‘Con người ta sinh ra trong cuộc đời này để làm gì?’ Đó là một câu hỏi khắc khoải nhất, trăn trở nhất mà từ xưa đến nay không biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhà hiền triết và nhạc sĩ đã đưa ra lời lý giải. Tất nhiên không có cách giải thích nào được nhất trí toàn diện.
Hỏi ‘Con người ta sinh ra trong cuộc đời này để làm gì?’ tức cũng là hỏi ‘Cuộc đời là gì?’ Theo quan điểm của Phật giáo, tôn giáo phổ biến nhất ở Việt Nam, thì ‘Đời là bể khổ”. Đạo Phật đưa ra  bốn chân lý cao cả, gọi là Tứ thánh đế hay Tứ diệu đế. Bốn điều chân lý lớn này chứa đựng nội dung kinh nghiệm giác ngộ của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, và cũng là nội dung chính của bài kinh đầu tiên, kinh Kinh Chuyển Pháp Luân. Sinh, lão, bệnh, tử là bốn giai đoạn chính mà phận người nào cũng phải trải qua không tránh khỏi. Dù rằng bốn lẽ thực này có thể khiến sinh tâm trạng u buồn, nhưng về mặt tích cực, các điều chân lý cũng cảm hóa con người về ý nghĩa sự hiện diện ngắn ngủi của họ trên trần thế này, từ đó họ phát tâm độ lượng hơn, vị tha hơn, không mê mãi tha thiết với những của cải tư hữu phù phiếm trên thế gian.
Từ khi sinh ra, con người đặt chân vào cuộc hành trình mãi miết, nhưng không phải là bất tận. Nếu ví von đời người là những lần lên xe xuống xe… thật là nhiều vô kể, nhưng có những chuyến xe đánh dấu mốc cuộc đời quan trọng đáng ghi nhớ như khi con người trưởng thành, lập gia đình, đó là lần lên xe hoa đầy vinh hạnh. Thế nhưng không phải bất cứ ai đều có lần này, và đáng buồn hơn, có người đi nhầm lại phải đi lại chuyến xe hoa 3-4 lần. Bởi thế, tác giả đã ghi: Duyên ưa có người chỉ một xe đầu. Có người vài lần thương đau, có người chẳng bao giờ đâu.
Bài hát thấm đượm một cảm trạng buồn ngùi ngùi khi tác giả tả lên chuyến xe cuối củ đời người. Sau khi sinh ra, mỗi người đi một ngã đường số phận rất khác biệt nhau, có người số may mắn trở nên giàu có, gặt hái thành công về cả hai mặt công danh và duyên phận, người xấu số vớ gì hỏng nấy, suốt kiếp long đong. Nhưng khi lên chuyến xe cuối cùng giã từ dương thế thì ai cũng như hai, không nắm lại được gì trên tay mình để mang theo qua kiếp lai sinh cả. Công danh ngày ấy giấc mộng tình hôm nay. Cũng về như chiếc lá vàng, xe đơn lạnh tiễn đưa hai hàng.

Bài hát 'Những chuyến xe trong cuộc đời', tác giả Hoài Linh, trình bày Giáng Thu:


NẾU MAI ĐÂY VỀ, CŨNG TRÊN "CHUYẾN TÀU HOÀNG HÔN"
Về nghĩa bóng, "chuyến tàu hoàng hôn" chỉ sự chờ đợi chung, dẫu rằng bối cảnh cụ thể nhạc sĩ Minh Kỳ viết (Hoài Linh đặt lời) là người con gái chờ đợi chàng trai đi chiến đấu ở phương xa trở về. Sự chờ đợi này tất nhiên tràn trề hy vọng, nhưng cũng ẩn khuất đâu đó tí chút ngậm ngùi của vô vọng. Nếu vượt ra khỏi không gian ước lệ của bài hát, "chuyến tàu hoàng hôn" chỉ sự chờ đợi chung thủy sắt son của tấm tình nào đó nói chung, luôn chờ đợi một hình bóng có thể không bao giờ trở lại hoặc có thể trở lại trong cảnh hoàng hôn của đời người... Thỏa lòng, nhưng cũng không còn biết để làm gì nữa:
Tà dương khuất trong sương là mỗi lần ngóng chờ.
Nhìn theo phía chân mây đợi chuyến xe xưa về chưa...