ Minh Đương
Nghệ sĩ ưu tú Minh Đương, nguyên Trưởng Đoàn cải lương Hương Tràm bắt đầu khơi nguồn kỷ niệm từ những ngày Đoàn Văn công giải phóng Cà Mau hoạt động từ vùng rừng đước Tân Ân, Tam Giang... đến vùng rừng tràm U Minh Hạ.
Do không có phương tiện, nên muốn chuyển vùng hoạt động, cán bộ, nghệ sĩ phải cõng "đồ nghề" lội bộ, băng rừng, vượt sông. Mọi thứ đều thiếu thốn: ánh sáng là đèn măng-sông, sân khấu kê bằng ván ngựa mượn của bà con, không màn nhung, thiếu phục trang. 
Vậy mà vui. Vậy mà thấy ấm áp trong lòng hơn bao giờ hết. Vì khi ấy đồng bào quý trọng, thương yêu cán bộ, nghệ sĩ như người thân ruột thịt của mình.
Từ năm 1969 đến năm 1971, đoàn phải tự túc bằng nhiều hình thức, mượn đất của dân làm ruộng, giăng câu bắt cá, đào đất mướn, cấy lúa mướn, bắt ốc len, ba khía, chằm lá bán... Đặc biệt, có nhiều lần đoàn tổ chức thành nhiều nhóm đi lạc quyên trong dân.
Nghệ sĩ Kim Chi hào hứng kể lại: "Hồi đó, nhóm lạc quyên của tôi thường được nhiều tiền, nhiều gạo là do nhóm có phục vụ văn nghệ tại các nơi đến. Nghệ sĩ không ai ngại ngùng gì. Vì mình lạc quyên không phải cho riêng mình, mà cho tập thể đoàn. Mặt khác, bà con cũng hiểu, nghệ sĩ phục vụ đồng bào miễn phí, nên có lon gạo, con cá, cọng rau bà con đều muốn chia sẻ".
Năm 1973, Đoàn Văn công giải phóng Cà Mau được tách thành 2 đoàn. Đó là Đoàn cải lương Hương Tràm và Đoàn ca múa nhạc Tam Giang. Lúc này, Đoàn cải lương Hương Tràm được UBND tỉnh và Ty Văn hóa tỉnh (sau đó là Sở Văn hóa - Thông tin, nay là Sở Văn hóa  - Thể thao và Du lịch) quan tâm đầu tư phương tiện, thiết bị phục vụ biểu diễn.
Cùng lúc, đoàn có tăng cường thêm lực lượng nghệ sĩ từ các đoàn cải lương ở Sài Gòn về, trong đó, có nghệ sĩ tên tuổi như Diệu Hiền, Loan Thảo, Kim Hà, Tấn Đạt, Minh Sang, Minh Hoàng, Vũ Thanh Quang, Hoàng Á, Trọng Sĩ... và xây dựng một số tuồng cải lương, đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả. Tiêu biểu là vở cải lương "Giọt máu oan cừu", "Tìm lại cuộc đời"... và một số tuồng cổ, như "Nhạc phi bái mẫu", "Lục Vân Tiên"...
Nghệ sĩ ưu tú Minh Đương, kể: "Tại rạp hát Cà Mau, chúng tôi biểu diễn chỉ một tuồng duy nhất trong vòng 15 đêm nhưng vẫn "cháy vé". Doanh thu của Đoàn cải lương Hương Tràm lúc đó luôn vượt xa kế hoạch. Nhưng đó chưa phải là niềm vinh dự lớn...".
Niềm vinh dự lớn mà Nghệ sĩ ưu tú Minh Đương nhắc đến là lần đầu tiên Đoàn cải lương Hương Tràm đại diện duy nhất cho cải lương miền Nam đi lưu diễn phục vụ ở miền Bắc và được biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội. Nghệ sĩ ưu tú Minh Đương tự hào: "Lần đầu tiên được nhìn thấy và nghe giọng hát của nghệ sĩ miền Nam với bài ca vọng cổ, đồng bào miền Bắc rất xúc động và thích thú. Những tràng vỗ tay, những tiếng reo hò của khán giả như tiếp thêm nguồn cổ vũ, để chúng tôi tự tin hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của chuyến lưu diễn".
Từ sau năm 1990, nhận thấy lớp nghệ sĩ có bước chựng lại, do tuổi đời, tuổi nghề cao, lãnh đạo Đoàn cải lương Hương Tràm lần đầu tiên quyết định tuyển sinh lực lượng nghệ sĩ kế thừa. Từ số lượng trên 300 thí sinh trong và ngoài tỉnh, thông qua thi tuyển, ban tổ chức chọn được 30 thí sinh triển vọng. Trong đó, có lớp nghệ sĩ thành danh sau này, như nghệ sĩ, đạo diễn Lịch Sử, nghệ sĩ Hoàng Nhất, Hoa Phượng, Trúc Ly...
Từ các giọng ca triển vọng, lãnh đạo Đoàn cải lương Hương Tràm có kế hoạch chăm bồi. Đoàn cải lương Hương Tràm và các cá nhân đoạt nhiều Huy chương vàng, bạc, đồng Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, giải Trần Hữu Trang, giải tài năng trẻ sân khấu qua các năm. Uy tín và tiếng vang của Đoàn cải lương Hương Tràm được lưu giữ và phát triển mạnh mẽ.
Nghệ sĩ ưu tú Minh Hoàng, Trưởng Đoàn cải lương Hương Tràm, đúc kết: "Quản lý một đoàn cải lương khó vì cái "chất" nghệ sĩ của mỗi người mỗi khác. Tuy nhiên, Đoàn cải lương Hương Tràm may mắn được thừa hưởng kinh nghiệm của thế hệ đi trước, thừa hưởng "trật tự" của Đoàn Văn công giải phóng ngày xưa, nên tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết của anh em cán bộ, nghệ sĩ được vững bền, thắt chặt. Chúng tôi giữ được điều đó là giữ được linh hồn của Đoàn cải lương Hương Tràm".

GIỌT MÁU OAN CỪU (với Trọng Hữu vai đại úy Hoàng Anh)
PHẦN 1
PHẦN 2


PHẦN 3


PHẦN 4