Cải lương Cô Lành Cầu Bông

Khoảng cuối những năm 60 và đầu thập niên 70, công nghệ giải trí ở miền Nam Việt Nam đã có những bước tiến dài về chất. Khi này, những phim nhựa màu đầu tiên đã ra đời bên cạnh những bộ phim trắng đen mang nhiều nội dung hay, đặc sắc. Các phim này thường được thủ diễn bởi những nam nữ nghệ sĩ được đông đảo quần chúng ái mộ. Chỉ cần trên băng rôn giới thiệu phim treo trước rạp có tên các diễn viên này đủ bảo đảm phim sẽ ăn khách. 

Nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng bấy giờ được các hãng phim chiếu cố, săn đón tận tình. Các chủ làm phim này suy luận thật đơn giản. Họ lý luận: đại bộ phận nhân dân miền nam rất yêu thích cải lương, nay nghe tin diễn viên họ hâm mộ đóng phim nữa, tất họ sẽ đi xem đông thôi. Phim cải lương Cô Lành Cầu Bông đã ra đời như vậy..

Cải lương Cô Lành Cầu Bông là vở cải lương quay thành phim nhựa đầu tiên

Phim cải lương Cô Lành Cầu Bông là sự thể nghiệm điện ảnh hóa cải lương đầu tiên. Nhóm thực hiện là hãng phim Alpha của ông Thái Thúc Nha. Nội dung được lựa chọn đáp ứng tốt thị hiếu quần chúng. Đó là một vở tuồng cải lương xã hội, chứa đựng  những sự éo le ngang trái cuộc đời luôn lấy được nước mắt khán giả. Đó là sự sa ngã của con người trước cám dỗ đồng tiền, sự bội bạc, những cạm bẫy khôn lường của cuộc đời, lòng người đổi thay và  sự hối hận muộn màng. 

Giống như mọi tuồng cải lương trên sân khấu, đoạn kết phim "Mèo hoang" tôn vinh giá trị muôn thuở của cuộc đời là cách ăn  ở nghĩa tình, đôn hậu. Phim cải lương Cô Lành Cầu Bông trên hết đưa ra một bài học thấm thía. Nó nhắc nhở mọi người nên sống sao cho trọn, cho đẹp. Mọi người nên tôn quý giá trị những tình thâm. Đó là nền tảng của cuộc sống an lành, hạnh phúc.

Đặc điểm nổi bật của những vở cải lương (nhất là cải lương xã hội) thời trước 1975 là tính nhân văn cao, lồng tải trong đó một triết lý đơn sơ bình dân, một nền móng nhân nghĩa (sống phải có tình với nhau) bất thành văn nhưng ai cũng có thể phát biểu ra được. 

Khán giả đi xem vừa giải trí và cũng vừa được củng cố lại về bài học nhân nghĩa bình dân này, để nhắc nhở nhau, "sống phải có tình" - mà hiện thân đậm đà của đạo lý đậm chất nhân văn này là vai Lâm trong phim. Vở diễn dù đã cũ qua thời gian, nhưng đến tận nay xem lại khán giả vẫn còn thấy hay bởi vì những bài học đạo lý rút tỉa từ cuộc sống ra thì không bao giờ cũ và nhàm chán.

Trong phim cải lương Cô Lành Cầu Bông có sự góp mặt của hầu hết diễn viên gạo cội đoàn Kim Chung thời danh bấy giờ, gồm Minh Phụng, Lệ Thủy, Thanh Hải, Tô Kim Hồng, Hoàng Giang, Văn Hường, Trường Xuân, Hồng Hoa, Điền Lộc, Hương Duyên, Bé Bự...


Bài học triết lý của vở cải lương Cô Lành Cầu Bông

Vở cải lương Cô Lành Cầu Bông (hay tên khác là Mèo Hoang) kể về cuộc đời của Lành. Lành là một trong những cư dân ở khu vực có cây cầu nổi tiếng này. Tên Lành chính là sự gởi gấm ước muốn của người mẹ về cuộc đời ngày sau của con gái: lành lẻ, êm đẹp và phúc phận.

Chuyện rằng nơi khu xóm nghèo cạnh Cầu Bông, những mảnh đời nhọc nhằn cơm áo tề tựu lại sống bên nhau. Dù cả khu ổ chuột ấy sống rất chật vật kinh tế, âm thầm trong mỗi lâm hồn nơi ấy luôn không ngừng khao khát vươn lên. Mỗi phận người nơi đó lại chọn một lối đi riêng cho mình.

Tiền bạc, theo nhiều người, là yếu tố thiết thực làm nên hạnh phúc, nhưng tiền cũng là con dao hai lưỡi. Nếu quan điểm cực đoan, tiền sẽ làm băng hoại nền tảng đạo đức, hủy diệt tình yêu và phá tan hạnh phúc gia đình.


Nội dung phim cải lương Cô Lành Cầu Bông

Tại xóm Cầu Bông dù nghèo nhưng nghĩa tình luôn đong đầy ấy, có một mối tình đẹp giữa chàng trai hiền lành, siêng năng với một cô gái dịu lành, trong sáng. Cô gái ấy cũng tên Lành. Lành sống cuộc sống bình dị bên mẹ, ngày ngày gánh nước mướn lấy tiền phụ mẹ trang trải sinh hoạt gia đình. Cô luôn cảm thấy hạnh phúc, đầy đủ khi bên cạnh có mẹ và Lâm – chàng trai hết lòng yêu thương cô. 

Nhưng sóng gió bắt đầu khi Son xuất hiện. Son cũng từng sống ở xóm Cầu Bông, 

Son buông lời tiếc rẻ cho Lành có nhan sắc mà để phí, không biết tận dụng để đổi lại cho mình cuộc sống hoa gấm, nhung lụa xa hoa. Những lời ngon ngọt thuyết dụ của Son như chiếc bẫy êm ái Lành từ từ ngã vào hồi nào không hay... dù bấy giờ, Lành chỉ đơn giản nghĩ nếu đi làm chỗ Son tiến dẫn cô, sẽ có nhiều tiền lo cho mẹ đầy đủ, tử tế hơn ngày ngày gánh nước mướn vất vả (và cũng uổng phí tuổi xuân cùng nhan sắc). 

Khi bà Hai nghe Lành tỏ ý định muốn đi làm ở nhà hàng Son chỉ, bà không đồng ý, linh cảm rằng cuộc đời của Lành sau bước ngoặt ấy sẽ không còn yên lành như ý nguyện bà, khi đặt tên con là Lành. Lâm khi này lại nói giúp vô, thuyết phục bà Hai đồng ý vì tình cảm với Lành, không cam nhìn thấy Lành buồn khổ, và phần nữa anh tin vào tình yêu, vào tính sắt son một mực của Lành.

Lành nhanh chóng thích nghi vào thế giới thượng lưu vốn trước kia xa lạ với cô... bắt đầu biết tô son điểm phấn, diện những bộ cánh gợi cảm, biết uống rượu, liếc mắt đưa tình và nở những nụ cười giả tạo. 

Việc lên đời nhảy vọt khiến tâm hồn Lành như chiếc lá bị cuốn sâu mãi vào cuộc sống trụy lạc đua đòi. Cô rẽ rúng, thậm chí hãi sợ tháng ngày sống cơ cực khi xưa, bắt đầu chán ghét mái tranh tồi tàn cũ nát, vừa trông thấy đã hiển hiện rõ một chữ "nghèo" to đậm.

“Tôi đã chán chê những ngày cơ hàn gian nan, những ngày cơm thừa canh dư, những ngày áo quần tả tơi. Đêm về, khi trời mưa giông, mái tranh không làm ấm thân, suốt đêm lo sợ trằn trọc” (Lệ Thủy ca). 

Như một lẽ tất yếu, tình yêu giữa Lành và Lâm cũng nhanh chóng bị cô khai tử. Khi này, Lâm cũng chua chát nhận ra sai lầm không thể cứu chữa của anh khi không kiên quyết ngăn trở việc Lành đi làm cho nhà hàng, trái lại còn xin giúp bà Hai cho Lành nữa.

Lâm ân hận trong muộn màng, nhưng đồng thời trong anh cũng lóe một hy vọng mong manh rằng sẽ đến một ngày Lành  nhận ra thế giới ấy không thuộc về một cô bé ngây hiền, dại khờ như nàng và sẽ quay về "xóm Cầu Bông" ấm cúng tình người. 


Chỉ đến khi chứng kiến nụ hôn nóng bỏng giữa Lành và Hùng - người tình Lành mới quen ở vũ trường, Lâm chết điếng như vừa lĩnh một cái tát trời giáng vào mặt, hy vọng tan bay và tim anh vỡ vụn. Tình yêu của anh đã chết, thực sự đã chết! Cô Lành của xóm nhỏ cơ hàn ngày hôm qua đã chết rồi!

Về phần Lành, cô như con thiêu thân cứ lao mình vào lửa đỏ. Một mặt sống cảnh chồng hờ vợ tạm với Hùng, mặt khác lại sống cùng ông Dương - lão già lắm bạc nhiều tiền si mê Lành và vung tiền không tiếc tay để cung phụng cho Lành. Nhưng khi ông Dương phá sản, Lành nghe theo lời Hùng trở mặt với ông. Ghi thù trong lòng, ông Dương mướn giang hồ rạch mặt hủy hoại nhan sắc Lành. Vũ khí lợi hại duy nhất để Lành kiếm tiền giờ đã mất, thì sự yêu thương, chiều chuộng của Hùng đối với cô cũng mất. Thấy Lành không còn giá trị hái ra tiền, hắn liền trở mặt ngay, xem Lành là gánh nặng, những lời ngọt ngào được thay bằng những lời đay nghiến, mai mỉa cay nghiệt, những ánh mắt nồng nàn đã thay bằng những ánh nhìn lạnh lẽo, chán ghét.

Nhưng giờ đây, Lành còn biết đi đâu về đâu nữa. Khi chính cô là người quyết rũ bỏ quá khứ, từ chối tất cả những tình thâm. 

Chợt có tiếng xe jeep quân đội đỗ trước nhà. Lâm, trong sắc phục sĩ quan hàm trung úy - anh đã nhập ngũ - đến tìm Lành lần cuối, báo tin mẹ Lành đã mất và đưa cho Lành kỷ vật mà bà Hai trước khi chết nhờ anh trao lại cho Lành.

Lâm đi rồi, cũng vừa lúc Hùng về đến, thấy Lành khóc tức tưởi, hắn lại kiếm chuyện đánh đập, Lành. Nhìn Lành cứ bị Hùng đối xử tàn nhẫn, Chín Thẹo – tên đàn em đi theo Hùng, không dằn  lòng được - chính hắn cũng là nạn nhân của Hùng, khi không còn giá trị lợi dụng cũng bị Hùng đối xử nhẫn tâm. Chín Thẹo bèn đâm Hùng một nhát, Hùng chỉ bị thương và vẫn đủ sức giết chết Chín Thẹo. 

Chính lúc này Lành đã làm một việc, mà cô cho là đúng nhất cuộc đời mình: đâm tên Hùng một nhát chí mạng, kết thúc tất cả những ân oán tình thù, ảo ảnh phù phiếm.


Đoạn kết cải lương Cô Lành Cầu Bông dựng lại trong thập niên 90

Vở cải lương Cô Lành Cầu Bông được dựng video lại trong thập niên 90 với Tài Linh diễn vai Lành và Kim Tử Long vai Lâm. So với bản phim trước 1975 có một số tình tiết thay đổi đi cho phù hợp quan điểm xã hội giai đoạn này. Trong vở mới Lâm không vào quân đội và mang lon trung úy. Lâm vẫn làm chàng trai nghèo bôn ba sinh kế ở xóm Cầu Bông. 

Như để cho có hậu hơn, đoạn kết vở cải lương thập niên 1990 kết thúc với bản án tù chỉ có 2 năm dành cho Lành. Lành cũng... lành luôn bệnh ho lao... và tái hợp Lâm. Lâm tha thứ mọi lỡ lầm của Lành, chấp nhận gương mặt bị Hùng rạch nát của vợ mình. 

Do vở nguyên thủy bị mất phần kết nên xin mời quý bạn xem đỡ phần kết cải biên thực hiện năm 90 cho đỡ ghiền nhé.





CẦU BÔNG TRONG KÝ ỨC DÂN SÀI GÒN CỐ CỰU
Cầu Bông là một trong những cây cầu kỳ cựu nhất, hiện diện ngay từ những ngày đầu hình thành đô thị Sài Gòn. Theo các sách biên khảo xuất bản dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, cầu Bông được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18, có sách còn ghi chính xác là năm 1771 (thời chúa Nguyễn Phúc Thuần).
Cây cầu nguyên thủy có tên cầu Cao Miên, vì do một vị Phó vương Cao Miên xây cất. Vị hoàng tôn này lúc đó được nhà Nguyễn cho tá túc tại Bến Nghé. Để tiện việc qua lại, ông cho bắc một cây cầu ngang qua kênh Nhiêu Lộc. Cây cầu này bằng gỗ nhỏ và ngắn nhưng là địa chí khá nổi tiếng của đất Sài Gòn.
Đến thời Tả quân Lê Văn Duyệt phụng mệnh vua Gia Long vào đất Gia Định làm tổng trấn, ngài cho xây dựng ngay sát chân cầu này, bên phía Thị Nghè một vườn bông xinh đẹp (vườn bông đến thời Việt Nam Cộng Hòa vẫn được duy trì và tôn tạo với tên gọi Sở Bông). Do sự kiện này, người Sài Gòn bắt đầu gọi cây cầu là Cầu Bông và tên gọi này vẫn tồi tại đến nay.

AI ĐI TRÊN CẦU BÔNG?
Cầu Bông nổi tiếng đến nỗi đã đi vào lời nhạc, nhưng là lời nhạc chế, nhại theo bài Gạo Trắng Trăng Thanh của đôi danh ca Ngọc Cẩm-Nguyễn Hữu Thiết. Nguyên thủy lời hát là:
“Ai đang đi trên đường đê, Tai lắng nghe muôn câu hò đê mê 
Vô đây em, dù trời khuya anh nhớ đưa em về.”
Đã bị chế thành:
“Ai đang đi trên cầu Bông, Té xuống sông ướt cái quần ny lông…”
Vô đây em, dù lạnh teo anh cũng thay cái quần.”
Nghe bài hát "Gạo Trắng Trăng Thanh" do Sơn Tuyền trình bày:

Từ đầu cầu Bông phía Gia Định, một con đường thẳng tắp gọi là đường L’inspection (sau gọi là đường Lê Văn Duyệt, nay là Đinh Tiên Hoàng) đưa người có công việc làm đơn làm từ thẳng đến đến toà Bố (tức toà hành chánh Gia Định). 
Thời chính phủ Nam Việt Nam, cầu Bông được nâng cấp lên thành cầu bê tông vững chải. Dù dài chỉ khoảng 50 mét, rộng 15 mét, Cầu Bông xưa là trục lộ giao thông huyết mạch vì nối liền Sài Gòn Chợ Lớn với tỉnh Gia Ðịnh lân cận. 
Từ Ða Kao phía Sài Gòn, nếu qua Cầu Bông bạn sẽ đặt chân vào tỉnh lỵ Gia Định (trung tâm của tỉnh Gia Ðịnh). Con đường thẳng tắp trước mặt dẫn đến khu vực tập trung các cơ quan hành chính, công quyền tỉnh Gia Định, đến Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt và chợ đầu mối Bà Chiểu.
Cầu Bông là cây cầu thân thuộc của dân Sài Gòn Gia Định. Từ Sài Gòn học trò qua cầu Bông sang Gia Định theo học các trường nữ Lê văn Duyệt hay trường Nam Hồ Ngọc Cẩn. Ngược lại học trò từ Gia Định sang các trường học ở Đa kao Sài gòn đều phải qua cây cầu này, chưa kể số người đi làm ở các công tư sở hoặc qua Saigon Chợ Lớn tìm thú giải trí vui chơi.
Chỗ rẽ từ phía Dakao để lên cầu Bông sang tỉnh Gia Định

THẦY BA CẦU BÔNG LÀ AI?
Thời chế độ Việt Nam Cộng Hòa, khu vực Cầu Bông có một ông thầy thuốc nam nổi tiếng về chuyên trị các bệnh nổi ban cho trẻ em, gọi là Thầy Ba Cầu Bông.
Thuở này, trang thiết bị y học còn sơ sài, chưa tiên tiến lắm, người dân có bệnh thường đặt tin tưởng vào những ông thầy thuốc nam, đặc biệt là người nghèo.
Về Thầy Ba Cầu Bông thì có thể nói: tiếng tăm vang lừng. Qua đó ta có thể đinh ninh là Thầy Ba chữa cũng khá tốt trong đa phần các trường hợp.
Trong tác phẩm truyện dài "Món Nợ Thiêng Liêng", ở chương 5 phần 5, có một đoạn trong đó nhà văn tác giả Bình Nguyên Lộc nhắc đến Thầy Ba Cầu Bông, đoạn ấy như sau (có lược bớt):
Từ sáng đến giờ bé Thọ chỉ nóng hầm hầm thôi, nhưng tối lại thì nó khóc tợn quá, khiến ba má, với lại má Hồng hoảng lên vì sờ lên trán nó thì nghe nó nóng như vừa rời khỏi lò lửa.
Đã cho uống tiêu ban tán rồi, nhưng sao không ăn thua gì cả.
Đêm nay Thảo, Cúc và Hồng thức sáng trắng vì chốc chốc bé Thọ giựt mình ré lên khóc và như là sợ hãi cái gì lắm.
Trông bé Thọ dễ sợ lắm. Nó ngó dớn dác rồi đưa hơi lên, rồi úp mặt vào ngực má Cúc, hoặc má Hồng, hoặc ba, ôm người ẵm nó chặt cứng. Rõ ràng là có kẻ khuất mặt nào chụp nó. Cả ba lẫn hai má đều rỡn óc.
Cả nhà cãi nhau coi sáng nên đi đốc tơ hay đi Bà thầy 20. Bà Thầy nầy ở trên một ngõ hẻm đường Phan thanh Giản, và chuyên trị bịnh trẻ con bằng bùa, ngãi. Bả chuyên môn bắt “Ông Sát” và tiếng đồn vang dậy khắp nơi, chỉ thua Thầy Ba Cầu Bông có một bực thôi và chỉ khác là Thầy Ba Cầu Bông đã bị bắt một lần làm chết trẻ con, còn bà thì chưa.
Dầu sao, gia đình ấy cũng gần người có ăn học phần nào, nên rốt cuộc cả ba đều đồng ý đi đốc tơ, đi bà Ngộ, cái bà đã giúp Cúc an lòng được trước viễn ảnh mổ bụng ấy.
Thảo vẫn có mặt như lần trước, vì chàng sợ vợ không hiểu lời giải thích của y sĩ và không nhớ những lởi căn dặn của bà.

HỒN XƯA SÀI GÒN
(bài viết đăng trên 8saigon.xyz biên tập lại)
Tôi lớn lên trên đất Sài gòn ở vùng Kho đạn, đầu đường Richaud (Phan Đình Phùng) gần đài phát thanh Pháp-Á, từ lúc miền nam còn trong thời Pháp thuộc. Cái thời mà chiều chiều thường thấy những lính Pháp viễn chinh và lính Lê Dương đóng trong thành Martin des Palières trên đường Luro (Cường Để) thả bộ đi chơi quanh. Thành này bấy giờ còn gọi là Thành Săng-đá do người bình dân đọc trại từ soldats mà thành.

Sáng sáng tôi vẫn lủng đủng chạy bám theo chân Bà nội đi chợ Đất Hộ Đakao để lượt về đòi bà quẹo vô chùa Ngọc Hoàng để được nhón chân đu lên thành hồ, ngắm nghía bầy rùa được thả nuôi trong cái hồ nước lớn trước chùa. Gọi là chùa vì có thắp nhang đốt vàng mả khói bay nghi ngút thôi. Trong chùa không thờ tượng Phật nào, chỉ có tượng Ngọc Hoàng và hai vị nữa có chòm râu đen dài cả thước.
Ba tôi biết tiếng Pháp, làm thư ký cho hãng buôn Denis Frères nằm ở đầu đường Catinat (Tự Do). Sáng chủ nhật được nghỉ làm, Ba tôi mặc bộ quần áo trắng bỏ áo vô quần và đi giày trắng dẫn thằng con trai nhỏ xíu cũng đóng bộ in hệt, vô sở thú coi cọp, coi khỉ rồi chụp hình cạnh tượng con voi bằng đồng đặt ngoài sân đền Kỷ niệm (Temple de Souvenir) tưởng nhớ những người Việt đi lính cho Pháp chết trong Đệ nhất thế chiến. Đền này sau khi người Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1954 được đổi thành đền thờ Hùng Vương, nhưng trong cũng có thờ Đức Trần Hưng Đạo, Đức Tả quân Lê Văn Duyệt.
Hay khi khác, cha con ngồi trước thềm Bưu điện Sài gòn ngó qua Nhà Thờ Đức Bà coi người ta đi lễ ngày Chúa nhật, hoặc ngắm những chim bồ câu tha thẩn từng bước nhỏ trước sân bưu điện rồi bay vù lên những ô cửa tò vò trên tầng áp mái, hoặc lên tháp chuông nhà thờ khi có người đi ngang qua.
Khi khác nữa, Ba dẫn tôi xuống tuốt bến Bạch Đằng ngắm những con tàu viễn dương đang nằm trong cảng Khánh Hội phía xa xa. Cũng có khi vòng lên đường Charner (Nguyễn Huệ) rồi đi theo đường Bonard (Lê Lợi) ghé chợ Bến Thành coi chơi cho biết.
Kho xăng bên Thị Nghè bị cháy nổ rùm trời làm dân quanh vùng phải tản cư. Nghe nói do do một cậu nhỏ tên Tám nào đó tẩm xăng vào người biến mình thành một cây đuốc sống, rồi chạy từ ngoài cổng qua trạm gác tới tận kho xăng phía trong (vốn chứa trong các bồn hay thùng phuy bằng kim loại cách cổng rất xa), gây ra một vụ cháy khủng khiếp. Cuộc sống yên ổn bị xáo trộn, nhà tôi phải dời qua Bến tắm ngựa đường Yên Đỗ. Ở đây chưa bao lâu lại xảy ra một vụ cháy nhà làm cả khu vực dân cư rộng lớn thành bình địa. Lần nầy gia đình tôi quay về cất nhà ở xóm Chùa Phổ Hiền gần Cầu Bông ĐaKao. Mé bên kia đường là nhà Thầy Ba Cầu Bông chuyên trị các bệnh ban, mài đai cho con nít rất nổi tiếng khắp vùng Sài gòn-Gia Định.
Thuở ấy, con rạch Thị Nghè nước vẫn trong xanh. Buổi chiều tôi hay ra ngồi trên chiếc cầu ao sau nhà, hai chân thọc đánh đu bì bõm trong làn nước mát. Chiều chiều, lác đác những chiếc xe ba bánh chở một thùng to khói bay nghi ngút ghé chợ chồm hổm đầu đường bán đồ “lâm vố” (xà bần) là  những thức ăn thừa của trại lính Săng đá trút chung vô một nồi kho lại) đem bán cho dân lao động.
Buổi sáng, tôi được bà nội cho một tờ giấy bạc một đồng Đông Dương mà tôi có thể xé làm hai để mua một gói xôi đậu đen phết thêm một chút mỡ hành, một chút đậu xanh, vài cọng dừa non nạo rắc lên trên rồi gói trong một miếng bánh phồng phơi sương cho dẻo, hoặc vài củ khoai lang bí ruột vàng ươm ngọt ngất trên đường tới trường.
Chuỗi ngày dằng dặc nhiều năm nhiều tháng sau đó, tôi không còn một cảm nhận gì của riêng mình về sự tàn phai, sự mất mát, sự tan tác những mảnh đời phân ly vì tôi phải vật lộn với cuộc sống quá khó khăn để được tồn tại ngay trong lòng của nó. Đôi lúc lại có cảm tưởng như mình là một kẻ đứng bên lề nơi chốn mà từ đó mình đã lớn lên, trở thành kẻ lạ trên mảnh đất quen. Trong con mắt của tôi, đất Sài gòn đã thay đổi toàn diện từ cấu trúc xã hội đến cái vẻ bên ngoài của nó.
Trước năm 1975 đối với dân tỉnh, Sài gòn là nơi phồn hoa đô hội. Một thủ đô với rất nhiều công thự và quyền lực tập trung ở đó. Một thành phố to lớn với đèn tín hiệu giao thông xanh đỏ ở mỗi ngã tư đường. Một thành phố phù hoa với những nhà hàng, khách sạn, rạp hát, các nơi giải trí đủ món, cửa tiệm sang trọng và hào nhoáng…Và hầu như tất cả tinh hoa của đất nước đều tập trung về đó tạo nên sức sống và sự giàu có cho cả nước.
Còn đối với những cư dân ở vùng ngoại ô, nói đi Sài gòn chơi là thường quy tụ trong một khoảng không gian tự họ mặc nhiên khoanh vùng. Dựa theo ý thích cá nhân, tôi cũng có một.
“Sài gòn đi chơi” cho riêng mình. Chỉ trong một không gian khá nhỏ hẹp bao quanh từ Nhà thờ Đức Bà theo đường Tự Do, chạy thẳng xuống Bến Bạch Đằng rồi ngoặc lên đường Hàm Nghi, tạt trái về hướng đường Trần Hưng Đạo. Theo đường Phạm Ngũ Lão băng lên Chợ Thái Bình, rẽ phải theo đường Võ Tánh, tới Ngã sáu Lê Văn Duyệt đi theo đường Gia Long đụng đường Tự Do là hết.
Hễ nói đi Sài gòn chơi thì thường tụ về khu vực đó. Nổi bật là Nhà thờ Đức Bà, bến Bạch Đằng, chợ Bến Thành, rạp xi-nê Rex, đại lộ Lê Lợi, đại lộ Nguyễn Huệ…đường Tự Do có La Pagode, Givral, Brodard, nhà sách Xuân Thu, đường Công Lý có hẻm Casino, kem Bạch Đằng. Đường Pasteur có nước mía Viễn Đông, đại lộ Lê Lợi có nhà sách Khai Trí và cafeteria Rex và khu vực chợ trời sách lề đường, là khu vực mỗi khi chiều xuống là nơi lượn lờ của nam thanh nữ tú, kéo dài theo đại lộ Nguyễn Huệ xuống bến Bạch Đằng.


PHỤ LỤC NHỮNG CÂY CẦU SÀI GÒN KHÁC
CẦU THỊ NGHÈ
Nhắc đến tên chợ của mấy bà, ta có thể kể: Chợ Bà Chiểu, Bà Quẹo, Bà Hom, Bà Hạt, Bà Điểm, Chợ Da Bà Bầu. Đây là những ngôi chợ dính dáng các bà ngày xưa tại thành phố Sài Gòn từ khi thành lập cho đến thập niên 60 và sau thời gian này phát sinh vài ba ngôi chợ mang tên của các bà nữa. Riêng quận Bình Thạnh,
Trước 75, tỉnh Gia Định, ngoài chợ Bà Chiểu có thêm chợ Bà Nghè (người dân thường gọi Thị Nghè). Bà Nghè này đã hô hào dân chúng quyên góp tiền làm cây cầu gỗ cho thuận tiện qua lại với Sài Gòn. Chợ có mặt tiền hướng ra con rạch cùng tên.
Hồi trai trẻ ngày ngày tôi vẫn vào Câu lạc bộ bơi lội Yết Kiêu bơi lội, sau đó cùng thằng bạn về nhà của nó gần chợ Thị Nghè. Cha mẹ thằng bạn đều làm nghề giáo. Ông già thỉnh thoảng viết những bài biên khảo cho tạp chí Quê Hương của trường Ðại học Luật khoa.
Ông già kể chuyện: “Hồi thời Pháp, Sài Gòn chỉ có mỗi Câu lạc bộ Cercle Sportif Saigonnais sát bên Vườn Ông Thượng (Tao Ðàn) dành cho công chức người Pháp. Mãi đến thời VNCH mới có hồ bơi An Ðông ở Chợ Lớn và Yết Kiêu cạnh Sở Thú giáp ranh Quận 1 và Quận Bình Thạnh. Lúc còn thiếu niên, bác mê bơi lội nên mỗi chiều đợi nước lớn rủ đám bạn trong xóm ra cầu dẫn vào Vườn Bách Thảo (sau 1956 gọi là Sở Thú) nhảy xuống tắm sông. Cầu đó sau này chính quyền Ðô thành cho làm lưới sắt ngăn lại ở giữa không cho người sống bên Thị Nghè qua lại Sài Gòn như ngày trước”
Theo sách sử biên khảo của Trịnh Hoài Ðức, bà Nghè tên đầy đủ là Nguyễn Thị Khánh, trưởng nữ của quan Khâm sai Chánh thống Vân Trương Hầu Nguyễn Cửu Vân. Cây cầu gỗ do bà quyên góp xây dựng hình thành khoảng năm 1837, sau đó mảnh đất bên cầu tự nhiên tập trung người dân buôn bán hình thành ra cái chợ. Ghi nhớ công lao bà, người dân địa phương gọi tên cầu là Cầu Bà Nghè, gọi con rạch Bình Trị là rạch Bà Nghè và ngôi chợ dù không do bà lập nhưng vẫn được mang tên Chợ Bà Nghè.
Rạch Thị Nghè sau này được mở rộng ăn thông với kênh Nhiêu Lộc. Từ đầu thập niên 1950, dân chúng khắp nơi kéo về Sài Gòn sinh sống. Họ cất nhà san sát dọc theo bờ kênh, lấn chiếm ra tận giữa dòng, xả thải trực tiếp xuống dòng kênh gây nên tình trạng ô nhiễm dòng nước.
Chợ Thị Nghè được xây cùng thời gian với Chợ Gò Vấp, Chợ Hóc Môn vào khoảng cuối thập niên 1920. Hình thức là một nhà lồng dài, kiểu thuần Việt, bốn phía đều trống không dựng sạp. Về sau từ thời VNCH, chợ bắt đầu che chắn các sạp mặt tiền chung quanh. Bãi xe chở hàng bên hông chợ cũng được di dời. Khu bán trái cây, rau cải mở rộng dọc theo bến sông do dân chúng kéo về định cư ngày càng đông làm tăng nhu cầu buôn bán ở chợ. Ghe thuyền khắp nơi tụ tập trên bến sông tạo nên một hình ảnh trên bến dưới thuyền của một vùng đất Bình Thạnh sầm uất.
Xem cảnh cầu Thị Nghè khoảng thập niên 1990 (chưa xây mới) 
Bài hát: Những con đường thành phố tôi yêu (Tuấn Ngọc và Quang Tuấn trình bày)





4 CÂY CẦU CHÍNH BẮC NGANG SÔNG SÀI GÒN TRƯỚC 1975
Bạn có thể thấy vị trí 4 cây cầu chính này trong bức ảnh bên dưới:

1. Cầu Bình Lợi
Bắc ngang sông Saigòn đầu tiên là cầu Bình Lợi xây năm 1902 cầu sắt , sàn cầu bằng gổ cứng, có cả đường rấy xe lửa, đây là cây cầu quan trọng nhất đi Biên Hoà và các tỉnh Miền Đông. Nhịp giữa quay được cho tàu qua, xây dựng bởi công ty Pháp Lavelois Perret (tên của công ty Eiffel do Gustav Eiffel, người kỹ sư xây tháp Eiffel sáng lập).
Cầu chỉ đi được một chiều, bên được lưu thông thì bên kia phải đợi, khi có xe lửa chạy thì hai bên dừng lại cho tới khi xe lửa rời cầu.
Sàn xe lửa xây dựng bằng những tấm phản gổ to, xe chạy mãi mòn gổ có đoạn bóng loáng khi chạy xe phải cẩn thận vì trơn trợt, nhìn qua khe gổ trên sàn cầu thấy nưóc sông Bình Lợi cuồng cuộn chảy. Có lẽ một phần vì có nhiều người đến đây nhảy cầu tự tử, người địa phương có câu “muốn chết nhảy xuống sông cầu Bình Lơi”. 
2. Cầu Bình Triệu:
Ngày xưa từ Sài Gòn lên Thủ Đức đi ngả Cầu Bông, xuống đường Nguyễn văn Học (Nơ Trang Long) qua Ngả Tư Bình Hòa, Ngả Năm Bình Hoà, qua cầu Băng Ky, cầu Bình Lợi , Cầu Gò Dưa và Cầu Ngang để vào Thủ Đức.
Đến đầu thập niên 70 có thể đi Thủ Đức qua cầu Bình Triệu đi theo đường Phan Thanh Giản hay Hồng Thập Tự qua Ngả tư Hàng Xanh, theo Quốc lộ 13, qua cầu Bình Triệu, đến ngả tư Bình Triệu thì rẽ phải để đi về hướng cầu Gò Dưa vô chợ Thủ Đức.
3. Cầu Kinh:
Kinh đào Thanh Đa (còn gọi là kinh Bình Quới) xẻ ngang vùng Bình Qưới, rút ngắn thời gian lưu thông thương thuyền từ thượng lưu đến rạch Bến Nghé, căt ngắn 12 km đường sông
Kinh Thanh Đa (Canal de Thanh Đa) đào trong hai năm 1897 và 1898 dài 1km, rộng 40m và sâu 6m (Monographie de la province de Gia- Định 1902).
Nối trực tiếp qua bán đảo Bình Qưới. Vùng Thanh Đa xưa kia là đồng ruộng bao la, chỉ có một vài cơ xưỡng kỹ nghệ nhỏ dựa vào đường sông để vận chuyển. Vùng này thường ngập úng vào mùa mưa khi nước thủy triều sông Sàigòn dâng lên.
4. Cầu Sài Gòn:
Cầu có 13 nhịp xây bằng bê tông cốt sắt, riêng ba nhịp sàn giữa thì bằng “đan” sắt có thể di chuyển được. Cầu có 8 lằn xe, chia đều hai hướng đi về.
Từ đường Phan Thanh Giản hướng Sài Gòn, khách qua cầu này sẽ ra Xa Lộ Biên Hòa hiện đại nhất Đông Nam Á thời bấy giờ.



Xem baiDa hetbinh luan