Thanh Thúy mỹ nhân bolero và một nhân cách lớn


Khoảng cuối thập niên 50’s, đầu 60’s, làng nhạc miền nam xuất hiện một giai nhân tuyệt trần, và nàng cũng vụt sáng lên thành hiện tượng độc đáo bậc nhất. Không màu mè cầu kì, chỉ bằng tiếng hát và nhan sắc trời phú người ca sĩ đã chiếm trọn trái tim khán giả và khiến bao nhiêu nhạc sĩ tài hoa phải si mê. Ca sĩ đó chính là Thanh Thúy –được mệnh danh là "Nữ hoàng của các thể điệu Bolero, Rumba, Slow" hay "Hoa hậu nghệ sĩ". Cô sở hữu nhân cách sáng lòa như Hồ Trường An viết: "Thanh Thúy là nghệ sĩ có tư cách, có phẩm hạnh. Cô không gây ngộ nhận nào cho nhóm ký giả ưa săn tin giật gân… Trong hàng ngũ các nữ ca sĩ nổi tiếng thuở xa xưa chỉ có Lệ Thanh, Thanh Thúy và Hoàng Oanh là nhu mì, khiêm tốn, ngoan hiền và biết tự trọng.

Ở chót vót đỉnh danh vọng mà cô không hề nói một lời kiêu căng hay một lời làm thương tổn tha nhân, không hề bôi bẩn kẻ vắng mặt, không khoe khoang thành tích của mình khi tiếp xúc với báo chí".
Không chỉ giới hạn trong Bolero, kể từ khi xuất hiện, Thanh Thúy là ca sĩ gây được nhiều tiếng vang nhất trong làng nhạc Việt trước 1975, ngự trị tuyệt đối trên các làn sóng phát thanh, sóng truyền hình miền Nam Việt Nam. Chẳng mấy chốc cô trở thành ngôi sao lớn trên các sân khấu đại nhạc hội cũng như phòng trà, với lượng đĩa bán ra thuộc hàng tip bấy giờ. Liên tục trong ba năm 1972-1974, Thanh Thúy được bình chọn là nữ ca sĩ ăn khách nhất theo cuộc trưng cầu ý kiến đọc giả của nhật báo Trắng Đen. Cô cũng là người nhận được nhiều mỹ từ nhất do giới văn nghệ sĩ và báo chí buông tặng như: Tiếng hát liêu trai, Tiếng hát khói sương, Tiếng hát lúc không giờ, Tiếng sầu ru khuya, Tiếng hát lên trời, Tiếng hát khói sương…
Bằng sức cuốn hút kì lạ, Thanh Thúy trở thành ca sĩ đi vào ngòi bút của nhiều văn nhân thi sĩ nhất, như lời tác giả Hoàng Bích Yên từng nói: "Trong kiếp cầm ca, tiếng hát Thanh Thúy được nhiều cây bút tên tuổi xuất thủ với ngôn từ độc đáo, tuyệt vời được dàn trải ra, bồng bềnh theo hình bóng qua bốn thập niên của hậu bán thế kỷ 20, tiếng hát đó đã gói trọn tình khúc vượt thời gian và không gian, đi vào ký ức, đi vào chiều dài lịch sử trong làng ca nhạc Việt Nam".
Nhạc sĩ Nguyên Sa cũng chia sẻ: "Thanh Thúy là nữ ca sĩ được ngợi ca nhiều nhất trong văn, trong thơ. Thi sĩ Hoàng Trúc Ly, nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Viên Linh, nhà văn Tuấn Huy…. Bởi vì Thanh Thúy chính là người yêu trong mộng của cả một thế hệ, trong đó có những nhà văn, nhà thơ bén nhạy bắt được cảm xúc riêng tư mà diễn đạt cái khách quan mênh mông trong cái chủ quan, riêng lẽ sống thực và chân thành…".
Và Thanh Thúy cũng là người trong mộng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trai trẻ. Ông từng si mê cô như điếu đổ đến nỗi viết tặng riêng cô hai ca khúc Ướt mi và Thương một người.

Tiếng hát lưỡng tính độc nhất vô nhị không ai có
Ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, giọng nữ trầm (contralto) là giọng cực kì hiếm gặp, xuất hiện ít hơn rất nhiều so với giọng nữ trung (mezzo soprano) và nữ cao (soprano). Các giọng nữ có âm vực trầm và âm sắc hơi tối như Khánh Ly, Lan Ngọc, Lê Uyên... thường bị nhầm là nữ trầm. Nhưng thực chất, họ vẫn là nữ trung. Theo định nghĩa trong nhạc cổ điển, giọng nữ trầm được tạo bởi contre (trầm) và alto (cao). Đây là giọng nữ trầm nhất, hát chủ yếu bằng giọng ngực. Giọng dày, trầm, khoẻ. Đặc điểm của một nữ trầm gồm:
- Màu giọng rất dày, có độ sâu, nặng và tối (hơn nữ trung).
- Hát với man tone và có tính lưỡng tính (hermaphrodite), tức là có thể hát như một giọng nam cao.
- Tessitura (quãng hát thoải mái) nằm trên âm khu trầm và trung trầm.
Trong đó, tính lưỡng tính là tiêu chuẩn lớn cho một nữ trầm.
Xét theo các điều kiện trên, Thanh Thúy là nữ ca sĩ duy nhất ở Việt Nam từ trước đến nay sở hữu giọng nữ trầm. Không giống với tất cả các nữ ca sĩ khác, âm vực của Thanh Thúy mở rộng xuống rất thấp. Cô có thể hát thoải mái, nhả chữ ở C3, C#3 và xuống tận A2, B2, ngang với âm vực của một giọng nam.

Thanh Thúy hát "Ướt mi" với quãng âm cực trầm

Các giọng nữ khác ở Việt Nam thường chỉ xuống tới E3. Nếu may mắn lắm xuống được C3 thì cũng gắng gượng, hạ thanh quản và bị mờ đi. Họ không thể nhả chữ một cách tự nhiên, với sự chắc chắn và độ dày lớn như Thanh Thúy. Với quãng âm bẩm sinh này, Thanh Thúy có thể hát được cả bài trên quãng 3 và nhả chữ liên tục ở C3, C#3, D3 một cách thoải mái. Trong khi đó, các giọng nữ khác thường chỉ xuống tới E3, F3 đôi lần trong toàn bài hát để tạo điểm nhấn chứ khó lòng "cầm cự" được lâu như Thanh Thúy.
Khi xuống thấp, giọng Thanh Thúy rất nam tính, giống như Toni Braxton hay Cher, Moon Joo Ran. Đặc tính này được gọi là tính lưỡng tính (hermaphrodite). Các giọng nữ khác ở Việt Nam hầu như không có tính chất này.

Thanh Thúy xuống tận B2 khi hát Kiếp nghèo


Xét theo ngũ cung, giọng contralto thường mang âm sắc thổ, nhưng Thanh Thúy lại là là thổ pha kim. Bởi thế, giọng hát của cô hội tụ đủ những tinh hoa độc đáo như:
- Âm lượng trong giọng hát Thanh Thúy khá lớn, âm thanh trầm ấm và rền rĩ như tiếng đại hồng chung ở các chùa chiền. Đa số các giọng nữ khi hát trầm sẽ bị nhỏ đi, nhưng Thanh Thúy vẫn giữ được nguồn âm lượng đầy đặn, giống như từng hồi trống đập vào không gian.
Trong quãng âm từ F3 tới A4, Thanh Thúy sử dụng thuần chest voice (giọng ngực) với nội lực mạnh mẽ, tạo ra khoảng âm lượng lớn, chắc chắn như sấm rền.
Do quy định riêng của thể điệu Bolero nên Thanh Thúy chưa bao giờ bung giọng hết sức theo lối phô diễn như các diva, vocalist ngày nay. Bởi vậy, công chúng không thể biết hết tiềm lực của cô.

Thanh Thúy hát Ngó hồn qua đêm với quãng rất trầm và tính lưỡng tính


Tuy nhiên, khi nghe các bản thu mộc trước 1975, khán giả có thể nhận thấy rõ lực âm mạnh đập vào mic thu phát ra từ giọng Thanh Thúy mỗi lần cô nhả chữ hay nhấn chữ. Chỉ những giọng hát có âm lượng lớn bẩm sinh mới làm được điều này.
- Âm sắc giọng Thanh Thúy khá dày, tối, nặng. Đây là đặc trưng không thể thiếu của giọng contralto. Trong đó, màu tối tạo nên chất liêu trai, ma mị - cái mà ai cũng phải nhấn mạnh khi nhắc về Thanh Thúy. Nó làm nên điệu hồn riêng có của cô khi hát Bolero, vô cùng ấn tượng và độc lạ. Đúng như lời nhà thơ Vũ Hối từng miêu tả về tiếng hát Thanh Thúy qua 4 câu thơ:
Liêu trai tiếng hát khói sương
Nghẹn ngào nhung nhớ giòng Hương quê mình
Nghiên sầu từng nét lung linh
Giọng vàng xứ Huế ấm tình quê hương.

Thanh Thúy hát "Giọt mưa thu"


Sức nặng giúp giọng Thanh Thúy có độ đầm, chắc như sắt thép và vững như núi tảng. Tiếng hát này tạo cho người nghe cảm giác như được đắm chìm cả cơ thể vào đất mẹ. Đó là tiếng hát mang màu nâu đậm của ngọc cẩm thạch, rắn chắc đến từng âm từng chữ được hát ra, như một bức tường thành.
Rất nhiều khán giả từng ước ao được nghe Thanh Thúy hát những khúc sử thi mang âm hưởng hùng tráng, với độ rền và trường độ lớn. Nhưng thật đáng tiếc, tâm hồn và thẩm mỹ âm nhạc của cô đã gửi trọn ở Bolero.
- Khác với nhiều giọng contralto khác, âm sắc kim giúp giọng Thanh Thúy trở nên vang sang sảng, nổi. Dù không có sự bay bổng, nhưng tiếng hát này vẫn có khả năng bật xa trong không gian và có màu sáng hơn khi hát ở quãng trung, cận cao, chứ không hoàn toàn tối hẳn hay nặng tính hermaphrodite (tính lưỡng tính). Nhờ đó, giọng Thanh Thúy trở nên mềm mại và nữ tính hơn ở một số đoạn hát trữ tình, giúp cô hát nức nở và mùi mẫn đúng điêu Bolero, chứ không quá thô ráp, cứng rắn. Cũng vì thế mà nhiều người vẫn nghĩ cô là một nữ trung trầm (mezzo alto), chứ không phải nữ trầm thực thụ.

Thanh Thúy hát Hai chuyến tàu đêm (xuống thấp kỷ lục tới A2)


Tất cả những tinh hoa độc đáo trên hội tụ lại đã tạo thành tiếng hát Thanh Thúy có một không hai trong làng nhạc Việt Nam, khiến ai ai cũng phải ấn tượng. Rất nhiều học giả từng ngợi ca về giọng hát đặc biệt của Thanh Thúy.
Giáo sư Nguyễn Văn Trung chia sẻ: "Đứng trước Thanh Thúy, nghe Thanh Thúy hát những bài buồn buồn bằng một giọng trầm, với những nét mặt xa vắng, khán giả cảm thấy như bị lôi kéo về một dĩ vãng xa xôi nhưng cũng rất gần gũi quen thuộc, một dĩ vãng dệt những hình ảnh rung động, cảm nghĩ gắn liền với lịch sử đất nước, với thôn quê đồng ruộng, với sông Hương, núi Ngự, tiêu biểu cho những gì là dân tộc, cá tính địa phương về mặt tiêu cực: một nỗi buồn man mác, cô tịch, trầm lặng, vô định…".
Còn nhà thơ Hoàng Trúc Ly lại nhấn mạnh vào chất thoát tục trong giọng hát Thanh Thúy khi nói đó là "tiếng hát lên trời":
Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan thành hư vô

Thanh Thúy hát Một Chuyến Bay đêm
Xem baiDa hetbinh luan