3/22/20

Mùa thu trong âm nhạc

 on  
In  

Mùa thu từ bao đời nay vẫn là đề tài gợi cảm hứng trứ tác cho những nhà văn, nhà thơ hay nhạc sĩ để viết lên những áng văn hay, những vần thơ đẹp hay những giai điệu và ca từ tinh tế đầy thẩm mỹ âm nhạc. Giới văn thơ nhạc ca tụng mùa thu không hết lời bằng tất cả vốn liếng cảm xúc của họ. Họ chắc lọc, tìm tòi những màu sắc, từ ngữ và giai điệu đặc tả về cảnh sắc mùa thu bên ngoài và tâm tư người thưởng ngoạn bên trong. Bối cảnh mùa thu được dàn dựng trong tác phẩm của họ thường xuất hiện một khung cảnh trầm mặc lá vàng rơi trong đó xảy ra những cuộc chia ly buồn bã. 
Từ khi trong vũ trụ mênh mông có sự hiện hữu của trái đất này, mùa thu đã ra đi và trở lại không biết bao nhiêu lần theo chu kỳ xoay vần của tạo hóa. Khi đất và trời cùng giao hòa trong những bản đại hợp tấu của thiên nhiên, cũng là lúc lòng người dậy lên nhiều niềm xúc cảm vô hồi... và hơn lúc nào hết, bấy giờ người ta lại đi tìm sự đồng điệu trong âm nhạc…
Nhạc Việt, từ xưa đến nay có rất nhiều tuyệt phẩm về mùa thu. Những ký âm dịu êm đã được gieo lên trên khuông nhạc đã trở thành bài hát yêu thích của nhiều thế hệ. Để mỗi độ thu về, từ người trẻ đến người già đều ngân nga cất lời như thể đó chính là âm thanh cần có giữa buổi đất trời vào thu.
Mùa thu là mùa ta thường thích đi một mình để theo đuổi những dòng suy nghĩ vớ vẩn, đậm đặc chất độc thoại, để ngắm tiết trời thu u buồn nhưng gợi cảm, gợi ý thích cô đơn. Mùa thu là mùa thích hợp cho những tâm hồn cô đơn. Cho dẫu gây cảm giác buồn, nhưng mùa thu dường như có sự rù quến bí mật nào đó đến tâm hồn ta... Chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng, Có mùa Thu về, tơ vàng vương vương. Một mình đi lang thang trên đường. Buồn hiu hắt và nhớ bâng khuâng. Lòng xa xôi và sầu mênh mông.Có nghe lá vàng não nề rơi không?

THU VÀNG (Phương Hoài Tâm)



Mùa thu luôn với đặc trưng là lá đổ. Những chiếc lá vàng ngoài đường cứ rơi không ngừng như biểu trưng cho cuộc tan tác. Thu đi cho lá vàng bay. Lá rơi cho đám cưới về. Ngày mai người em nhỏ bé ngồi trong thuyền hoa. Tình duyên đành dứt!
LÁ ĐỔ MUÔN CHIỀU (Vũ Khanh)



Và mùa thu còn ngậm ngùi hơn với những giọt mưa thu não nùng, như than như vãn cho kiếp sống mong manh. Ai nức nở thương đời chân buông mau. Dương thế bao la sầu!
GIỌT MƯA THU (Thanh Thúy)



Mùa thu mang mang nỗi nhớ, mùa thu buồn, mùa thu biệt ly… Từng chiếc lá vàng rụng rơi lìa cành như điểm xuyết thêm cho nỗi sầu, “Rừng còn thay lá nên tình vẫn chưa yên”.
Mùa thu cũng là mùa trời mưa sụt sùi, mưa hết đợt này đến đợt khác và bầu trời thì quan tái, lại gợi thêm lên nỗi sầu ly biệt. Từng giọt mưa thu như những giọt nước mắt Chức Nữ khóc thương cho mối tình quan san cách trở “Nhịp cầu Ô Thước hẹn đến mai sau”…
THU SẦU (Thanh Lan)
Mùa thu còn có đặc điểm là nhiều mưa. Mưa như những dòng lệ khóc thương cho cuộc tình vắn số. Chỉ còn ta một mình trơ vơ trong công viên, ngó những bờ ghế đá âm thầm. Chiều mưa không có em, biết lấy ai chia hờn tủi? Trầm lặng ngày đi qua trên đường phố rét mướt. Dấu chân chưa tìm về, chút kỷ niệm ngày đầu. Để từng mùa thu đến, ra đi không mang tin, Nỡ quên đi đành sao?
MÙA THU TRONG MƯA (Lệ Thu)





Mùa thu, mùa của tan vỡ, mùa của tiễn đưa ly biệt. Không hẹn mà hầu hết các thi gia và nhạc sĩ gần như đều đồng tình về điểm này. Có phải do cảnh mùa thu buồn quá dễ khiến lòng người suy sụp, nghĩ quẫn, kể cả nghĩ chuyện... phụ tình? Về những sáng tác phụ tình, không ai viết hay hơn nhạc sĩ Đỗ Lễ, mà mùa thu cũng là mùa đưa tiễn cuộc tình về nơi... chín suối. Khi tay trong tay run rẩy Xót xa vơi đầy Lòng bỗng dâng sầu Ngập trong gió mưa Mùa thu tiễn đưa Hồn mãi bơ vơ ...
TÌNH BUỒN (Lệ Thu)



Cùng niềm buồn này, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ diễn tả màu nắng thu thật não nùng bằng những gam màu cảm xúc rưng rưng tiếc nhớ về những TÀ ÁO CƯỚI đã ôm cầm sang thuyền về bến khác, bỏ lại bến xưa quạnh hiu... Mời bạn thưởng thức với tiếng hát Giao Linh.

Và khi tàn thu, những chiếc lá đã phần lớn rơi rụng, còn chăng chỉ là những cành trơ khẳng khiu run  rẫy chờ gió đông về... quét thêm vài chiếc lá còn sót lại trên cành. Những chiếc là rơi muộn ấy từ phương xa bay đến, lại nhắc cho lòng người lữ thứ đau đáu vọng nhớ quê nhà...
BUỒN TÀN THU (Thái Thanh)


Dòng liên tưởng cứ thế, theo phép hoán dụ, trong một đêm trời chuyển sang thu, nghe gió heo may lành lạnh. Chân bước dọc theo triền sông cứ ngỡ mình giống như một con thuyền nhỏ bé tít xa trên sông kia, đời đẫy đưa vô định như CON  THUYỀN KHÔNG BẾN (Thanh Thúy)



Trong đầu thập niên 70, người ta không thể quên một bản nhạc tình thu bất hủ của nhạc sĩ Phạm Duy, phổ từ thơ của một thi hào người Pháp. “Mùa Thu Chết” là những thương nhớ khôn nguôi của một mùa thu tàn úa, của người tình vẫn mặn nồng chờ đợi sự trở lại của thu yêu đương có nhau.


Chiều xưa có ngọn trúc đào. Mùa Thu lá rụng bay vào sân em. Câu hát dịu dàng mong manh như những cánh hoa trúc đào, một làn gió khẽ đong đưa cành lá. Hoa trúc đào không nổi bật giữa vườn hoa sắc thắm, nhưng làm lòng người chợt thấy bình yên.
NGỌN TRÚC ĐÀO (Hương Lan-Duy Quang)


Mùa thu với bao vẻ đẹp nên thơ của đất trời đã gieo cảm xúc khiến nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết nên những giai điệu làm say đắm lòng người. “Lá đổ muôn chiều”, “Chuyển bến” hay “Tà áo xanh” đều được coi là những kiệt tác của âm nhạc Việt Nam. 
TÀ ÁO XANH (Thanh Lan)


Trong những tác phẩm viết về mùa thu của ông, không thể không nhắc tới “Gửi gió cho mây ngàn bay”. Một bức tranh sinh động về thu Hà Nội đã được cố nhạc sĩ gửi gắm trong từng nốt nhạc và ca từ lãng mạn . Mời các bạn nghe sau đây qua tiếng hát Lệ Thu.
GỞI GIÓ CHO MÂY NGÀN BAY (Lệ Thu)

Được nhắc đến nhiều nhất, được hát nhiều nhất mỗi độ thu về là những câu hát đầu tiên trong ca khúc “Có phải em là mùa thu Hà Nội” của tác giả Trần Quang Lộc và Tô Như Châu – “Tháng Tám mùa thu lá khởi vàng chưa nhỉ, từ độ người đi thương nhớ âm thầm”. Dẫu hát về mùa thu Hà Nội nhưng ca khúc này lại khắc họa được những nét đặc trưng của mùa thu và có những ý tứ chạm vào tâm tư của giới mộ điệu. Sự kết hợp tài tình âm giai trưởng và âm giai thứ trong những đoạn chuyển đã giúp ca khúc trở nên sâu lắng và thiết tha hơn. Mùa thu là mùa của những giai điệu lắng sâu. Nó khiến những hời hợt trở nên sâu sắc, những khô khan trở nên mơ màng… Chúng ta đã từng được thưởng thức một “Không còn mùa thu” của nhạc sỹ trẻ Việt Anh trong thập niên 90 với hình ảnh không thể đẹp hơn: Anh là mùa thu cho em mơ màng, anh là lời ru quấn quýt bên nàng…
CÓ PHẢI EM MÙA THU HÀ NỘI (Khánh Ly)



KHÔNG CÒN MÙA THU (Quang Tuấn)


Mùa thu là mùa của nỗi buồn, của chia tay, của những mối tình dang dở. Giai điệu mang nhiều tâm trạng của “Mùa thu lá bay” để lại cho người nghe nỗi khắc khoải và chạnh lòng khi nghĩ tới những kỷ niệm xưa cũ. Người con gái trong ca khúc tự gặm nhấm nỗi xót xa và mong một ngày đoàn tụ với người mình yêu ở kiếp sau, khi tình là “thiên thu”.
Anh có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ/ Anh có nghe nai vàng hát khúc yêu đương/ Và anh có nghe khi mùa thu tới/ Mang ái ân, mang tình yêu tới…” (Mùa Thu Cho Em- Ngô Thụy Miên)
Khi mùa hè với cái nắng gay gắt qua đi, mùa thu đến đem theo những cơn gió heo may dịu dàng, những con đường tràn ngập lá vàng rơi và cả khúc yêu thương của những trái tim “vương màu xanh mới”. Đó chính là lời nhắn nhủ mà nhạc sĩ Ngô Thụy Miên gửi gắm trong ca khúc này. Lời ca bay bổng, giai điệu ngọt ngào mỗi khi vang lên như khẽ nhắc nhở rằng mùa thu đã sang rồi.
MÙA THU CHO EM (Lệ Thu)

Mùa thu trong nhạc phẩm của Đức Huy đầy rực rỡ, mộng mơ với những lời ru tình yêu, “bờ môi nhớ thương” và đặc biệt là “bài ca dao ta vẫn hát lúc còn ấu thơ”. Bài hát như lời ru của mùa thu – e ấp, hiền hòa, vun đắp cho những tình yêu chớm nở, khiến lòng người đắm say trong giấc mơ “dài cơn mê thương yêu ấy, những ngày ái ân”.
MÙA THU RU EM (Ngọc Lan)


“Nhìn những mùa thu đi” và “Nắng thủy tinh” đều là hai nhạc phẩm bất tử về mùa thu mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại cho đời. Đều lấy hình ảnh là một buổi chiều thu, nhưng nếu như “Nắng thủy tinh” là một “chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm” thì buổi chiều trong “Nhìn những mùa thu đi” lại “đơn côi bàn tay quên lối, đưa em về nắng vương nhè nhẹ”.
NHÌN NHỮNG MÙA THU ĐI (Thiên Kim)

NẮNG THỦY TINH (Khánh Ly)
Trong cuộc đời của mỗi con người, ai rồi cũng sẽ phải đón nhận những mùa thu đi qua và “nghe tên mình vào quên lãng”. Mùa thu đến và đi để lại bao cảm xúc bâng khuâng, ngậm ngùi.

Share: