Giới nghệ sĩ thường gọi soạn giả Điêu Huyền bằng cái tên thân mật Chú Sáu Điều. Sinh thời, ông nổi tiếng khó tính nhưng rất “mát tay” khi đưa tên tuổi của các nghệ sĩ trở thành “thương hiệu” chỉ bằng con đường diễn vở của ông. Năm ông mất (1983), có rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi đến viếng và khóc nhớ người cha sự nghiệp của mình.
Soạn giả Điêu Huyền tên thật là Phạm Văn Điều, sinh năm 1913 tại xã Nhơn Ái, huyện Châu Thành (nay là xã Nhơn Nghĩa, huyện Châu Thành A) Cần Thơ. Là con thứ chín trong một gia đình đông anh em, có truyền thống cách mạng. Tư tưởng chống Mỹ trong các vở tuồng của ông là kết tinh từ truyền thống gia đình. Ông sớm tiếp thu tư tưởng cách mạng, thoát ly vào bưng từ những năm 1940. Từ khi còn là học sinh Trường Trung học Cần Thơ, ông đã yêu thích nghệ thuật cải lương.
Soạn giả Điêu Huyền (thứ hai, từ trái sang) chụp lưu niệm
với các anh chị em trong gia đình
Soạn giả Kiên Giang – Hà Huy Hà cho biết trong kháng chiến chống Pháp, ông đã tập tành sáng tác được 3 vở: Thiếu nhi thời loạn, Mười năm gian khổ, Chim Việt cành Nam. Sự nghiệp sáng tác của ông chín muồi nhất là từ năm 1954 đến 1983 (năm ông mất) với gần 20 vở tuồng. Qua những tác phẩm này đã làm nổi bật lên một tinh thần cần cù, lao động nghệ thuật hăng say không hề biết mệt mỏi, để cống hiến cho sự nghiệp tuyên truyền của Đảng.

Chất miền Tây làm nên những “tác phẩm bình dân”
Theo đạo diễn Huỳnh Nga – người đã dàn dựng rất nhiều kịch bản của Điêu Huyền trên sân khấu Sài Gòn II thì Điêu Huyền là một tác giả tâm huyết với sân khấu và diễn viên, luôn tạo cho diễn viên mảnh đất tốt để diễn. Những kịch bản của Điêu Huyền được khán giả bình dân rất yêu thích, khi đã xem thì nhớ mãi, nhớ cả từng cái tên của nhân vật đậm chất bình dân như Cô Lài, Anh Chơn, Thừa, Hội Đồng Dư… Khán giả xem xong vở đều cảm thấy nhẹ lòng khi ra về bởi người xấu, kẻ ác bị trừng phạt hoặc được tạo điều kiện để họ hồi tâm; người thiện người tốt được cứu, được giải oan. Cấu trúc với kết cục vui vẻ từng bị cho là cũ kỹ, sáo mòn, “nhà quê”... nhưng cho đến bây giờ cái “nhà quê” ấy vẫn làm nức lòng khán giả mỗi khi một trong các tuồng của ông được dàn dựng lại trên sân khấu hay truyền hình … Ông đã tạo nên Tiếng hò sông Hậu đầm ấm nhưng hào hùng khí phách Nam bộ. Những câu hát đối đáp trong vở này gắn liền với trai làng, gái quê trên đồng ruộng Nam bộ. Nghệ sĩ Giang Châu kể: “Cho đến bây giờ tôi vẫn có thói quen do soạn giả Điêu Huyền truyền lại là biết quan tâm chăm sóc các bạn công nhân hậu đài, đội quân thầm lặng của sân khấu. Ông dặn tôi muốn biết mình diễn hay hoặc dở thì cứ hỏi “đội quân” này. Hay “tụi nó” khen hay, dở “tụi nó” chê chứ không biết nói gạt lấy lòng đâu. Từ lời nói đến con người của ông mang đậm chất miền Tây, ông mang nó vào những tác phẩm của mình một cách thực tế nhất”.
Soạn giả Điêu Huyền dù không còn tại thế, nhưng trong giới sân khấu cải lương mọi người vẫn ca ngợi công đức ông đã đóng góp cho nghệ thuật cải lương. đã tiếp thu, thừa hưởng những tinh hoa của các bậc tiền bối như Nguyễn Trọng Quyền, Trần Hữu Trang, Năm Châu… và truyền lại cho những thế hệ sau không chỉ kinh nghiệm, tài năng, tác phẩm mà còn là tấm gương về tâm huyết tu rèn, yêu nghề và trân trọng nghề. Ông đã mở đường, trở thành người anh, người cha nuôi có công dẫn dắt, rèn luyện, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nghệ sĩ trở thành tên tuổi sáng chói trong lĩnh vực sân khấu cải lương sau này.
Thời còn ở đoàn cải lương 284, vở Kiếp chồng chung của soạn giả Điêu Huyền do Diệp Lang dàn dựng đã kéo khán giả đến rạp suốt hai năm dài với sự góp mặt của Lệ Thủy, Thanh Tòng, Diệp Lang, Nam Hùng, Thoại Miêu, Thanh Nguyệt, Hữu Tài, Quốc Nhĩ, Trần Thanh. Nội dung đề cập đến chuyện thê thiếp của cánh đàn ông, viện lý do vợ chỉ sinh con gái để “sắm” vợ lẻ kiếm con trai. Hậu quả là tán gia bại sản, vợ điên, con mù đi xin ăn; người chồng người cha lâm cảnh tội tù. Chuyện chẳng mới mẻ, song ngòi bút tài ba của soạn giả đã kiến tạo những tình tiết sôi động với tiết tấu nhanh. Thời gian gần đây, Nhà hát Truyền hình của VTV3 cùng đạo diễn Trần Ngọc Giàu đã dàn dựng lại một số kịch bản cải lương kinh điển của Điêu Huyền phát sóng trực tiếp Khách sạn hào hoa, Ánh lửa rừng khuya, Tìm lại cuộc đời… với sự tham gia của một đội ngũ nghệ sĩ trẻ như Thanh Ngân, Phượng Hằng, Trọng Phúc, Kim Tiểu Long, Linh Trung, Hữu Quốc, Trung Dân… được khán giả, đặc biệt là khán giả ở nông thôn đón nhận nồng nhiệt.
Có thể nói, sự thưa dần những nhân cách nghệ thuật lớn đầy tài hoa như Điêu Huyền, Hà Triều – Hoa Phượng, Thu An, Hoàng Khâm, Nhị Kiều, Quy Sắc… là thiệt thòi không thể bù đắp cho thế hệ nghệ sĩ trẻ hiện nay.