Có thể nói Hùng Cường
là một nghệ sĩ được tổ nghiệp yêu thương, bao bọc. Bởi từ ca nhạc sang cải
lương , rồi bước chân vào điện ảnh, ở đâu Hùng Cường cũng đều thành công rực rỡ.
Hùng Cường sở hữu một
giọng hát “ténor”. Ngay từ những năm 54-55 đã nổi tiếng qua những nhạc phẩm:
Ông Lái Đò, Vọng Ngày Xanh, Sơn Nữ Ca, Đường Xưa Lối Cũ, Chàng Đi Theo Nước,
vv…
Qua thập niên 60,
Hùng Cường còn được biết đến nhiều hơn nữa khi hát những nhạc phẩm kích động nhạc,
mang nội dung nhắm vào các sinh hoạt cuộc sống người lính như: Dù Hoa Lạc Lối,
Một Trăm Phần Trăm, Kim, Say, vv…Sau đó kết hợp với Mai Lệ Huyền, cặp đôi Hùng
Cường-Mai Lệ Huyền trở thành cặp “Sóng Thần”. Họ gây “đình đám” với những ca
khúc vui tươi như : Hai Trái Tim Vàng, Vì Chưa Ngỏ Ý, Hờn Trách, Túp lều Lý Tưởng,
Bắt Đền, vv… Tất cả những nhạc phẩm này đều được phát hành ra đĩa, và đem lại số
doanh thu kỷ lục.
Hầu hết những diễn
viên sân khấu cải lương muốn trở thành đào, kép chính ngoài việc có sắc vóc, khả
năng thì đều phải trải qua một thời gian tập luyện cực khổ công phu và phải có
cơ hội may mắn, và họ cũng phải tiến thân từng bước một, từ những vai diễn nhỏ,
dần dần mới đảm nhận được vai chính.
Hùng Cường quả là một hiện tượng lạ lùng độc nhất vô nhị của làng nghệ thuật, chỉ
cần một vài lần diễn, anh đã trở thành kép chính của đoàn Ngọc Kiều. Dù đang rất
nổi tiếng bên tân nhạc, Hùng Cường vẫn rất đam mê sân khấu cải lương, và Hùng
Cường luôn tự tin, mình sẽ thành công trên sân khấu cải lương.
Sau khi được Ban
giám đốc đoàn xác nhận sẽ duy trì Hùng Cường hát vai chính trong kịch bản Tuyết
Phủ Chiều Đông, vở diễn sẽ khai trương tại rạp Viễn Trường Mỹ Tho sau một tháng
tập dượt.
Để chắc chắn gặt hái thành công ngay lần đầu, Hùng Cường đã mướn riêng một nhạc sĩ cổ nhạc, đến nhà anh tại hẻm
Phát Diệm luyện tập ngày đêm. Ngoài ra anh nhờ các diễn
viên của đoàn, có tay nghề vững chắc, hướng dẫn từng bộ điệu, nhất là nữ nghệ
sĩ Ngọc Đáng, người đóng cặp với anh, dìu dắt phối hợp theo từng tình huống vui
buồn trong kịch bản.
Thời đó, Hùng Cường
là một hiện tượng lạ, một ca sĩ tân nhạc xâm nhập vào lĩnh vực cải lương. Chính
vì thế, chẳng cần mời chào, báo chí đổ xô vào để viết về Hùng Cường, và phần lớn
các bài báo đều ủng hộ anh. Hùng Cường tiến bộ
theo từng giờ luyện tập, anh đã nhập vào vai diễn một cách nhanh chóng, ca vọng
cổ vô cùng ngọt ngào, Hùng Cường đã chứng minh được khả năng của mình ở lĩnh vực
cổ nhạc. Hùng Cường rất thông minh, nắm rõ được sở đoản sở trường của mình, nên
anh đã phối hợp với soạn giả lồng vào kịch bản khá nhiều đoạn tân nhạc, khai
thác đúng tài năng đặc biệt của anh là ca sĩ.
Vở diễn Tuyết Phủ
Chiều Đông của soạn giả Bạch Yến Lan ra mắt, khán giả Mỹ Tho từ khắp nơi
đổ về, đông đảo ngoài sức tưởng tượng. Rạp Viễn Trương bít kín , không còn cả
chỗ đứng, bên ngoài khán giả không có vé đứng vòng trong vòng ngoài, khung cảnh
thật náo nhiệt. Sau đêm diễn, một ngôi sao mới của cải lương đã lóe sáng với
cái tên Hùng Cường.
Lúc mới bước sang
lãnh vực điện ảnh, kép cải lương Hùng Cường bị những người trong giới này châm
chích rất nhiều, họ đã dùng từ “cải lương” để chê bai. Thế nhưng, sau khi thành
công với phim đầu tiên Chân Trời Tím thì Hùng Cường mạnh dạn đứng trên sàn
quay, nhiều hãng phim đã mời Hùng Cường cộng tác và phim nào có tên anh cũng ăn
khách.
Hãng phim Kim Thân
đã trả tiền thù lao khá cao để mời Hùng Cường và Mai Lệ Huyền đóng cặp trong
phim Mãnh Lực Ðồng Tiền. Thanh Nga cũng có mặt trong phim với vai trò “đào
thương” kể như vai chánh (phim này Thanh Nga chỉ thu hình, tiếng nói do người
khác thu tiếng). Lúc đầu các nữ tài tử điện ảnh rất ngại đóng cặp với kép cải
lương, nghe nói thì hình như Liên Ảnh công ty trước khi mời Kim Vui đã có ngỏ ý
mời Thẩm Thúy Hằng đóng cặp với Hùng Cường, nhưng cô từ chối (có lẽ do vấn đề
trên). Rồi sau đó thấy Kim Vui nổi bật trong phim Chân Trời Tím và phim lại được
giải lớn, nên “Người Đẹp Bình Dương” mới tiếc rẻ.
Hùng Cường và Thiên Trang
Phim “Điệu ru nước mắt”
|
Và giống như bất kể
hiện tượng hay ngôi sao nào, đặt chân sang lĩnh vực điện ảnh, ngay lập tức anh
đã có đông đảo người hâm mộ. Sự thu hút khán giả đến với Chân Trời Tím, Mãnh Lực
Đồng Tiền, Còn Gì Cho Nhau, Nắng Chiều, Ly Rượu Mừng, Vết Thù Trên Lưng Ngựa
Hoang, Người Tình Không Chân Dung…cho thấy, các nhà sản xuất điện ảnh đã không
uổng công kỳ vọng vào Hùng Cường. Chỉ tính riêng trong năm 1971, có tất cả 17
cuốn phim được đem ra trình chiếu tại thị trường miền Nam, thì người ta thấy 4
cuốn phim có mặt của Hùng Cường, và 4 phim đều có con số doanh thu vững vàng.
Yếu
tố ăn khách của Hùng Cường trên màn bạc là do sự hâm mộ của một số đông đảo
khán giả dành cho tên tuổi này hơn là về diễn xuất.
Hùng Cường thành
công rực rỡ trên sân khấu cải lương. Khán giả cải lương của những năm giữa thập
niên 1960 không quên hiện tượng Hùng Cường-Bạch Tuyết trên sân khấu Dạ Lý Hương
gây chấn động làng ca kịch, thu hút giới mộ điệu một cách mạnh mẽ,
Giữa năm 1971, Hùng
Cường vì không thỏa mãn điều kiện giao kèo nên đã
chánh thức nghỉ đoàn ông bầu Xuân.
Hùng Cường qua đời ngày 1 tháng 5 năm 1996 tại
bệnh viện Fountain Valley, Quận Cam, California, hưởng thọ 60 tuổi. Mộ của ông
hiện nay chôn ở quê nhà Bến Tre.
Social Plugin