7/28/20

Bài hát Xa Lộ Không Đèn và bộ phim cùng tên

 on  
In ,  
Bài hát Xa Lộ Không Đèn, tác giả Y Vân, được sáng tác làm nhạc nền cho cuốn phim tình cảm-tâm lý xã hội cùng tên. Phim do hãng phim Rạng Đông thực hiện, công chiếu khoảng năm 1973 tại miền nam Việt Nam
Phim Xa Lộ Không Đèn quy tụ nhiều diễn viên gạo cội lúc bấy giờ như  Thanh Nga, Trần Văn Trạch, Dũng Thanh Lâm, Năm Châu, Kim Cúc, Trang Thanh LanPhi Thoàn, Túy Hoa, Xuân Dung, Hoài Trung. Chỉ đạo sản xuất bởi đạo diễn Hoàng Anh Tuấn.
Như đa phần những phim của ngành điện ảnh Nam Việt Nam vào giai đoạn này, người xem gặp thấy bóng đen của chiến cuộc phủ lên trên từng phận đời ở một vùng ngoại thành ven đô, nơi đa số cư dân là những người dân quê từ bỏ làng mạc đầy bất an do chiến tranh, lên Sài Gòn nương náu và tìm lấy chút sự bình yên. Nơi họ ở là một vùng ngoại ô Sài Gòn nơi có đường xa lộ thênh thang chạy qua. Về đêm, do tình hình chiến tranh, lệnh giới nghiêm, nơi này hiu hắt không một bóng người hay xe cộ nào qua lại trừ những xe quân sự. Đèn đường thì tắt ngóm do nhu cầu gìn giữ an ninh nội thành, thế nên… về đêm, xa lộ chỉ là một vùng tối ám.
Trên xa lộ mênh mang trên xa lộ cô đơn
Ôi xa lộ bóng tối im lìm
Tìm có người tìm tình yêu mất đi không còn đến.
Trên xa lộ đêm đen trên xa lộ đua chen
Ôi xa lộ sống chết vô tình
Tình hỡi cuộc tình người đi vết xe đang lăn tròn.
Về nghĩa bóng, “Xa lộ không đèn” còn ám chỉ những kiếp người vẫy vùng trong tối tăm nghiệt ngã của thân phận và số kiếp đẫy đưa, mịt mờ và không tương lai, dễ sa ngã, dễ mắc cám dỗ do chật vật cuộc sống, và đấy cũng là khía cạnh khai thác của những nhà làm phim khi đưa ra câu chuyện về Liễu, một cô gái từ thôn quê theo gia đình đến tạm cư nơi vùng “Xa lộ không đèn”.
Cuộc đời sao tăm tối như xa lộ không đèn
Cuộc đời sao u ám như xa lộ tối đen
Truyện phim kể về Liễu, một cô con gái nhà lành, do chiến tranh loạn lạc đã cùng với gia đình lên Sài Gòn lánh nạn và tìm kế mưu sinh. Cha Liễu làm thầy giáo,  ban ngày đi dạy học, tối chạy xe ôm. Mẹ Liễu hàng ngày quảy một gánh chè đi bán. Dù vậy, cuộc sống vẫn không đủ đắp đổi. Nhà nghèo không đủ tiền đóng học phí để Liễu tiếp tục việc học, nên Liễu quyết định bỏ học để đi làm kiếm tiền giúp đỡ cho gia đình. 
Liễu bước chân vào nghề làm gái nhảy và trong một lần đi khách, cô đã đánh mất sự trinh tiết. Ông giáo biết Liễu hư hỏng nên ông đã từ con. Liễu gạt nước mắt nói lời tạ từ mẹ cha, rời khỏi nhà để rồi tìm đến những người bạn trong giới hippie ăn chơi. Liễu tiếp tục hành nghề vũ sexy. Không lâu sau, nàng bị một tay vũ sư giăng bẫy rập đưa nàng vào một nhóm xã hội đen để trả thù. Liểu bị bọn chúng thay nhau cưỡng hiếp.
Một thời gian sau, Liễu tham gia cùng một băng đảng hippie khác. Nhóm này tiến hành một cuộc đánh cướp hàng buôn lậu của nhóm xã hội đen đã hãm hiếp Liễu. Xong việc, họ chia tiền cho từng thành viên trong nhóm và quyết định giải tán băng đảng, ai về nhà nấy để theo đuổi cuộc sống lương thiện, và để tránh sự tầm nã của nhóm xã hội đen kia. Nhưng kết thúc không được tốt đẹp như mong đợi của nhóm, một thành viên của họ sa vào tay nhóm xã hội đen đối địch đã khai ra hết về từng thành viên khác, từ đó những người còn lại trong nhóm hippie của Liễu đều bị bọn xã hội đen thanh toán đẫm máu.
Trong một lần chạy trốn sự truy bắt của bọn xã hội đen này, Liễu đã bị chúng gây thương tích trầm trọng. Người bê bết máu, Liễu tìm đường về nhà với gia đình, gia đình đã tức tốc đưa Liễu đi nhà thương, nhờ đó cứu sống Liễu.
Trên xa lộ không tên Trên xa lộ khô khan
Ôi xa lộ giết chết tâm hồn Vừa thấy cuộc đời
Chợt tan biến đi như hình bóng.
Trên xa lộ miên man trên xa lộ thênh thanh
Ôi xa lộ tối ám không đèn
Ðường hỡi con đường tình yêu thoáng qua như vô hình.
Nhạc phẩm chính của bộ phim được viết bởi các nhạc sĩ Y VânNguyễn Minh Trí, cũng có tên “Xa Lộ Không Ðèn”, được trình bày trong phim với tiếng hát nữ ca sĩ Phương Dung.

Có một giai thoại về cảnh “nóng” Thanh Nga đóng trong phim. Do để ăn khách hơn, phim cần phải có một chút sex để lôi cuốn khán giả. Nhưng để Thanh Nga tự thu85c hiện điều này ắt là không rồi. Trước khán giả VNCH, Thanh Nga luôn xưa nay xuất hiện với áo quần kín mít, chỉnh tề, áo dài cao cổ nền nếp, phẩm hạnh… mà sex thì tất nhiên khán giả càng háo hức mua vé vào xem để mục kích sự gay gấn này. Thế là một nữ ở Đệ Nhất khách sạn, tên là Lệ Tuyền, đã được điều vào làm “cát ca đơ” cho Thanh Nga, vì Lệ Tuyền có khuôn mặt trái soan, làn da trắng mịn hao hao Thanh Nga, tuyệt nhất là có 3 vòng cùng chỉ số hết với nữ nhân vật chính. Tuy vậy tới lúc quay, trước đông người, cô vũ nữ lại muốn thối lui, trả tiền lại, làm cho đạo diễn Hoàng Anh Tuấn phải dỗ dành thuyết phục. Ông cho đuổi hết mọi người ra ngoài chỉ chừa lại cameraman, Lệ Tuyền mới chịu “cởi”.

TẬP 1



TẬP 2



PHỤ LỤC: TẢN MẠN VỀ XA LỘ BIÊN HÒA
(biên tập rút gọn từ bài gốc đăng trên anhxua.com
Xa lộ Biên Hòa có chiều dài 30 km chạy từ Sài Gòn lên đến Biên Hòa vì thế thời VNCH gọi là xa lộ Biên Hòa. Xa lộ được khởi công từ 1959 đến 1961 thì hoàn thành. Sự ra đời của xa lộ Biên Hòa gây không ít bàn tán thời đó. Vì, thứ nhất là xa lộ làm rất phẳng phiu, từ trước đến nay người dân miền Nam chưa bao giờ thấy con đường nào rộng và phẳng phiu như thế. Đó là vì xa lộ này được làm theo kỹ thuật mới, trải nhựa bằng máy làm đường kiểu mới khác cách làm đường kiểu cũ thời Pháp thuộc –là đổ đá răm trên mặt đường rồi đổ nhựa đường xuống từng chỗ, sau đó dùng hủ lô cán cho đều ra. Vì đổ nhựa từng chỗ một nên mặt đường không thể nào bằng phẳng bằng mặt đường đổ bằng máy có chiều ngang rộng và đổ nhựa cùng một lúc. Thứ hai là lần đầu tiên dân miền Nam nhìn thấy đèn cao áp thủy ngân gắn trên xa lộ này. Ban đêm chạy xe đèn chiếu sáng trưng nhìn rõ con đường chứ không tù mù như những ngọn đèn vàng trong thành phố gắn từ thời Pháp. Lại thêm cứ chiều tối chạng vạng là đèn tự động bật lên nhờ có gắn các bộ cảm ứng với ánh sáng. Khi ánh sáng xuống thấp đến một mức nào đó thì kích hoạt bộ cảm ứng làm cho đèn bật lên, khi trời đêm bắt đầu rạng sáng thì đèn tự động tắt đi. Thứ ba xa lộ này có một câycầu thật dài, gần 1 km (986,12m). Cầu cũng được làm với kỹ thuật mới khác với các cầu bằng sắt lót ván thời đó, mặt cầu cũng đổ bê tông như mặt xa lộ và xe chạy qua không phải giảm tốc độ. Trên mặt cầu, cách quãng lại có khoảng hởvới đầu nối bằng sắt để phòng khi khí dưới tác động nhiệt các khoảng bê tông dãn nở và thu lại không làm cho nứt cầu.
Điều làm cho nhiều người thắc mắc nhất là tại sao lại làm con đường rộng như thế, dài như thế chạy ngang qua những khu hai bên toàn là ruộng lúa, không có bao nhiêu người ở rồi đến Biên Hòa thì đột ngột dừng lại. Để giải đáp thắc mắc đó có người đưa ra câu trả lời là Mỹ làm con đường rộng rãi phẳng phiu như thế để cho phi cơ đáp xuống, phòng khi phi trường Tân Sơn Nhất bị quân đội miền bắc phá hủy. Từ đó họ suy ra Mỹ làm xa lộ Biên Hòa chủ yếu chỉđể phục vụ cho quân sự, và cũng bộc lộ việc Mỹ có ý chiếm đóng lâu dài miền Nam Việt Nam.
Nhưng có người từng du học bên Pháp giải thích đây là con đường xa lộ huyết mạch nhằm nối liền khu dân cư tại Sài Gòn và khu kỹ nghệ tại Biên Hòa. Họ kể ở bên Pháp, khu công nghiệp và khu dân cư lúc đầu được qui hoạch cách xa nhau và nối với nhau bằng xa lộ. Theo thời gian, người dân xây nhà cửa san sát hai bên xa lộ khiến cho hai khu vực biến thành một thành phố chung.
Theo kế hoạch chính phủ Việt Nam Cộng Hòa sẽ thành lập khu công nghiệp tại vùng Biên Hòa. Còn vùng Sài Gòn là trung tâm thương mại và khu dân cư tiêu thụ hàng hóa sản xuất từ khu công nghiệp Biên Hòa, đồng thời những người sống tại Sài Gòn đi làm tại Biên Hòa sẽ có con đường cao tốc đi lại cho nhanh. Đến năm 1975 xa lộ Biên Hòa đang làm đúng chức năng mà những nhà qui hoạch trước đó đã dự định. Có nhiều hãng xưởng mở ở khu công nghiệp Biên Hòa. Hàng ngày, nhiều công nhân tại Sài Gòn đi làm tại khu công nghiệp Biên Hòa được xe buýt của công ty chở đi. Các công nhân tụ tập tại một số điểm ở Sài Gòn, xe buýt ghé đón và chở đi Biên Hòa. Chiều xe buýt lại chở công nhân về thả ở các điểm tụ tập. Như thế cùng một con đường, tùy theo kiến thức mà mỗi người nhìn nó với cặp mắt khác nhau.
Người không có kiến thức về cách thức phát triển của một quốc gia công nghiệp thì tưởng rằng Mỹ làm xa lộ Biên Hòa để chiếm đóng miền Nam lâu dài. Nếu nhìn vào thời điểm xa lộ Biên Hòa được xây dựng thì có thể thấy mục đích của xa lộ Biên Hòa không phải là để phục vụ cho chiến tranh. Xa lộ Biên Hòa được khởi công từ năm 1959. Lúc này, người Mỹ nghĩ rằng chính quyền Ngô Đình Diệm đã thành công trong việc đem lại ổn định tại miền Nam nên đó là lúc bắt đầu bắt tay vào xây dựng kinh tế. Xa lộ Biên Hòa được xây dựng để làm hạ tầng cơ sở cho một nền kinh tế công nghiệp tại miền Nam. Khi đã có xa lộ và các cơ sở hạ tầng thì các công ty Mỹ và các nước khác sẽ đến miền Nam đầu tư, mở nhà máy. Các cố vấn quân sự Mỹ sẽ có thể rút về vì quân đội miền Nam đủ sức để giữ cho tình hình ổn định. Miền Nam có thể tự lực phát triển như Singapore, Mã Lai hay Thái Lan mà không cần Mỹ phải can thiệp vào. 

Nghe Thanh Tuyền hát nhạc phim "Xa Lộ Không Đèn"
Share: