Nhờ những kiến thức về ăn
uống lành mạnh và tiến bộ trong điều trị, hiện số người chết vì bệnh tim đã ít hơn
so với trước đây. Tuy nhiên, tắc động mạch tim vẫn là nguyên nhân gây tử vong số
một ở Hoa Kỳ. Mặc dù các triệu chứng đau tim có thể là dấu hiệu đầu tiên
đáng sợ báo hiệu rắc rối (và hãy nhớ rằng phụ nữ có các triệu chứng khác với
nam giới), đôi khi cơ thể đưa ra những manh mối kín đáo hơn cho thấy có gì đó
không ổn với trái tim của của bạn. Sau đây là danh sách những triệu chứng đáng
để nói chuyện với bác sĩ. Nhưng chúng cũng có thể được gây ra bởi nhiều nguyên
nhân khác, vì vậy đừng hoảng sợ. Chỉ có bác sĩ thực sự - chứ không phải bác sĩ
Google – mới có thể cho bạn biết những triệu chứng đó nghĩa là thế nào.
1. Bạn cực kỳ mệt
Đây không phải là loại mệt
mỏi do thiếu ngủ, mà là loại mệt mỏi cực độ, giống như cảm giác khi bị cúm, ngoại
trừ một việc là nó mãi không hết. Rất nhiều phụ nữ không để ý đến điều này vì
cho rằng mọi chuyện chẳng có gì và họ sẽ cảm thấy tốt hơn, nhưng thực tế đây có
thể là một dấu hiệu của tim.
Lý do: Cơ thể bị thiếu
oxy. Trái tim đang phải vật lộn và gắng sức để cung cấp oxy cho cơ thể. Tuy
nhiên, rất nhiều người cảm thấy mệt mỏi vì nhiều lý do. Nếu đây là triệu chứng
duy nhất, bạn có thể nói chuyện với bác sĩ, nhưng đừng vội kết luận rằng mình bị
đau tim chỉ dựa vào dấu hiệu này.
2. Bàn chân bị sưng
Sưng chân có thể xảy ra vì
rất nhiều lý do, chẳng hạn như mang thai, giãn tĩnh mạch (xấu xí nhưng không
nguy hiểm) hoặc khi bạn đi tàu xe phải ngồi lâu một chỗ. Đây cũng có thể là một
dấu hiệu của suy tim, một tình trạng mãn tính trong đó tim bơm máu không hiệu
quả.
Sưng cũng có thể xảy ra
khi van tim không đóng bình thường. Một số loại thuốc điều trị huyết áp và tiểu
đường cũng có thể gây sưng. Sưng chân liên quan đến tim thường đi kèm với các
triệu chứng khác bao gồm khó thở và/hoặc mệt mỏi. Nếu gần đây bạn bị sưng chân,
hãy đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân và cách điều trị tốt nhất.
3. Bạn cực kỳ đau khi đi
bộ
Nếu cơ vùng hông và chân
bị chuột rút khi leo trèo, đi bộ hoặc di chuyển, sau đó cảm thấy tốt hơn khi
nghỉ ngơi, đừng vội nghĩ rằng đó là vì tuổi tác hoặc thiếu tập thể dục (mặc dù
những điều này chắc chắn có thể là thủ phạm). Đó có thể là dấu hiệu của bệnh động
mạch ngoại vi, còn được gọi là PAD. PAD là sự tích tụ của các mảng bám mỡ trong
động mạch chân có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Nếu bạn bị PAD,
có 50% khả năng bạn cũng bị tắc ở một trong các động mạch tim. Tin tốt? PAD (và
bệnh tim do vấn đề đó) là một tình trạng rất có thể điều trị được.
4. Chóng mặt hoặc choáng
váng
Đây cũng là một trong những
triệu chứng có thể có nhiều nguyên nhân không liên quan đến tim. Nếu đã từng đến
một phòng tập thể dục, bạn có thể đã nhìn thấy các dấu hiệu cảnh báo không đi bộ,
chạy, đạp xe hoặc bước trên máy nếu cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng.
Triệu chứng này có thể là
do mất nước hoặc do bạn "đứng lên quá nhanh", nhưng nếu nó xảy ra một
cách thường xuyên thì hãy nói chuyện với bác sĩ để xem liệu tác dụng phụ của
thuốc, vấn đề về tai trong, thiếu máu, hoặc ít gặp hơn là các vấn đề về tim có
phải là thủ phạm không. Trạng thái “quay quay” này có thể là do tắc nghẽn trong
các động mạch làm giảm huyết áp hoặc do các van bị lỗi không thể duy trì huyết
áp,
5. Khó thở, mặc dù vẫn tập
thể dục
Cho dù tập đạp xe ba lần
một tuần, bạn vẫn cảm thấy khó khăn khi đi lên cầu thang hoặc bị ho rất nhiều.
Lý do? Đó có thể là bệnh hen, thiếu máu, nhiễm trùng hoặc hiếm gặp hơn là vấn đề
với van tim hoặc khả năng bơm máu. Ứ máu ảnh hưởng đến tim trái có thể gây ra
thở khò khè giống như hen phế quản.
Một khi van được sửa chữa,
máu không còn ứ lại trong phổi và bệnh nhân sẽ thở dễ dàng hơn. Vì tập thể dục
có thể tăng cường sức mạnh cho tim, hãy kiểm tra triệu chứng này để nó không ảnh
hưởng đến khả năng tập luyện tốt của bạn.
6. Bạn bị trầm cảm
Trầm cảm là một trong những
vấn đề phổ biến nhất trên thế giới và nó ảnh hưởng đến 19 triệu người Mỹ mỗi
năm. Trầm cảm có lẽ không phải là một dấu hiệu cho thấy bạn có vấn đề về tim. Nhưng
sức khỏe tinh thần có liên quan đến sức khỏe thể chất; nhiều nghiên cứu cho thấy
những người bị trầm cảm có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Những người có nhiều yếu
tố nguy cơ mắc bệnh tim hoặc những người đang mắc bệnh tim hay bị trầm cảm. Dù
là thế nào, đây cũng là một lý do khác để tìm kiếm sự giúp đỡ nếu bạn bị trầm cảm.
7. Đau nửa đầu
Đôi khi đau đầu chỉ là
đau đầu. Nhưng trong một số trường hợp, đau nửa đầu thường xuyên lại gợi ý có
gì đó không ổn với tim. Đau nửa đầu xảy ra ở 12% dân số nói chung, nhưng tăng
lên tới khoảng 40% ở những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch. Và tuy không có mối
liên hệ rõ ràng, sự xuất hiện của đau nửa đầu có tiền triệu có liên quan đến một
số bất thường về tim, vì vậy có thể những cơn đau nửa đầu này có liên quan đến
rối loạn chức năng của tim. Một giả thuyết cho rằng cả hai có thể là kết quả của
sự mất cân bằng hệ thống thần kinh tự động.
8. Nghe thấy tiếng
tim mình đập vào ban đêm khi ngủ
Một số bệnh nhân có van bị
vấn đề nghiêm trọng thậm chí có thể nghe thấy âm thanh từ van tim vào ban đêm
khi họ đang thiu thiu ngủ. Và trong khi một số bệnh nhân đã quen âm thanh này
và thường chỉ thay đổi tư thế ngủ để không nghe thấy nữa, thì điều đó không có
nghĩa là bạn nên bỏ qua. Nếu bạn đang bị khó ngủ bởi tiếng đập thình thịch của
tim, hãy nói với bác sĩ để tìm hiểu lý do tại sao. Tim đập thình thịch cũng có
thể là dấu hiệu của huyết áp thấp, đường huyết thấp, thiếu máu, thuốc, mất nước
và các nguyên nhân khác.
9. Lo lắng, đổ mồ hôi và
buồn nôn xảy ra cùng một lúc
Bạn đột nhiên thấy lo lắng,
đổ mồ hôi và buồn nôn. Đây là những triệu chứng kinh điển của một cơn hoảng loạn,
nhưng chúng cũng là triệu chứng của cơn đau tim.
Nếu các triệu chứng tim sớm
này diễn ra kèm theo khó thở (mặc dù bạn không hoạt động), kiệt sức, hoặc kèm
theo đau, tức, hoặc nhức ở ngực có thể (hoặc không) lan ra sau lưng, vai, cánh
tay, cổ hoặc họng, thì hãy đến phòng cấp cứu ngay lập tức. Chần chừ quá 5 phút
mới hành động có thể thay đổi cơ hội sống sót của bạn. Trên thực tế, những người
đến bệnh viện trong vòng một giờ sau khi các triệu chứng đau tim bắt đầu có tỷ
lệ sống sót tốt hơn so với những người trì hoãn.
Social Plugin