Về Sóc Trăng nghe điệu Lâm Thôn


Tên điệu múa được nhắc đến ở điệp khúc bản nhạc “Chiếc Áo Bà Ba” của Trần Thiện Thanh như sau:
Đẹp quá quê hương hôm nay đẹp vô ngần
Về Sóc Trăng một ngày ca điệu lâm thôn
Vậy điệu Lâm Thôn là điệu gì? Đó là một điệu múa của người dân tộc Khmer nam bộ rất phổ biến ở vùng đất phía nam vào các dịp lễ lạc, hội hè… Bài viết sau đây sẽ cung cấp thêm những thông tin thú vị cho bạn về điệu múa này.

Đối với người Khmer, nghệ thuật múa là sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo vừa mang tính thiêng liêng, vừa là nhu cầu tinh thần sau những giờ lao động mệt nhọc.Nghệ thuật múa ra đời từ rất sớm và có nhiều hình thái. Hiện nay, người Khmer duy trì ba hình thái chính là múa dân gian, múa tín ngưỡng và múa sân khấu.
Vào những dịp lễ hội truyền thống của dân tộc hay nghi thức mừng nhà mới, đám cưới, người Khmer thường tổ chức múa lâm thôn, tạo nên không khí giao lưu phấn khởi, đoàn kết trong cộng đồng. Khi tiếng trống hoặc nhạc ngũ âm vang lên, từng đôi trai gái, già trẻ cùng uyển chuyển hòa mình vào những điệu múa dân gian tập thể rất mềm mại và duyên dáng. Điệu múa dân gian được nhiều người biết đến là Răm Vông hay còn gọi là múa Lâm Thôn. Tham gia điệu múa này, từng đôi trai gái vừa múa vừa di chuyển theo vòng tròn hoặc thành hàng, vừa quay lại nhìn nhau thật tình tứ, thể hiện sự quấn quýt. Các động tác của nữ khi múa lượn 2 cánh tay đưa ra trước ngực, thể hiện sự e lệ, nam dang rộng 2 cánh tay về hai bên hông thể hiện sự mạnh mẽ, như để che chở cho người bạn múa của mình; kết hợp với chân, chân nào phía trước thì tay đó ở dưới thấp và ngược lại. Màn múa không giới hạn số người tham gia.
Múa lâm thôn với những động tác thoải mái, lạc quan, yêu đời pha chút hóm hỉnh mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer không chỉ giúp mọi người quên đi những vất vả trong cuộc sống, mà còn thắt chặt thêm tình đoàn kết trong cộng đồng. Nghệ sĩ Ưu tú Lâm Vĩnh Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng cho biết: Múa lâm thôn các động tác của nữ thường dịu dàng, nhẹ nhàng và kín đáo. Ở điệu múa này, nếu lòng bàn tay trái ngửa thì lòng bàn tay phải úp và ngược lại theo quy luật âm dương, trong âm có dương, trong dương lại có âm.
Nhà nghiên cứu văn hóa Khmer Nam bộ, Nghệ sĩ Ưu tú Sơn Lương cho biết, múa lâm thôn, động tác khá đơn giản, chỉ cần nhìn người múa vài lần là có thể múa theo được. Tuy vậy, phải tuân theo một số qui tắc nhất định như: Người ít tuổi, địa vị thấp hơn sẽ ra múa trước, sau đó mới tiến đến mời các vị quan khách, người cao tuổi ra múa giao lưu. “Đội hình múa di chuyển càng nhiều vòng càng vui. Rồi cả người Khmer và các vị khách mời người Kinh, người Hoa... cùng nhau vui vẻ, động tác múa càng nhanh hơn theo nhịp trống. Khi trống ngừng, mọi người cùng dừng lại chắp tay chào nhau rồi trở về vị trí cũ” – Ông Sơn Lương chia sẻ.
Còn có thể kể đến điệu múa Lăm Leo, hoặc múa Saravan....Giáo sư, Tiến sỹ Lê Ngọc Canh, Phó Chủ tịch Hội nghệ sỹ múa Việt Nam, cho biết: “Đặc điểm của múa dân gian Khmer là rất vui nhộn, rất hóm hỉnh, tinh nghịch. Múa dân gian thì phổ cập làng nào cũng có. Già trẻ trai gái khi trống phách lên là họ múa rất hồn nhiên và tâm hồn họ rất thoải mái chở che cho người bạn múa.
Múa lâm thôn có 3 bước chính, người múa thường bắt đầu bằng cách bước chân phải lên một góc 45 độ và khi đó phải chuyển từ tư thế tay chíp sang tư thế tay thô thuôl, tay trái trong tư thế tay rồn. Kế tiếp là bước chân trái lên, khi đó tay trái trong tư thế rồn chuyển sang chíp, rồi buông ra thành tư thế thô thuôl, đồng thời chân trái rút thấp ra phía sau. “Quy luật chân nào phía trước thì tay đó ở dưới thấp và tư thế rồn, tay đối diện trong tư thế thô thuôl và ngược lại cho đến khi  hết bài. Đặc điểm múa lâm thôn là múa nhấp chân ở phía sau” – Nghệ sĩ Ưu tú Lâm Vĩnh Phương nói.
Dù đã trải qua hàng trăm năm tồn tại cùng nhiều cao trào giải trí hiện đại, điệu múa uyển chuyển lâm thôn vẫn được nhiều người Khmer yêu thích. Người ta có thể tổ chức múa ở mọi nơi từ nơi sân khấu rực rỡ, sân chùa hay sân nhà vào những dịp lễ hội. Điệu múa lâm thôn vừa dịu dàng, vừa có nét vui nhộn, được thể hiện qua sự phối hợp các động tác tay chân một cách nhịp nhàng, sinh động theo từng điệu nhạc.

Nghe bài hát "Chiếc áo bà ba" của tác giả Trần Thiện Thanh
Xem baiDa hetbinh luan