Đối với nhiều người, tìm kiếm hạnh phúc là cả một đại cuộc trên
đời. Họ tìm kiếm nó bằng mọi nỗ lực và phương tiện: tiền, các mối quan hệ, tình
dục, công việc và tình bạn. Một số người có được tất cả những
điều này và tuy vậy, vẫn còn một chút đau khổ.
Khoa học bây giờ nghĩ rằng đàng sau hiện trạng đó có một lý do tốt.
Có một bằng chứng ngày càng rõ cho thấy mức độ cảm nếm hạnh phúc của người trưởng
thành, ở một chừng mực nào đó, có liên quan đến tuổi tác. Không có gì đáng ngạc
nhiên khi những người đang ở độ tuổi rất trẻ và những thanh thiếu niên vừa bước vào đầu những năm tuổi 20 có xu hướng
thấy khá hạnh
phúc. Nhưng thật đáng
ngạc nhiên là những
người ở độ tuổi 55 trở lên cũng cảm
thấy y hệt vậy. Khoảng giữa hai đầu thái cực ấy, mức độ hài lòng về cuộc sống chùng thấp xuống,
đạt mức thấp nhất vào cuối những năm tuổi 40 trước khi tăng dần đến tuổi ngũ tuần
và về sau.
Tất nhiên, điều này chỉ đúng nếu
tất cả những phương
diện khác đều được phân phối ngang bằng. Các vấn đề sức khỏe
và sự bất ổn kinh
tế có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc của bất kỳ ai thuộc lứa tuổi nào. Nhưng nhiều nhà tâm lý học hiện nay tin rằng, ít nhất ở
các nước phương Tây, đường cong hạnh phúc của con người có hình chữ U, với đỉnh cao ở tuổi đầu
trưởng thành 20 phơi phới và khoảng đời hậu vận sau 50 tuổi. Giữa hai mốc này
là một chiếc máng trũng hình chữ U.
Một bản báo cáo tóm tắt gần đây sau khi nghiên cứu về sự hài
lòng của con người về cuộc sống đã xác nhận lý thuyết đường cong U sau khi phân
tích bảy nghiên cứu riêng biệt. Các tác giả đều đồng ý rằng, có nhiều bằng chứng
cho thấy đa phần con người trải qua giai đoạn nửa chừng cuộc đời ở các mức cảm
nhận thấp về hạnh phúc.
Trách nhiệm cao chừng nào, Hạnh phúc thấp chừng nấy
Tại sao lại như vậy? Theo một lý thuyết thì, nói một cách thật
bao quát, điều đó có liên quan đến những áp lực gây căng thẳng và nhận thức về trách
nhiệm. Những người trẻ tuổi thường là tương đối vô tư, cho đến khi họ bắt đầu tiết
kiệm tiền để mua trả góp các vật dụng cuộc sống hoặc phấn đấu leo lên các nấc thang sự
nghiệp, chính đây là
lúc hạnh phúc của họ bắt đầu suy giảm. Bước vào độ tuổi 30
và 40, sự nghiệp của chúng ta đang ở đỉnh cao, kèm với đó là tất cả những căng thẳng bề bộn, và chúng ta cũng có thể
phải đáp ứng cho những
nhu cầu của những
người trong gia đình.
Khi chúng ta đến tuổi 50, những mối lo toan căng thẳng đến nhức đầu
ấy bắt đầu giảm dần. Chúng ta trở nên ít quan tâm đến sự phát triển nghề nghiệp,
trong khi các con chúng ta đã tự tự chăm sóc bản thân được. Đến thập niên 60, tất
cả mọi thứ rộn ràng xao lòng đều gần như không còn nữa, do vậy chúng ta cảm thấy
không bao giờ hạnh phúc tràn trề hơn líc này.
Đó chỉ là trên lý thuyết. Một điều nữa là, ở tuổi thiếu niên và
tuổi 20, chúng ta tràn đầy lòng các hy vọng phi thực tế, rằng chúng ta sẽ thay
đổi thế giới, trở thành triệu phú hoặc kết hôn với người mẫu... Sự tan vỡ theo thời gian của
những giấc mơ đó khiến chúng ta đau khổ không nguôi. Nhưng trong giai đoạn hậu vận sau
này, chúng ta có được một cảm giác hoàn toàn mới mẻ về hiện thực và một niềm hài lòng mới với những gì chúng ta có.
Can thiệp, cải đổi xu hướng
Nếu hạnh phúc liên quan đến tuổi tác, liệu chúng ta có thể làm điều
gì can thiệp để thay đổi vận số chăng? Hay những người ở độ tuổi
30 và 40 chỉ phải
đành cam chấp nhận sự khốn khổ và chờ đợi những năm tháng thăng
tiến để biến đường cong hạnh phúc theo hướng có lợi, ngay cả khi điều đó vẫn còn khá xa?
Thực tế chỉ ra rằng đường cong hạnh phúc được dựa vào thống kê bình
quân mà thôi. Có rất nhiều người bị ảnh hưởng bởi xu hướng. Ví dụ, rất nhiều người có xu hướng
trải nghiệm căng thẳng công việc ở độ tuổi 40, nhưng không phải ai cũng đều làm như vậy.
Tương tự, trong khi một số người cảm thấy khó khăn trong việc làm cha mẹ, những
người khác lại tận hưởng từng phút giây làm thiên chức này. Không có gì bất du bất dịch cả. Có nghĩa là,
dù bạn ở độ tuổi nào, có rất nhiều điều bạn có thể làm để cảm thấy nhiều chất
lượng hơn. Ví dụ, nhiều nghiên cứu cho thấy những người thể hiện
lòng biết ơn có
xu hướng hạnh phúc hơn,
việc biểu hiện lòng biết ơn có thể chỉ đơn giản như thường xuyên viết
ra một số điều chúng ta thấy
cần phải biết ơn. Bằng cách làm như vậy, chúng ta vượt qua những
suy nghĩ tiêu cực và có được nhân sinh quan tốt.
Tập thể dục cũng đã được chứng minh có tác dụng nuôi dưỡng sự
hài lòng. Một nghiên cứu gần đây cho thấy ngay cả chuyển động nhẹ nhàng cũng
liên quan đến hạnh phúc. Một nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng tập thể dục
có thể giúp ngăn chặn trầm cảm.
Theo Hiệp hội Sức khỏe Anh quốc NHS, các mẹo khác để giúp bạn hạnh
phúc hơn bao gồm chế ngự tốt các mức độ căng thẳng (có thể bằng cách thay đổi
giờ làm việc), tăng cường cảm giác tự trọng và loại bỏ các suy nghĩ tiêu cực, áp
dụng lối sống lành mạnh hơn. Rượu có thể khiến bạn cảm thấy suy sụp,
trong khi chế độ ăn uống lành mạnh có thể khiến bạn cảm thấy mạnh mẽ hơn về mặt
cảm xúc.
Không có chiến lược nào trong số
này phụ thuộc độ tuổi
cả, và tất cả chúng đều chứng tỏ có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe tinh thần. Một điểm thú vị cần lưu ý là đường cong hạnh phúc hình chữ
U được tìm thấy mạnh rõ nhất trong những nghiên cứu được thực hiện tại các xã hội
phương Tây có mức sống
cao, những vùng nơi
khác trên thế giới
thì không nhận thấy rõ như vậy. Điều đó cho thấy mức độ hạnh phúc là không cố định
về mặt sinh học và tất cả chúng ta đều có khả năng thay đổi mức độ cảm thấy hạnh
phúc nơi lòng mình. Có
lẽ đây mới là hạnh phúc lớn lao nhất được phát
hiện trong tất cả các
nghiên cứu.