5/8/20

Đây tha la đây xóm đạo yên bình

 on  
In  
NGUỒN GỐC 2 TỪ "THA LA"
Hai từ “Tha La” mang thanh âm đọc lên nghe êm tai, là lạ… nhiều người muốn biết nó có nghĩa là gì không. Truy nguyên thì hóa ra nó không phải tiếng Việt – Tha La là tiếng Cao Miên đọc trại mà thành. Nguyên trước kia người Miên gọi những quần thể nơi nhiều người tụ tập nhau lại định cư là “Schla”, tức cái trạm, hay cái trại. Vì lẽ đó trên khắp cả vùng Thủy Chân Lạp xưa rải rác nhiều địa danh với tên gọi này. Không chỉ có độc một Tha La ở Trảng Bàng, vài địa danh có nhiều người gốc Khmer sinh sống ở Tây Ninh, Châu Đốc, Trà Vinh cũng có tên gọi Tha La… nhưng nổi tiếng nhất chỉ có Tha La-Trảng Bàng mà thôi.
Lịch sử hình thành của Tha La-Trảng Bàng cũng đúng như định nghĩa nguyên thủy của từ “Schla”. Ban đầu nơi ấy là một vùng rừng thiêng nước độc, hiểm trở vô cùng. Khi ấy trong nước diễn ra việc bắt bớ đạo Chúa hết sức nghiêm ngặt của triều đình. Để tránh họa hại, khoảng năm 1940 tức cuối đời Minh Mạng, một số tín đồ, dưới sự dẫn dắt của cha Cosimo Trí, đã tìm đường trốn tránh vào vùng đất miền nam mới khai phá, nơi phép vua còn khá lỏng lẻo, để khai hoang lập ấp, an cư hành đạo. Dù vậy khi này, những buổi thánh lễ cũng được tổ chức lưu động vì e sợ bị phát hiện: khi thì dưới tàn cây cổ thụ, khi trong một mái lá dột nát. Để thật an toàn, có khi cha Cosimo phải làm lễ lúc tận đêm tối, quanh một ngọn nết thắp giữa rừng khuya âm u.
  
"THA LA XÓM ĐẠO" CHÍNH THỨC RA ĐỜI
Đến sau 1863, khi 3 tỉnh Nam Kỳ được triều đình nhượng cho Pháp, hoàn cảnh mới thuận tiện hơn. Giáo dân tụ tập lại nơi vùng Tha La ngày càng thêm đông đúc. Họ đạo Tha La bấy giờ được chính thức thành lập, và một nhà thờ cố định đầu tiên được xây cất lên, ban đầu chỉ với vật liệu đơn sơ và tái thiết lần lần. Tha La-Trảng Bàng trở thành hạt nhân truyền giáo trong vùng, từ đây, các linh mục được biệt phái đi đến các địa phương khác để truyền đạo, lập thêm các xứ đạo mới. Có thể nói, ở miền nam, sau Biên Hòa, Tây Ninh là tỉnh thứ hai có số lượng các nhà thờ công giáo nhiều vượt trội nhất so với các tỉnh khác.
Tha La còn được nổi tiếng hơn sau khi các bài hát “Tha La xóm đạo”, “Hận Tha La” và ” Vĩnh biệt Tha La” ra đời. Cả 3 bài hát đều được phổ ra nhạc từ cùng một bài thơ “Tha La xóm đạo” của nhà thơ Vũ Anh Khanh. Thế nhưng đằng sau bài thơ là cả 1 câu chuyện buồn của đất nước và cũng của cá nhân.

Nghe ca khúc "Hận Tha La" tiếng hát Phương Hoài Tâm

HOÀN CẢNH RA ĐỜI VÀ ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ BÀI THƠ "THA LA XÓM ĐẠO" 
Cho tới nay vẫn ít ai biết rõ về thân thế của nhà văn Vũ Anh Khanh, chỉ biết ông tên thật là Võ Văn Khanh, sinh 1926 tại Mũi Né, Phan Thiết. Trong giai đoạn 1945-1950, Vũ Anh Khanh chuyên viết truyện ngắn và tiểu thuyết, các phẩm có thể kể: truyện dài như Nửa Bồ Xương Khô, Bạc Xíu Lìn, Cây Ná Trắc; truyện ngắn như Đầm Ô Rô, Sông Máu, Bên Kia Sông… Tuy nhiên làm nên tên tuổi ông thì lại là bài thơ “Tha La xóm đạo".

Nghe ca khúc "Tha La Xóm Đạo" tiếng hát Hoàng Oanh


Về hoàn cảnh sáng tác. Khoảng năm 1945, Vũ Anh Khanh theo nhà thơ Thẩm Thệ Hà về chơi Tha La. Bấy giờ cả nước đang hừng hừng khí thế chống Pháp, Tha La cũng ngùn ngụt một tinh thần tận hiến cho dân tộc. Cảm kích tinh thần ấy, Vũ Anh Khanh đã trứ tác nên các dòng thơ bất tử này.
Những gì được biết tiếp theo của Vũ Anh Khanh không nhiều, chỉ biết sau hiệp định Geneve nhà thơ đã ra bắc theo lệnh tập kết nhưng sau đó thể hiện tư tưởng bất nhất, lừng khừng. Theo tiết lộ của ông Võ Hồng Cương, Cục phó Cục Tuyên Huấn quân đội nhân dân Việt Nam thì vào năm 1956, Vũ Anh Khanh được nghỉ phép ở Vĩnh Phúc nhưng ông đã sửa giấy phép thành Vĩnh Linh, Quảng Trị để từ đó vượt tuyến, bơi qua sông Bến Hải vào Nam. Khi sắp vào được bờ bên kia thì bị phát hiện và bị binh sĩ nổ súng bắn tử vong.
Bài thơ “Tha La xóm đạo” đi vào lòng người bao thế hệ phải nói nhờ sự đóng góp rất lớn của hai nhạc sĩ Dzũng Chinh và Sơn Thảo, để cho bài thơ lan rộng vào quần chúng. “Tha La xóm đạo” được nhạc sĩ Dũng Chinh, cũng là người Phan Thiết, phổ nhạc vào năm 1964, sau đó một năm nhạc sĩ Sơn Thảo phổ thành bài hát mang tên “Hận Tha La”, và cũng trong năm này nhạc sĩ Anh Tuyền phổ thành ca khúc mang tên “Vĩnh Biệt Tha La”.
Ngoài ra soạn giả cải lương nổi tiếng Viễn Châu cũng đã phỏng theo ý tưởng Vũ Anh Khanh để viết ca khúc tân cổ giao duyên “Tha La xóm đạo”.

"Tha La Xóm Đạo" tân cổ, Hương Lan và Chí Tâm trình bày


Bài thơ "Tha La Xóm Đạo", Lan Hương diễn ngâm
           



CHÚ THÍCH
Theo trang tongphuochiep71.com, hoa Gạo mà tác giả Vũ Anh Khanh đề cập trong bài thơ chính là hoa Phượng, một loại cây có hoa màu đỏ hoặc cam, xuất xứ từ Madagasca, được người Pháp đưa về trồng tại Việt Nam từ cuối thế kỳ XIX. Nhưng cây Gạo ta thường gặp ở miền Trung du Bắc Bộ không phải là cây Gạo (tức Phượng) ta thấy, mặc dù hoa của cả hai đều cùng có màu đỏ và năm cánh. Hoa Gạo của thôn quê miền Bắc nở hoa vào mùa Xuân, còn hoa Phượng vào mùa hè. Lúc mới được trồng ở VN, do có đặc điểm giống với hoa Gạo, nên bị gọi nhầm ra “hoa gạo”, riết thành thói quen.
Share: