Trăm năm một cõi đi về

Trong đoạn đầu của bài hát, Trịnh Công Sơn nói về cuộc hành trình ông đang đi qua ngang cuộc đời này, nghe tợ một cuộc nhàn du loanh quanh, vô mục đích vì chỉ “đi đâu loanh quanh”, như thể sống không rõ để làm gì, chỉ để “cho đời mỏi mệt”.
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.
Nếu người nào xét đời tư ông, có thể đúng phần nào, vì cuộc sống của một nhạc sĩ thường khá phóng túng và tùy hứng, ông lại không có trói buộc gì với đời (không vợ con). Nhưng ắt hẵn Trịnh Công Sơn không hề chủ định mô tả cuộc đời ông như một cuộc đi dạo không mục đích. Nếu nghe kỹ, dường như ông nói về cuộc sống của bất cứ người nào hàng ngày trong đó đều có những bận rộn chuyển dịch – cuộc sống không bao giờ ngơi nghỉ, như một cuộc đi quanh qua kiếp người, hết ngày rồi đêm cuộc hành trình sống của con người cứ lướt qua thời gian, một thời gian hữu hạn gọi là một kiếp người (trăm năm).
ĐI ĐÂU LOANH QUANH CHO ĐỜI MỎI MỆT…
Ca từ của TCS thường siêu thực, bí hiểm, như những lời từ cõi tâm linh, chính vì thế nên mỗi người hiểu 1 kiểu. Người “cao” hiểu khác, người “bình dân” hiểu khác. Nhưng có 1 sự thật là trong mọi định chế xã hội, tầng lớp “bình dân” vẫn là đại trà, chiếm đa số của cấu trúc xã hội ấy, nên chỉ xin được sơ nét theo lối bình dân. Dù phần nhiều người không hiểu hết những gì ngụ ý trong bài hát, có 1 điều chắc chắn là nó buồn bã, nói lên cuộc đời phù du, ngắn ngủi, và có thể là vô định, vô nghĩa, là 1 cuộc hành trình ta không biết đi về đâu, chỉ “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”… rồi thì nốc nhừ người đêm hôm trước để sáng ra “Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn”. 
ĐÔI TAY NHÂN GIAN CHƯA TỪNG ĐỘ LƯỢNG
Đấy là câu nằm trong phần cuối bài hát, phần nào đó nêu một nhận xét “kết luận” về cuộc đời như là một nơi đầy những cư xử hẹp lượng, thiếu bao dung. Điều cụ thể gì khiến TCS phải thốt lên lời than thở ấy chỉ ông mới hiểu. Nó thuộc lĩnh vực tâm tư và trải nghiệm riêng, cho nên nói ông là “vơ đũa cả nắm” ở đây hẵn không đúng lắm. Có thể đã có cá nhân hoặc nhóm nào đấy đã “hẹp lượng” với ông, tuy nhiên trong cõi sinh tồn riêng biệt của ông, cách cư xử ấy ông đã nhìn thấy nhiều lần, phổ biến. Câu ông nói là 1 câu phổ biến… Mỗi chúng ta không ít lần cũng đã chứng kiến những hẹp lượng của thế nhân về phía mình, nên gần như ai cũng dành sự cảm thông đặc biệt cho niềm chua xót ông đang cảm thấy, và có thể đôi lúc chính bạn cũng thấy chạnh lòng trước những thờ ơ, vô cảm của thế gian dành cho mình... 
Nghe bài hát "1 cõi đi về" qua phần trình bày của Hồng Hạnh:

 


Ớ LÀ BAO, ĐỜI KHÔNG LÂU LÀ MẤY...
Y Vân và Hùng Cường
Trăm năm có thể là một hằng số khá tối đa, vì rất nhiều hành trình sống đã chấm dứt trước mốc đó khá xa. Thực tế cuộc sống ngắn ngủi đó đã được nhạc sĩ Y Vân đưa vào trong bài hát sôi động nhưng buồn thâm trầm của ông là “60 năm cuộc đời” – cả ông và ca sĩ trình bày đắc ý nhất nhạc phẩm của ông (Hùng Cường) đều tạ thế ở quanh tuổi 60. Chính bản thân Trịnh Công Sơn cũng chấm dứt cuộc nhân trần mỏi mệt chỉ ở tuổi 62; tính chất “có hạn”, ngắn ngủi của một đời người ắt mới là điều ông gởi gấm trong đoạn đầu: con người sống, máy động, từng ngày trôi qua nhanh trên phận người (trên 2 vai ta đôi vầng nhật nguyệt) trong một hạn kỳ 100 năm.
Trong đoạn kế, tính chất ngắn ngủi của đời con người được Trịnh Công Sơn ví với chu kỳ 4 mùa thật nhanh của một năm: mùa xuân là giai đoạn tuổi trẻ, mùa hạ là giai đoạn thành niên hoạt động, mùa thu giai đoạn hậu trung niên, cũng là một lối diễn đạt bóng bẫy hơn  ý niệm “60 năm cuộc đời” của Y Vân: 20 năm đầu (mùa xuân) sung sướng không bao lâu, 20 năm sau (mùa hạ), sầu thương cao vời vợi; 20 năm cuối là bao (mùa thu).
Khi nhận thấu ra tính cách chóng vánh có hạn của cuộc sống, con người lại đối diện câu hỏi day dứt: sống để làm gì, cái gì nên làm nhất? Vì cuộc đời ngắn ngủi vậy, “nên khi yêu nhau thì yêu cho trọn đời, em ơi ta sống là bao” (Y Vân).
Vì cuộc sống quá ngắn ngủi, nên sống để ban bố tình yêu thương là ý nghĩa khả dĩ nhất của sự hiện diện trên đời. Các bậc hiền triết, những sách dạy làm người, quan điểm của các tôn giáo chính cũng thường nhất trí về quan điểm này: sống là yêu thương, cho đi.
Ở đoạn cuối bài hát là một câu mang hàm ý trách cứ nhân thế thói thường ưa chật hẹp, thu vén, ích kỷ: “Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng”. Ở đây không hẵn Trịnh Công Sơn nêu bật tính cách thói thường này của cuộc đời và chê trách. Giống như Y Vân, ông chỉ rút ra lời giải khả dĩ thỏa đáng nhất để trả lời câu hỏi khắc khoải: sống để làm gì, cái gì nên làm nhất? Câu trả lời của ông là: sống cần có độ lượng, sống nên  độ lượng vì… “Em ơi có bao nhiêu? 60 năm cuộc đời!



Nghe bài hát "60 năm cuộc đời" qua phần trình bày của danh ca Hùng Cường:




Hẵn nhiên khi trình bày đời người thành 3 giai đoạn dài 20 năm: đầu, giữa và cuối như vậy, nhạc sĩ Y Vân hoàn toàn không có dụng ý nói rằng đời người phải chấm dứt vào khoảng tuổi 60 không hơn. Ở đây có thể ông chỉ đề cập một quan niệm của người đời khá phổ biến rằng con người chỉ hoạt động hăng say cho đến tuổi 60 thì chấm dứt đời bương chải ngược xuôi, bước vào giai đoạn nghỉ hưu, dù không muốn cũng không được. Tâm tư về giai đoạn “sau 60 năm cuộc đời”này của Y Vân nhắc nhở chúng ta một điều then chốt: cần chuẩn bị tốt cho giai đoạn này thật lâu trước lúc nó đến để hạn chế tối thiểu việc lúng túng, bị động ở giai đoạn này vì sau tuổi ấy, mọi cơ phận trên bộ máy sống của chúng ta đều xuống cấp.
Sau 60, những năm ta sống thêm đều là những năm “điểm thưởng” (bonus), vậy hãy cầu xin ơn trên và thúc đẫy những mặt tích cực ở bản thân mình để sao cho bonus vô đều đều trong một cơ thể mạnh mẽ, thư thái, tâm thần an nhiên.