CÁC BÀI HÁT VỀ THÚ DÃ NGOẠI CAO NGUYÊN
Một ĐÊM TRONG RỪNG vây quanh đống lửa thời còn học sinh hay tuổi nhỏ thật là tuyệt vời. Đó có thể là một chuyến du ngoạn xa vài ngày đi cùng với trường học, hay đi theo do bên hướng đạo, hay Thiếu Nhi Thánh Thể nhà trường tổ chức thật là quy cũ. Các thứ đều đã được chuẩn bị đâu đó gồm lều trại, cọc cắm, những chiếc gậy đi núi, ba lô, thuốc đỏ bông băng phòng khi nhỡ ai đó xây xát. Đồng phục ai nấy tề chỉnh và tác phong thật đúng mực những "hướng đạo dinh". Kết nhất là chiếc nón nỉ và khăn choàng. Chưa đến nơi mà đã thấy máu "đường rừng" cuồn cuộn sôi trong lòng.
Mọi người hạ trại tại một nơi tương đối khoảng khoát, bằng phẳng ngoài mé rừng, không quên chọn nơi có một con suối nằm kề, đêm đến nghe suối chảy róc rách mới tuyệt trần làm sao. Đống lửa bonfire vừa đốt bùng lên với những thân cây to sẽ cháy đó suốt đêm... Rồi những bài ca cộng đoàn vang lên đầy khí thế phiêu lưu. Rừng càng về khuya lửa rừng cháy càng nồng. Thật lãng mạn sao một ĐÊM TRONG RỪNG (sáng tác nhạc Hoàng Quý)
Sau những khi sinh hoạt cùng nhau tưng bừng, đàn hát cười nói rôm rả, là đến bữa ăn đường rừng thường là thịt hộp đổ ra rồi ninh sôi lên ăn cùng bánh mì. Vài người thấy mệt và díu mắt sau buổi đi đường dài đã chui vào lều họ đánh giấc. Nhưng với những ai có nhiều máu đường rừng trong huyết quản thì như thế thật hoài phí. Rừng càng về khuya tĩnh mịch, tai càng nghe rõ từng tiếng vang động của muôn thứ, như một bản hòa nhạc hay hơn cả tác phẩm của những đại nhạc sư tài ba nhất. Còn lại dăm ba người không muốn ngủ, họ ngồi dưới những cây cổ thụ to cao thủ thủ chuyện trò, hay xuống bên mé suối đánh đàn, hát khe khẽ và ngắm ánh trăng vàng hình lưỡi liềm đang lượn lăn tăn dưới làn nước trong rất diễm huyền. Họ cứ ngồi đó suốt canh tàn để ngắm vầng TRĂNG SƠN CƯỚC (nhạc Văn Phụng, Ngọc Minh hát)


Ánh trăng sơn cước, vầng trăng sơn cước là sự vật thiên nhiên luôn được đề cập đến trong những bài nhạc rừng, tiếp sau ánh lửa cao nguyên bập bùng. Nếu muốn tận thú hơn nữa, hãy tìm một bản làng nào đó của người dân tộc và thưởng thức hương vị đường rừng nguyên gốc trăm phần trăm không pha. Với người thành thị, đống lửa trại là một thú vui hiếm; nhưng với người dân tộc thì là một sinh hoạt quá đỗi bình thường nhưng không khi nào vơi cạn niềm hứng thú, không bao giờ nhàm chán những sinh hoạt nhảy múa quanh ánh lửa hồng của họ và uống rượu cần ngất ngây. Và đây, đây Mường Luông, ánh trăng lan trên đèo xa... TIẾNG HÁT MƯỜNG LUÔNG, Phương Dung trình bày:


Mà vì sao ta lại quá mê thích những gì có chất đường rừng như thế? Ta say lòng trước vẻ hùng vĩ của núi rừng, thác ngàn, thích mê man những tiếng cồng, chiêng vang động không gian đêm thâu giữa nơi núi đồi? Rời thành phố và cởi bỏ những xiềng trói tù túng của cuộc sống công nghiệp, bốn chấm không, hiện đại hóa đô thị hóa vân vân... người tìm về nơi ghềnh thác cheo leo để thấy mình nhỏ nhoi, để tìm lại chút bình lặng, thảnh thơi và tự do, gột sạch tâm hồn nhơ đục bấy lâu loay hoay vướng bận những bôn tranh nhỏ mọn và luôn mất bình an. Một chuyến đi đường rừng quả là mang đến cho họ quá nhiều thứ bổ ích. ĐƯỜNG CHIỀU SƠN CƯỚC (Thanh Lan).

Vậy thì khi nào anh em ta cùng tổ chức một chuyến phiêu lưu đường rừng nhé. Hẹn cùng nhau một CHIỀU LÊN BẢN THƯỢNG (Tuấn Vũ)...

Một chốn rừng cô tịch... giữa một đêm huyền hoặc núi đồi cùng ngồi sánh vai nhau nghe suối chảy róc rách, trong khi xa xa kia mọi người vẫn đang quay quần bên ánh lửa bập bùng trong cuộc du ngoạn kỳ thú....



CÁC BÀI HÁT VỀ ĐÀ LẠT NGÀN THÔNG
HOÀI THU (Văn Trí)
Có một thời, Đà Lạt rất nguyên sơ đầy ắp thiên nhiên. Một chốn rừng dày người thưa như thể chốn non bồng để người đời lánh xa trần tục bụi bặm, lên đó hít thở không khí trong lành hoặc thêm hương vị lãng mạn cho cuộc tình họ đang trải qua bên nhau. Nói chung người xưa có diễm phúc sỡ hữu một kho báu tài nguyên thiên nhiên vô củng ngoạn thú mà theo thời gian ngày càng mai một, mất dần trước làn sóng sinh sôi nảy nở của con người và tốc độ đô thị hóa khốc liệt. Đà Lạt bây giờ nóng và người đông chứ không còn như cái thuở ngây ngất nào làm người du khách dù đi lần thứ hai rồi, nhưng vẫn “thấy lòng lâng lâng khi nhịp bước nhẹ đôi chân trên vùng vắng lạnh bâng khuâng”…

 
Cùng một cảm nhận ngẩn ngơ trước vẻ đẹp nguyên sơ mỹ miều được nhạc sĩ Thanh Sơn diễn tả dưới góc độ một du khách viếng Đà Lạt khi chưa có mảnh tình vắt vai. Đi bên những lứa đôi nhân tình từng cặp, tâm hồn đơn lẻ này đã say đắm vì vẻ đẹp ngoài trí tưởng của Đà Lạt, quên chuyện lòng riêng với tơ vò trăm mối, và đã tìm thấy được niềm nguôi ngoai bằng cách chọn Đà Lạt làm nhân tình trong chuyến đi "solo" này...
NHỮNG NGÀY TRÊN  ĐÀ LẠT (Thanh Sơn)


Nhạc sĩ Hoàng Nguyên thì trình bày một Đà Lạt ủ dột vừa ngoài cảnh thiên nhiên thời tiết đặc trưng của xứ sở "sương mù nhiều vảy trên làn tóc rối", với nỗi niềm của một kẻ "khóc mướn thương vay" (ám chỉ nghề nhạc sĩ) nhiều phong trần và đời vẫn trắng tay...
ĐÀ LẠT MƯA BAY (Elvis Phương)


Hoàng Nguyên ngoài ra còn có một bài hát tươi vui hơn về Đà Lạt, trong đó ông miêu tả những "đặc sản thổ nhưỡng" nơi này đã cuốn hút ông với tư cách riêng, và nhắn gởi đến những ai đang lên kế hoạch du lịch với tư cách một du khách bằng lời khuyên AI LÊN XỨ HOA ĐÀO (Hà Thanh)
 
Trong tất cả những bài hát về Đà Lạt, có lẽ đôi nhạc sĩ Minh Kỳ-Dạ Cầm là đưa ra được một bức tranh miêu tả toàn bích, đầy đủ nhất về cảnh sắc say lòng của Đà Lạt đã gieo những cung bậc cảm xúc lai láng trong lòng khách nhàn du như thế nào...
THƯƠNG VỀ MIỀN ĐẤT LẠNH (Thiên Trang)
 
Và cũng bộ đôi Minh Kỳ-Dạ Cầm này, quá mê mẩn Đà Lạt, phải cần thêm một bài hát khác để diễn tả hết sự say đắm về Đà Lạt của hai ông, trong bối cảnh Đà Lạt về chiều muộn, từng cặp tình nhân dìu nhau đi trong cái giá lạnh bên ngoài nhưng khoan khoái nồng nàn bên trong trên những hè phố vắng người...
ĐÀ LẠT HOÀNG HÔN (Phương Dung)