2/6/20

Vì sao người cao tuổi ngủ ít đi và thường khó ngủ

 on  
In  

Nhiều người lớn tuổi thường xuyên phàn nàn rằng họ khó ngủ. Một nửa trong số người này báo cáo mắc phải một số kiểu rối loạn giấc ngủ, 1/4 đến 1/3 trong số họ cũng than thở thường bị mất ngủ. Dường như họ vướng phải hai khó khăn chính yếu: ngủ vào đầu đêm nhưng sau đó thức dậy quá sớm vào buổi sáng - và không thể quay lại giấc ngủ. Trong một số trường hợp, sự khó chịu gây ra bởi vài loại thuốc tân dược họ sử dụng càng làm trầm trọng thêm tình trạng khó ngủ. Bên cạnh đó, nhiều người cũng nhận thấy rằng ngay cả khi không có sự xáo trộn nào về thể trạng, họ thường vẫn trằn trọc ít nhất một phần thời gian của đêm.
Việc thiếu ngủ có thể ảnh hưởng lâu dài đến hệ thống miễn dịch và nhiều khía cạnh sức khỏe, bao gồm độ tinh anh, cũng như dẫn đến trạng thái lơ tơ mơ buồn ngủ vào ban ngày, tăng nguy cơ tai nạn. Nhưng có thể vấn đề chỉ đơn giản là mọi người không cần ngủ nhiều lắm khi họ càng già tuổi thêm và họ không cần quá lo lắng về điều đó. Việc thiết lập một bảng phân phối thời gian ngủ bao nhiêu thì đủ cho những nhóm độ tuổi khác nhau rất khó xác định. 
Tất nhiên, bạn có thể đo lường số giờ người ta ngủ thực sự và nếu bạn làm điều này, bạn sẽ thấy rằng trung bình người già ngủ trong các quãng thời gian ngắn hơn so với người trẻ tuổi. Tuy vậy điều đó chỉ cho biết rằng họ ngủ ít hơn thôi, chứ không ngụ ý rằng người già thì cần ngủ với thời gian ít hơn. Đôi khi mọi người sẽ quy lý do người già thấy khó ngủ vào ban đêm vì họ đã dành cả một phần thời gian trong ngày để ngủ trưa. Một số người còn cho rằng không nên quy kết cảm giác buồn ngủ quá mức vào ban ngày như một khía cạnh không thể tránh khỏi của sự lão hóa.
Càng lớn tuổi chúng ta càng cần ít giờ ngủ hơn dường như là chân lý được chấp nhận rộng rãi, nhưng có thể có những lý do khác nữa đã thúc đẫy việc hay thức dậy quá sớm vào buổi sáng. Chứng mất ngủ ở người có tuổi sau nghỉ hưu không phải lúc nào cũng được các bác sĩ xem xét nghiêm túc. Trong một nghiên cứu, 69% người cao tuổi đã báo cáo gặp phải các vấn đề về giấc ngủ, nhưng hết 81/100 trường hợp, vấn đề này không được ghi nhận trên biểu đồ bệnh nhân.

Một giả thuyết cho rằng quá trình lão hóa đã làm gián đoạn một số tiết nhịp sinh học ở người già, khiến họ thức dậy sớm hơn bình thường.
Nếu ta đi từ giả thuyết rằng người già cũng cần ngủ đủ số giờ như người trẻ, tại sao họ lại ngủ ít hơn? Một giả thuyết cho rằng quá trình lão hóa đang làm gián đoạn nhịp sinh học của cơ thể, khiến cho người có tuổi thường thức dậy sớm hơn bình thường. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng đồng hồ sinh học nơi họ dường như trải qua thay đổi, khiến họ thức dậy sớm hơn vào buổi sáng và đi ngủ sớm hơn vào ban đêm. Họ có thể vẫn cần ngủ, nhưng họ không dễ có được giấc ngủ; lại nữa, những lúc họ được chợp mắt và chìm vào giấc ngủ, chất lượng giấc ngủ thường không tốt như khi họ còn trẻ.
Trong một nghiên cứu mới từ Nga, 130 người đã đến phòng thí nghiệm vào buổi sáng, ở đó cả ngày và qua đêm tại đó luôn. Nhân viên nơi đây giữ cho họ tỉnh táo suốt quãng thời gian này, và thường xuyên yêu cầu họ cung cấp sự đánh giá mức độ họ cảm thấy buồn ngủ ra sao. Họ đã báo lại cảm giác buồn ngủ ở những mức độ khác nhau trong thí nghiệm thiếu ngủ này, và thí nghiệm được thực hiện để phản ánh các quá trình liên quan đến đồng hồ sinh học cơ thể, như đo lường ảnh hưởng của sự thay đổi nhiệt độ cơ thể vào các thời điểm khác nhau trong ngày và mức độ sự giải phóng hormone melatonin vào ban đêm.
Hoạt động sóng chậm trong não những người tình nguyện cũng được đo nhiều lần trong cả ban ngày và về đêm. Sau đó, tất cả các dữ liệu được phân tích để so sánh, đối chiếu với một nhật ký giấc ngủ được lưu giữ vào tuần trước. Các nhà khoa học muốn xem mô hình thay đổi của cơn buồn ngủ và các sóng não chậm thường ngã theo xu hướng ban sáng hay là ban tối. Họ phát hiện rằng, một lần nữa, những người già cảm thấy buồn ngủ vào những thời điểm khác nhau so với những người trẻ tuổi, và có nhiều hơn những khoảng thời gian hoạt động sóng chậm trong não.

Người cao tuổi ngủ ít đi do hoạt động sóng chậm (gây cơn buồn ngủ) ở não suy yếu.
Arcady Putilov, tác giả nghiên cứu, cho rằng có hai cơ chế chịu trách nhiệm cho hiện tượng giảm sút thời gian ngủ nơi người già. Ông tin rằng từ tuổi trung niên, các quá trình dao động sóng chậm gợi lên cơn thèm ngủ suy yếu, khiến cho việc ngủ trở nên khó khăn hơn và trên hết, ở tuổi già, các tiết nhịp sinh học trước vốn có cường độ mạnh thì nay thường suy yếu do thay đổi nhiệt độ cơ thể, bên cạnh đó hormone melatonin được giải phóng ra cũng suy yếu.
Nhưng tranh luận không kết thúc tại đó. Trong một nghiên cứu năm 2008, thực hiện tại Bệnh viện Phụ nữ Brigham ở Mỹ, các chuyên gia đã cho mọi người cơ hội ngủ 16 tiếng mỗi ngày suốt trong vài ngày. Những người từ 60 đến 72 tuổi ngủ trung bình 7,5 tiếng mỗi ngày, trong khi những người trong độ tuổi 18 đến 32 tuổi say giấc điệp gần 9 tiếng. Điều này có nghĩa người trẻ tuổi cần ngủ nhiều hơn người già, nhưng cũng có khả năng do người trẻ thường cảm thấy cường độ sự mệt mỏi lớn hơn vì thế chịu một gánh nặng của cơn buồn ngủ lớn hơn. Nghiên cứu này không loại trừ ý tưởng rằng đồng hồ sinh học của người già đã ngăn không cho họ thiếp ngủ được vào ban ngày, ngay cả khi họ cần. Nhưng nghiên cứu tiếp theo, được thực hiện bởi một số nhà nghiên cứu tương tự, lần này tại Đại học Surrey, lại vén mở một thực tế khác.
Trong thí nghiệm này, một lần nữa khám phá rằng những người nhiều tuổi thường gặp khó khăn trong việc dỗ dành giấc ngủ hơn, gợi liên tưởng rằng đồng hồ cơ thể họ đang giữ cho họ tỉnh thức, hoặc cũng có thể do cường độ sự mệt mỏi để tạo ra gánh nặng cơn buồn ngủ nơi họ không lớn, nên họ không dễ ngủ như những người trẻ tuổi. Suy nghĩ như vậy, lần này các kỹ thuật viên đảm bảo giữ cho họ luôn bị thiếu ngủ. Các chuyên gia theo dõi hoạt động não của họ suốt đêm và mỗi khi phát hiện ra hoạt động sóng chậm (tạo cơn thèm ngủ), họ lại quấy phá bằng cách tạo ra vài tiếng ồn chát chúa trong phòng như thể có cái gì nổ tung vang dội. Ngày hôm sau, do quá mệt mỏi hành xác, những người lớn tuổi cũng cảm thấy cùng mức độ thèm ngủ và dễ ngủ như những người trẻ tuổi. Vì vậy, thực tế này cho thấy rằng khi thực sự cần giấc ngủ, người lớn tuổi vẫn có thể có được và (ắt có thể) họ không bị thiếu ngủ trong phần còn lại của thời gian.
Sau khi kiểm tra kết quả của 320 nghiên cứu, một hội đồng chuyên gia do Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia ở Mỹ triệu tập khuyến nghị nên ngủ từ bảy đến chín giờ một đêm cho người lớn đến 64 tuổi, và bảy đến tám giờ cho những người trên 65 tuổi. Tuy nhiên, ý tưởng về những thay đổi trong các quá trình cơ sở của tiết nhịp sinh học thay đổi khi chúng ta già đi cũng có vẻ hấp dẫn. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực khoa học vẫn đang mày mò, chưa có cơ sở nào xác lập điều tin tưởng phổ biến rằng người già thì tự nhiên ngủ ít hơn. Nhưng những gì chúng ta biết chắc là việc cố dỗ giấc trở lại vào những sáng tinh sương, cô quạnh trên giường nhưng vẫn thấy mình trằn trọc miết, mắt thao láo thì thật sự khốn khổ và cần được tư vấn nghiêm túc.
(theo BBC Future)


Share: