Trịnh Công Sơn có một
tình cảm đặc biệt với ca sĩ Thanh Thúy những ngày đầu chân ướt chân ráo vào
Saigon, tấp tễnh viết nhạc. Hồi ấy ông ở chung ngõ với một cô ca sĩ mới 16 tuổi,
mẹ bị bệnh, cha mất sớm. Đêm đêm ông thường trông thấy cô gái gầy guộc đi ngang
cửa nhà mình để đến các phòng trà hát, hoặc khi khuya khoắt từ phòng trà về.
Cãm kích người con gái hiếu thảo, thương mẹ, Trịnh Công Sơn dâng trong lòng một
cảm xúc tràn trề “Thương ai về ngõ tối, sương rơi ướt đôi môi, thương ai buồn
kiếp người...”
THƯƠNG MỘT NGƯỜI (Thanh
Thúy)
Người con gái ấy có tiếng
ca như đong đầy nước mắt, có lẽ do ảnh hưởng bởi cuộc sống nặng trĩu nhiều buồn
lo, vừa phải lo cho mẹ già bệnh hoạn, vừa phải gánh nặng một bầy em, đơn thân độc
mã chống chọi với cuộc đời để giữ vững gia đình lúc tuổi đời còn quá trẻ. Tính
tình lại hiền lành, yếu đuối, hay đa cảm nữa, chứ không phải dạng cứng rắn, nên
sự chịu đựng của nàng thật đáng khâm phục đối với Trịnh Công Sơn. Nhắc đến tính
tình nàng, Trịnh Công Sơn viết: “Người em thương mưa ngâu, hay khóc sầu nhân thế...”
cũng là nói đến tố chất sũng buồn trong giọng hát này.
ƯỚT MI (Thanh Thúy)
CHỊ EM BÍCH DIỄM-DAO ÁNH
Trong một hồi ức Trịnh
Công Sơn nhắc đến “một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng long não
lá li ti xanh mướt để đến trường Đại học Văn khoa ở Huế... Trịnh Công Sơn nhớ về
Huế với “mỗi sáng tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, tiếng chuông Linh Mụ vang xa
trong không gian, chuyến đi trên dòng sông để đến với từng căn nhà khép hờ hay
đang đóng kín cửa. Thời gian trôi đi ở nơi đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người
không còn cảm giác về thời gian (...) Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó,
thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi
qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà
đôi lúc dường như đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những
bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoan lạc của
giấc mơ. Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những
hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò
hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy
hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực
và sẽ biến mất đi. Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một
nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng
đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa”.
DIỄM XƯA (Khánh Ly)
TÌNH NHỚ (Lệ Thu)
CHIỀU MỘT MÌNH QUA PHỐ (Ngọc Lan)
Câu cuối của hồi ức đúng
là viết về Diễm. Nhưng từ câu đầu đến câu cuối ấy đều có thể ứng với trường hợp
của Dao Ánh - em gái ruột của Diễm. Nghĩa là “người con gái ấy” trước kia là Diễm
- nay đã hóa thân tại Dao Ánh.
Nhà Dao Ánh (cách nhà Trịnh
Công Sơn qua cây cầu Phú Cam) có trồng nhiều hoa dạ lan. Loài hoa này không chỉ
thơm ngát trong vườn nhà Dao Ánh mà còn lừng hương trong nhạc Trịnh và trong
nhiều bức thư tình Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh:
“Dạ lan giờ này chắc đã
ngạt ngào cả một vùng tối đó rồi, đã cài lên từng sợi tóc của Ánh” (thư Blao,
31.12.1964)
“Anh ao ước bây giờ mở cửa
ra bỗng dưng có chiếc cầu bắc qua dòng sông và anh bước qua cầu rồi rẽ về phía
tay phải đi đến căn nhà có mùi thơm dạ lan và đứng đó gọi tên Ánh thật thầm để
chỉ vừa đủ Ánh nghe” (thư Blao, 26.9.1965).
“Mưa đã trở về cùng với
đêm. Như một ngày nào Ánh rời xa anh để trở về với nếp sống bình thường, ở đó
Ánh đi trên lối đi quen thuộc của những người đã đi trước mà không cần phải
nhìn những bảng số hai bên đường. Sẽ bình thường và thản nhiên quên đã một lần
dẫm chân qua một vực - thẳm địa đàng mà anh đã linh cảm trước từ lâu, như “địa
đàng còn in dấu chân bước quên” của một thời anh đã âm thầm nghĩ rằng biết đâu
Ánh không lớn lên từ một loài dạ lan nào đó” (thư Blao, 27.10.1964),
“Bây giờ là tiếng nói đêm
của anh với Ánh. Với Ánh dạ lan…” (thư Blao, 22.11.1964).
Bên cạnh hình ảnh “dạ
lan” cũng trong ca khúc “Dấu chân địa đàng”, là hình ảnh “loài sâu” được nhắc
đi nhắc lại với nhiều trạng thái như
- ngủ: “Mùa xanh lá loài
sâu ngủ quên trong tóc chiều”;
- ca hát: “Vùng u tối
loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng”,
- giải thoát ưu phiền: “Rồi
từ đó loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền”. Loài sâu này chính là một phiên bản
khác của phận người, ôm chứa những buồn vui của nhân sinh, điều này càng được
thấy rõ hơn trong những bức thư của Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh: “Ngôn ngữ đã mất
đi với những ngày nằm co như một loài - sâu - chiếu ở Blao” (thư Đà Lạt,
19.9.1964), “Đêm sáng mờ bên ngoài. Sâu đất reo rất trong ở bãi cỏ” (thư Blao,
23.10.1964), “Đêm đã lạnh và đã buồn. Cây cỏ lao xao. Anh chỉ còn nghe rõ tiếng
sâu đất và tiếng dế reo…” (thư Blao, 29.12.1964), “Đêm rất dày đen. Sâu đất của
núi rừng cũng đã reo lên âm thanh rất nhọn” (thư Blao, 23.9.1965).
TIẾNG HÁT DẠ LAN (Khánh
Ly)
BIỂN NHỚ (Thanh Lan)
Dao Ánh là nguyên nhân của niềm đau, nhưng cũng vừa là nàng tiên với “5 ngón tay em thiên thần” luôn tìm đến dỗ dành và xoa dịu nỗi cô đơn khủng khiếp của Trịnh Công Sơn những khi ông lẻ loi trên căn gác của cuộc đời...
LỜI BUỒN THÁNH (Lệ Thu)
TUỔI ĐÁ BUỒN (Lệ Thu)
Bản nhạc hay nhất của Trịnh
Công Sơn tất nhiên là bài HẠ TRẮNG. “Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo
bay...” Những ca từ rất đẹp dành cho một mối tình vô cùng tận hiến nhưng cũng
không bao giờ tới đích. “Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”...
Xem thêm về bài HẠ TRẮNG: "Đời xin có nhau dài mãi sau”...
Social Plugin