Bệnh Alzheimer là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 6 tại Hoa Kỳ, và là nguyên nhân duy nhất trong top ten giết người đến nay vẫn chưa tìm ra được liệu pháp chữa trị, thậm chí cả phương pháp nào để ngăn ngừa hoặc làm chậm lại tiến trình căn bệnh này diễn biến.
Trong những năm gần đây, tử vong do các nguyên nhân hàng đầu đều đã giảm, chẳng hạn tử vong do bệnh tim - kẻ giết người hàng đầu - đã giảm 14% nhưng lại gia tăng đáng kể trong trường hợp bệnh Alzheimer, với mức tăng 89% trong khoảng các năm 2000 đến 2014. Hiện tại, có khoảng 5,5 triệu người Hoa Kỳ sống chung với bệnh Alzheimer, dự kiến đến năm 2050, con số này sẽ tăng đến 16 triệu.
Bệnh Alzheimer là nguyên nhân chủ yếu đưa đến hội chứng mất trí nhớ.  Có đến 65 phần trăm trong số 47 triệu người mắc chứng mất trí nhớ trên toàn thế giới được cho là mắc bệnh Alzheimer. Đó là một căn bệnh thoái hóa não, làm mất dần khả năng suy nghĩ, ghi nhớ, đưa ra quyết định, giao tiếp và chăm sóc bản thân của người cao tuổi.
Alzheimer cũng liên quan đến một số bệnh tâm thần, bao gồm trầm cảm. Trên thực tế, trầm cảm thường có thể xuất hiện trước khi xảy ra những thay đổi về trí nhớ và suy nghĩ, và được cho là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với bệnh này. Từ 65 tuổi trở đi, nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer cứ tăng gấp đôi sau 5 năm. Như vậy, một người 85 tuổi có đến 50% nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Vậy sự thoái hóa não nơi những người cao tuổi mắc Alzheimer đã phát triển như thế nào? Nó gồm một số dấu hiệu đặc trưng, nhưng nổi bật trong số này là sự phát triển của các những cụm hay "mảng" của một loại protein gọi là amyloid beta kèm với hiện tượng gây ra những "rối loạn sợi thần kinh" của một protein khác gọi là tau. Những đặc điểm này đến một lúc sẽ gây ra những vùng viêm và làm đứt các mối nối giữa tế bào thần kinh - sau cùng là cái chết của tế bào thần kinh.
Dù hiện vẫn chưa có cách chữa trị hội chứng mất trí nhớ, có đủ bằng chứng cho thấy bạn có thể giảm nguy cơ hoặc trì hoãn hội chứng ấy. Theo thống kê. khoảng một nửa số trường hợp mắc bệnh Alzheimer trên thế giới do một số yếu tố rủi ro có thể kiểm soát được. Thế những yếu tố rủi ro ấy là gì?
Đứng hàng đầu là thói quen lười vận động. Nhiều người biết rằng hoạt động thể chất thì có lợi ích lớn lao cho cơ thể và cho tim mạch, nhưng ít người hiểu được rằng việc vận động cơ thể cũng có tác động tích cực của đối với sức khỏe não bộ. Có nhiều bằng chứng y học cho thấy một lối sống lành mạnh và tích cực có tác dụng tối đa hóa sức khỏe của não bộ và làm giảm nguy cơ mất trí nhớ. Trước đây người ta đã nghĩ rằng não bộ người trưởng thành là cố định và không hề thay đổi, nhưng  giờ đây y học biết rằng bộ não luôn phát triển và thay đổi trong suốt đời người. Quá trình phát triển các tế bào mới và xây dựng các kết nối mới được gọi là tính linh hoạt.
Tính linh hoạt của não được cải thiện nhờ vào các hoạt động thể chất. Những vận động cơ thể hỗ trợ sự phát triển và gia tăng tuổi thọ các tế bào não. Ảnh chụp cắt lớp bộ não những người tập thể dục thường xuyên cho thấy sự lớn hơn hẵn của những vùng quan trọng trên não liên quan đến trí nhớ và học tập so với những người rất ít tập thể dục. Điều này cho thấy rằng những người tập thể dục có nhiều tế bào não hơn và do đó tạo ra nhiều kết nối hơn, vì vậy bộ não họ hoạt động tốt hơn.
Giới khoa học còn thấy rằng chứng teo tóp não liên quan đến tuổi già dường như giảm rõ rệt ở những người lớn tuổi tập thể dục thường xuyên. Để có năng lượng cho mọi hoạt động, não cần được cung cấp một lưu lượng máu dồi dào. Hoạt động thể chất giúp tăng lưu lượng máu cần thiết này lên não. Hơn nữa, vận động thể chất còn làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, cao cholesterol và chứng béo phì, những thủ phạm gây hỏng vỡ các mạch máu dễ dẫn đến những bệnh về não, gây ra chứng mất trí nhớ.
Một yếu tố khác làm chậm hay thúc đẫy nhanh tiến trình suy thoái não là lối sống không  tích cực. Theo một báo cáo y học được công bố trên tờ Lancet gần đây, hơn một phần ba các trường hợp mất trí nhớ có thể phòng ngừa nếu mọi người chọn lấy một lối sống tích cực có ảnh hưởng tốt đến sức khỏe não bộ. Các nhà nghiên cứu đưa ra 10 điều về lối sống tích cực phòng tránh Alzheimer như sau:
1. Tránh tối đa các chấn thương não.
Nên đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp hoặc chơi các môn thể thao, thắt dây an toàn khi đi ô tô.
2. Thường xuyên thử thách bộ não, như giải câu đố, vẽ tranh hoặc đánh cờ.
3. Giữ chế độ ăn uống nhiều củ quả, rau xanh.
4. Ngủ đủ giấc, tránh bị rối loạn giấc ngủ hoặc không ngủ đủ giấc và làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer và các chứng mất trí nhớ.
5. Duy trì sức khỏe tim mạch tốt để tránh các bệnh tiểu đường, huyết áp cao và béo phì.
6. Tham gia những lớp học để tạo dịp cho não vận động.
7. Bỏ thuốc lá, nhất là sau tuổi 65.
8. Tập các môn thể dục lợi tim mạch, như chạy hoặc bơi, và các môn này giúp tăng lưu lượng máu đến não và tăng nhịp tim.
9. Giữ gắn kết xã hội, thường xuyên tham gia các sinh hoạt giao lưu với bạn bè và các hoạt động xã hội để giữ trạng thái luôn khoái hoạt.
10. Điều trị trầm cảm nếu bạn đang trải qua, vì trầm cảm làm tăng cao nguy cơ  mắc các chứng mất trí nhớ.