4 hành động thiết yếu khắc phục trầm cảm

Những ai mắc chứng trầm cảm dù bất kỳ dạng nào cũng đều hiểu rõ những cơn buồn trĩu nặng có thể làm thế giới của họ trở nên xộc xệch dị thường theo nhiều cách. Chứng tâm tư rối loạn này có thể khiến lòng người cảm thấy uể oải, chán chường, vô dụng, dễ xúc động (tức giận/buồn bã), tủi hỗ, sợ hãi, không có động lực, muốn chết. Cảm giác rối mịt còn có thể khiến người mắc trầm cảm thấy như mình đang lao vút trên chuyến tàu lượn cảm xúc siêu tốc độ không có điểm dừng lại. 
Chính những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trầm cảm khiến những biện pháp khả thi hòng chống lại chứng rối loạn này trở nên khó khăn vô cùng đối với nhiều người. Nhiều người mắc phải vì thế buông xuôi phó mặc, không tìm kiếm bất kỳ hình thức điều trị nào cho đến khi một người thân hoặc người bạn đáng tin cậy thuyết phục họ hãy thử cách gì đó.
Có nhiều dạng trầm cảm khác nhau. Theo Hiệp hội Chứng Lo âu và Trầm cảm Hoa Kỳ, hai dạng chính yếu trong đó là Rối loạn trầm cảm nặng (MDD) và Rối loạn trầm cảm dai dẳng (PDD), còn được gọi là chứng rối loạn nhịp tim.
Rối loạn trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây ra những chứng tật có liên quan trầm cảm ở Hoa Kỳ cho những người trong độ tuổi từ 15 đến 44 và ảnh hưởng đến hơn 16 triệu người mỗi năm.
Rối loạn trầm cảm dai dẳng là dạng trầm cảm ngắn hạn ảnh hưởng đến hơn 3 triệu người ở Hoa Kỳ hàng năm với độ tuổi trung bình thường gặp chứng rối loạn là khoảng 31 tuổi.
Thực hiện bước đầu tìm kiếm sự giúp đỡ là một trong những việc làm quan trọng nhất mà người trầm cảm có thể thực hiện để chống lại hội chứng rối loạn thường dẫn đến suy nhược thể trạng này. Nhưng những lý do khác để hành động ngay cũng không ít, chẳng hạn để giảm nguy cơ sa sút trí nhớ, vì chứng trầm cảm liên quan đến sự gia tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ sau này.
Dưới đây là một số hành động nhằm chống trầm cảm dạng tiềm ẩn có thể áp dụng hầu giảm bớt những lần phát tác của chứng rối loạn ...
1- Hành động tức thời ngay, chống lại trầm cảm bằng cách bắt bản thân hoạt động lên
Điều trị trầm cảm bao gồm sự kết hợp nhiều thuốc khác nhau cũng như việc phối hợp các chiến thuật hành động. Mục tiêu chính là bắt cơ thể vận động. Theo dưỡng viện Mayo, thoạt đầu chỉ cần 10 phút tập thể dục mỗi ngày rồi tăng dần lên 30 phút mỗi ngày (3-5 lần mỗi tuần), có thể có tác động to lớn, tích cực giảm thiểu các triệu chứng trầm cảm.
Điểm mấu chốt ở đây là trầm cảm có thể gây ra sụt giảm nghiêm trọng về năng lượng hoạt động, khiến bất kỳ hoạt động nào đều có vẻ hết sức nặng nhọc. Tuy nhiên, không vận động lại gây ra cảm giác chán nản, với nhiều vấn đề sức khỏe hơn.
2- Không tự cô lập vì muốn tránh hết thảy mọi người và sự việc
Tương tự như cách hoạt động chống lại chứng trầm cảm, người bị trầm cảm không nên sống cô lập để tránh những con người và sự kiện mà họ đã từng thích thú. “Sự tương tác đơn giản giữa con người với nhau có thể tạo ra khác biệt lớn trong việc chiến đấu với chứng trầm cảm,” Tiến sĩ Richard Honaker, Cố vấn Y tế Trưởng cho trang Bác sĩ Trực tuyến (Your Doctors Online) cho biết. “Đôi khi thảo luận về mọi thứ với bạn bè hoặc thành viên trong gia đình có thể giúp bạn nhẹ nhõm hơn”.
Việc giao lưu sinh hoạt trong một môi trường xã hội có thể hữu ích, mặc dù đôi khi khó bắt đầu. Không thiếu gì các sự kiện ở địa phương mà bạn có thể tìm kiếm trên mạng để qua đó kết nối với những người có cùng sở thích. Gặp gỡ một hoặc vài người bạn, uống cà phê, ăn trưa hoặc ăn tối có thể là bước đầu tiên dễ dàng. Khi bạn làm điều này một vài lần, bạn thường thấy khá dễ dàng tiếp tục sinh hoạt.
Hãy nhớ, không hề ai muốn để chứng bệnh trầm cảm, cùng các và triệu chứng liên quan định hình nên con người mình cả.
3- Quay lại sở thích cũ từng yêu thích
Một trong những điều tệ nhất của bệnh trầm cảm là chứng rối loạn này có thể khiến người mắc phải mất hứng thú với những hoạt động và sở thích cũ trước kia họ từng yêu thích và thường làm. Có thể là các sinh hoạt bơi lội, vẽ tranh, đọc sách, tập thể dục, thậm chí việc ngồi trong công viên lặng im nhìn người qua lại. Để chống lại chứng trầm cảm, việc thực hiện lại bất kỳ hoạt động nào bạn từng yêu thích có thể giúp ích rất nhiều.
Thoạt đầu điều này có thể khó khăn vì sự quan tâm đến những sở thích cũ đã giảm bớt, đây chính là lúc sự giúp đỡ của một người thân hoặc bạn bè đáng tin cậy có thể phát huy tác dụng. Một trong những cách tốt nhất thực hiện điều này là lên lịch hoạt động với bạn bè hoặc những thành viên trong gia đình, các bên liên quan dặn nhắc nhau không ai vì lý do gì mà hủy bỏ cam kết này. Hãy thử vài lần, nếu không thấy hứng thú thì chuyển sang thử nghiệm một sở thích mới.
4- Nói chuyện với một chuyên gia bệnh trầm cảm
Không ai có thể làm điều này một mình! Đây là một thực tế rất quan trọng mà nhiều người bị trầm cảm không hiểu, vì họ bị rối loạn. Nếu tất cả mọi người bị trầm cảm đều có thể tự khắc phục, chúng ta sẽ không còn hàng triệu người vẫn còn đang mắc phải chứng bệnh này. Vì lẽ trên, tìm kiếm và nói chuyện với một chuyên gia là điều tối cần.
Tóm lại...
Trong điều trị trầm cảm và chống lại các triệu chứng của nó, tối cần là thực hiện bước đầu tiên. Tất nhiên, nói dễ hơn làm, nhưng đây là bước quan trọng để xác lập tiến trình. Từng bước, bạn thoát ra khỏi sự cô lập cho đến giai đoạn thoải mái nói về cảm xúc mình với chuyên gia, là cả một lộ trình quay trở lại cuộc sống khang hòa lúc trước.
Cuộc chiến chống trầm cảm có thể kéo dài, nhưng càng bắt đầu sớm càng hưởng nhiều ưu thế. Bất kỳ người nào bị trầm cảm cũng nên nhớ họ không đơn độc và họ không cần để cho trầm cảm và các triệu chứng của nó xác lập, định hình nên thực trạng mình.
Vẫn còn có đó các bạn bè và những người thân yêu sẵn lòng giúp đỡ bạn, và vẫn có hàng triệu người đang sống cùng với chứng rối loạn này nhưng vẫn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống của họ.
Nếu người nào đó đang nghĩ đến việc tự làm cho mình tổn thương hoặc có ý định tự tử, họ nên gọi 911 hoặc số khẩn cấp tại địa phương ngay lập tức. Người đang có ý nghĩ tự tử, nếu ở Hoa Kỳ, cũng có thể gọi cho Đường dây Nóng Quốc gia Ngăn chặn Tự tử ở số 1-800-273-TALK (1-800-273-8255).