2/14/20

Hoàn cảnh sáng tác một số bài nhạc

 on  
In  
MỖI MÙA TIỄN ĐƯA 1 NGƯỜI...
Vì sao như thế? Đó là nỗi niềm của 1 người con trai sinh viên nơi xóm trọ. Anh có để ý 1 cô nàng cũng ở trọ trên gác 1 căn nhà phía đối diện, nỗi niềm chưa tỏ thì cô nàng đã lên xe hoa. Tiếp sau người thương này, lại đến 1 cô khác đến trọ, và nỗi niềm chưa tỏ thì cô gái cũng đã có người rước về nơi định cư ổn định hơn... Đến khi sắp ra trường, anh đếm mùa thương nhớ thì cũng đã 7 mùa, 7 nàng đã ra đi (vì anh học bác sĩ)... 
Biết được chuyện như vậy, nhạc sĩ Mạnh Phát rung động lạ và nguồn cảm hứng tràn ùa và lòng, ông cầm lấy bút và ngay tức thì ghi tả lại khung cảnh hắt hiu về đêm của xóm trọ nơi mà chàng trai si tình cứ mỗi mùa lại ôm một nỗi buồn...
Trong bài có 1 câu hát rất nặng tình: Sông sâu cố nhân ơi đi về đâu? Gửi hồn chìm vào đôi mắt. Ái ân chưa tròn để ngàn đời nhớ nhau.

'Nỗi Buồn Gác Trọ' tiếng hát Phương Dung

ĐÊM BUỒN TỈNH LẺ (Bằng Giang – Tú Nhi)
Ngày mới tập tễnh sáng tác, Chế Linh được Bằng Giang hướng dẫn. Ban đầu Bằng Giang làm nhạc, Chế Linh chỉ đặt lời sao cho khớp giai điệu, và nhất là sao cho… hợp với giọng mình nhất. Kết quả phản hồi từ công chúng sau khi nhạc phẩm được trình bày cho thấy sự kết hợp Bằng Giang – Tú Nhi (bút hiệu sáng tác của Chế Linh) đạt hiệu suất thành công ngoài mong đợi.
Về hoàn cảnh sáng tác bài “Đêm buồn tỉnh lẻ”, đó là nhân sau chuyến đi thăm một người bạn đóng quân ở Long Khánh, người này về không về được nên gửi lời thăm người yêu ở Sài Gòn, nhờ Chế Linh chuyển lại. Trên chuyến xe đò trở lại Sài Gòn, Chế Linh lấy bản thảo Bằng Giang vừa mới chuyển cho ông đặt lời giùm. Tâm trí ca sĩ “lính chê” bấy giờ vẫn đang tràn đầy bao nỗi vấn vương, cảm thông hoàn cảnh người bạn vào quân ngũ rất nhung nhớ người thương nơi phố thị trong những khi mưa buồn trên đồn vắng tỉnh lẻ. Lời nhạc cứ thế tuôn ra, cho đến khi Chế Linh về đến Sài Gòn thì cũng vừa hoàn thành.
Ngoài Đêm Buồn Tỉnh Lẻ, những ca khúc viết chung khác nữa của bộ đôi Bằng Giang – Tú Nhi là  Bài Ca Kỷ Niệm, Đoạn Tái Bút…
'Đêm Buồn Tỉnh Lẻ' tiếng hát Chế Linh


Nhạc sĩ Anh Bằng có ba bài hát nói về vùng ngoại ô rất được khán giả yêu thích, đó là các bài Căn Nhà Ngoại Ô, Ngoại Ô Buồn và Cô Hàng Xóm. Lúc sáng tác bài này (1966), ông đã 40 tuổi, nên chắc chắn không phải là tâm sự của ông hay của người bạn nào trong quân ngũ như trường hợp Chế Linh với Đêm Buồn Tỉnh Lẻ. Tuy nhiên, giống như bao người dưới thời lửa binh Nam Việt Nam khi ấy, ông đã chứng kiến bao sự chia tay đầy luyến tiếc vì chiến cuộc ở quanh mình: chàng trai phải lên đường nhập ngũ tòng chinh, để lại người con gái thương yêu nơi phố phường hoa lệ. Tuy nhiên, khác với các câu chuyện thường thấy về một người con gái hậu phương thương nhớ chờ chồng (hoặc người yêu) nơi tiền phương, chuyện tình trong Căn Nhà Ngoại Ô là câu chuyện của hai người cùng ở trên chiến trường. Người con gái trong Căn Nhà Ngoại Ô  không phải là người em gái hậu phương hiền dịu bẽn lẽn mà trực tiếp tham gia vào chiến trường làm nữ cứu thương.

Bài hát có cái kết lửng nhưng rất hay, là câu nói quen thuộc trái đất tròn, như thắp lên một tia hy vọng cho người lính (cũng như cho người nghe nhạc) tin vào cái kết thúc đẹp của hai người.

HÀN MẠC TỬ (Trần Thiện Thanh)
Phan Thiết là nơi chôn nhau cắt rún của ca-nhạc sĩ Nhật Trường, tất nhiên ông không thể bỏ qua câu chuyện tình nổi tiếng đã xảy ra trên chính quê hương miền biển của ông, câu chuyện của người thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh khiến nhiều người thời bấy giờ vô cùng ngậm ngùi thương cảm.
Bà Mộng Cầm
(ảnh chụp năm 1990)
Khi ấp ủ dự định sáng tác, Nhật Trường không hài lòng với việc chỉ dựa theo những gì được kể hay đọc trên báo chí, sách vở. Để cảm nhận từng rung động của thi nhân bạc mệnh trong những lần hẹn hò cùng người mộng lên đồi Bà Nà ngắm trăng. Tại đó có Lầu Ông Hoàng sừng sững giữa một vùng xào xạc cây lá, ánh trăng như một dòng sữa bạc đổ xuống cảnh vật, xa xa phía dưới biển Phan Thiết lấp lánh bạc như sông Ngân, khung cảnh bấy giờ thật là ảo huyền. Những trải nghiệm này Trần Thiện Thanh đã dàn trải qua suốt hai khổ nhạc đầu của bài hát:
Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa 
Lầu ông Hoàng đó thuở nao chân Hàn Mặc Tử đã qua 
Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng 
Tiếng chim kêu đau thương, như nức nở dưới trời sương 
Lá rơi rơi đâu đây sao cứ ngỡ bước chân người tìm về giữa đêm buồn 
Đường lên dốc đá nhớ xưa hai người đã một lần đến 
Tình yêu vừa chớm xót xa cho chàng cuộc sống phế nhân…

'Hàn Mạc Tử' qua tiếng hát Giang Tử


BIẾT ĐẾN BAO GIỜ
Như tựa bài hát, "Biết đến bao giờ" là 1 câu hỏi như than thở nhạc sĩ Lam Phương dành cho nữ ca sĩ Minh Hiếu, người mà một thời gian ông đeo đẵng nhưng tình cảm thì vẫn lửng lơ con cá vàng với ông, tới thì ông không thấy dấu hiệu gợi mở nào, mà lui thì không nở đành vì hy vọng thấy vẫn còn tràn trề... thành ra nhiều khi ông "muốn biết bao giờ mới có tình yêu". Bài hát vừa ra đời thì ngay lập tức Minh Hiếu chộp lấy và thu dĩa liền, và cho đến nay vẫn được biết là người trình bày hay nhất bài hát này... Ở lứa ca sĩ đàn em thì Phượng Mai cũng diễn đạt tình cảm trong bài hát này rất đạt, mời bạn nghe Phượng Mai.


NHỮNG ĐÓM MẮT HỎA CHÂU
Nhạc sĩ Hàn Châu tên thật là Lê Đình Nam, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1947 tại Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định trong gia đình gồm 5 anh chị em, chị cả là vợ nhạc sĩ Thanh Sơn. Năm 14 tuổi, ông vào Sài Gòn ở chung với gia đình chị cả, tự học nhạc và 4 năm sau, ông đã có sáng tác đầu tay là Ngõ hồn qua đêm, viết chung với Hoàng Trang. Vào một buổi tối năm 1968, khi nằm nghe đài phát thanh Saigon công bố giải thưởng thi thơ, giải nhất về tay bài thơ mang tên Những Đóm Mắt Hỏa Châu của thi sĩ Tường Linh. Thế là nhạc sĩ Hàn Châu mượn ngay tựa đề bài thơ hình thành ý tưởng và viết bài hát cùng tên mà sau đó trở thành bất hủ, dù nhạc sĩ chỉ nghe tựa đề chứ chưa hề đọc nội dung bài thơ như thế nào.
'Những Đóm Mắt Hỏa Châu' qua tiếng hát Hoàng Oanh

NGÕ HỒN QUA ĐÊM
Ngỏ Hồn Qua Đêm được nhạc sĩ Hoàng Trang sáng tác năm 1966, với nội dung là lời tự sự chân tình tha thiết nhất của người lính xa nhà, trong những đêm nơi địa đầu chờ giặc nhìn lên bầu trời rực sáng ánh hỏa châu của một trận địa xa xa. Lúc này dòng tâm tư của người lính cũng tuôn chảy tràn trề. Anh nhìn “những đóm mắt hỏa châu” như quên hẵn nét tượng trưng thật sự của nó là cuộc chiến khốc liệt, tâm trí lại dệt lên một sự đặc trưng khác của những ánh châu hồng. Anh nhìn chúng như là những đèn hoa đăng ngày cưới đang treo lung linh.
Viết xong bài hát, Hoàng Trang ký bút danh là Triết Giang và Hàn Châu. Lâu nay người ta vẫn tưởng bài hát là sáng tác chung của hai người, nhưng gia đình nhạc sĩ Hoàng Trang cho biết bài hát chỉ do 1 mình Hoàng Trang viết mà thôi. Sở dĩ Hoàng Trang ký tác giả kèm cả Hàn Châu vào là vì ông muốn giúp đỡ người bạn chưa có tên tuổi là Lê Đình Nam (tức Hàn Châu, mà bút danh cũng do ông đặt cho).
Còn nhạc sĩ Hàn Châu kể: khi viết xong bài hát, Hoàng Trang đưa cho Lê Đình Nam (tức Hàn Châu) xem. Lê Đình Nam hỏi: “Ủa bút danh Hàn Châu này là ai đây?”, thì Hoàng Trang đáp: “Là ông đó chứ còn ai. Ông thấy bút danh tôi đặt cho ông được không?”
Và từ đó xuất hiện tên Hàn Châu trên rất nhiều tờ nhạc nổi tiếng được ra mắt quần chúng yêu nhạc sau đó như Những Đóm Mắt Hỏa Châu, Lời Trần Tình, Thành Phố Sau Lưng…
'Ngỏ Hồn Qua Đêm' qua tiếng hát Thanh Thúy


NỬA ĐÊM NGOÀI PHỐ
Những sáng tác ở giai đoạn đầu của Trúc Phương tràn đầy tiết tấu lạc quan, gắn bó với một hình ảnh làng quê miền nam hiền hòa, con người ở đó sống rất mộc mạc, tình cảm, luôn yêu đời trong cảnh nghèo, như "Chiều làng quê", "Tình thương mái lá" (1957), "Chiều làng em" (1958) và "Đò chiều" (1959).
Thế rồi đột nhiên ngoặt một cái, giọng nhạc của ông chất chứa những bi phẫn chát chúa nhất trong lối nhìn cuộc đời. Nguyên nhân cú chuyển biến đột ngột này là sự kiện Trúc Phương rời quê hương Vĩnh Bình (Trà Vinh) lên Sài Gòn theo nghiệp đàn ca. Những ngày đầu đặt chân lên đất Sài Gòn, không tiền bạc, không người thân quen, Trúc Phương nhận dạy nhạc cho cô con gái một gia đình giàu có để trang trải cuộc sống. Thương hoàn cảnh của ông, gia đình ấy đã cho ông trọ lại tại nhà. Từ cảm thông, ngưỡng mộ tài năng, cô con gái chủ nhà dần dà rung động trước chàng nhạc sĩ nghèo, quyết trao trái tim cho chàng. Phát hiện sự việc, ba mẹ của cô gái đã xua đuổi ông khỏi nhà. Thế là đến những ngày gió mưa sầu khổ, những đêm chán chường lang thang ngoài phố,giận mình giận đời, bài hát "Nửa đêm ngoài phố" đã ra đời, và từ đấy định hình phong cách sáng tác của Trúc Phương cho đến cuối cuộc đời.
"Nửa đêm ngoài phố" khi vừa ra đời đã gây nên một cơn sốt tìm nghe và thưởng thức. Bài hát lại được chuyển tải bằng chất giọng ma thuật, buồn ủ rũ của Thanh Thúy, đưa tên tuổi cô vang xa khắp chốn. Giọng hát càng bay xa, tên tuổi Trúc Phương càng vang dậy khắp nơi. Bất cứ buổi trình diễn nào, Thanh Thúy cũng được yêu cầu trình bày "Nửa đêm ngoài phố", từ các sân khấu phòng trà, khiêu vũ trường cho đến Đại Nhạc Hội, từ các thôn làng nhỏ bé cho đến các tiền đồn hẻo lánh xa xôi…


MƯA ĐÊM TỈNH NHỎ
“Mưa đêm tỉnh nhỏ” là một tự sự của nhạc sĩ Hà Phương. Tỉnh nhỏ ở đây là thị trấn Chợ Gạo, nay thuộc tỉnh Tiền Giang, gần nơi ông sinh ra (1938 - xã Đăng Hưng Phước).
Ở Hà Phương, điều đặc biệt là có rất nhiều cơn mưa và các loài hoa dân dã đã đi vào nhạc của ông, như trong các bản Mùa mưa đi qua, Mưa qua phố vắng, Tình trong mưa, Mưa trên cuộc tình, Chiều mưa qua sông… về bông thì: Bông lục bình, Bông điên điển, Dưới giàn hoa giấy, Hai sắc hoa tigôn, Bông mua tím… 
Bài hát này Hà Phương viết về một tình yêu đầu đời. Ông tâm sự: “Tình yêu đầu đời là những kỷ niệm sâu sắc. Đó là những đêm trên sân khấu tôi đệm đàn cho nàng hát tình khúc do tôi sáng tác. Sau đó, hai đứa dìu nhau dưới những đêm mưa buồn nơi tỉnh lẻ, ánh đèn mờ ảo, phố vắng thưa người… Ôi nhớ sao là nhớ! Ấn tượng về tình yêu dang dở dưới cơn mưa cứ tái hiện trong tiềm thức mỗi khi tôi cầm bút và ôm đàn sáng tác"…
'Đêm Mưa Tỉnh Nhỏ' qua tiếng hát Hồng Trúc


RỪNG LÁ THẤP
Trong lời bài hát có thể đoán được cánh rừng có những tán lá thâm thấp này không xa Sài Gòn lắm, vì tác giả viết rõ ràng “Thành phố sau lưng ôm mộng ước gì”. Thành phố chỉ đâu đó ngay sau lưng mà thôi. Vậy thì cánh rừng này là ở đâu?
Trong tờ nhạc bài này khi phát hành năm 1968, Trần Thiện Thanh đã ghi rõ: Tặng anh hùng mũ xanh chiến trường Bình Lợi, Cố Đại Úy Vũ Mạnh Hùng Tiểu Đoàn 3 – Thủy Quân Lục Chiến. Người bạn này của nhạc sĩ đã tử trận năm Mậu Thân 1968 khi Bảo vệ Cầu Bình Lợi, lcửa ngõ vô Sài Gòn, vì vậy trong mở đầu bài hát có câu “thành phố sau lưng ôm mộng ước gì”.
Ngoài đầu đề ra, tác giả còn ghi mấy dòng gửi người bạn quá cố của mình như sau:
Hùng, 
Xưa, 1 lần hành quân về ghé thăm tao, mày đã tỏ ý khó chịu về những nàng ca sĩ cứ bô bô hát những bài ca đòi… “yêu”, đòi “chung tình” với “Lính”. Tao đã không đáp, bởi… thật khó cho tao khi phải nói về những người bạn đồng nghiệp.
Trong tình bằng hữu mười mấy năm còn thật đậm, tao ghi lại ở đây 1 ý kiến của mày, tiếc là mày không thèm nghe tao hát nữa. HÙNG ơi!


GIỌNG CA DĨ VÃNG
Thời đó (1965), Nguyễn Trung Khuyến vừa đi biểu diễn ảo thuật kiếm sống vừa học lóm nhạc với nhạc sĩ Nguyễn Đức, thường gặp nhau những lúc đi show. Vì Khuyến đàn cũng giỏi, mỗi khi Ban Việt Nhi (lò đào tạo ca sĩ do Nguyễn Đức mở tại nhà) thiếu nhạc công thì gọi Nguyễn Khuyến đến. Ban Việt Nhi gồm toàn những cô gái tuổi dậy thì (khoảng 14, 15 tuổi. Có một cặp mắt trong ban Việt Nhi đã hút hồn Khuyến “ảo thuật”. Nàng có nghệ danh Phương Hoài Tâm, nhỏ hơn Khuyến 5 tuổi, có dáng người thanh mảnh và cặp mắt to đen láy, long lanh. Hai người ngày càng thân thiết, sau đó Khuyến biết nhà Tâm ở đường Tôn Đản (quận 4), gần nhà mình. Vậy là ngoài những buổi tập hát ở nhà thầy Nguyễn Đức, đôi bạn còn có dịp cận kề ở nhà của Tâm để “Mỗi lần em buông tiếng hát, thì anh tay phím nắn nót cung đàn”.
Một hôm Tâm bảo Khuyến: “Có khi nào anh hình dung rằng có một người con gái ngồi bên song cửa mơ màng và chợt nhớ đến anh”. Câu nói ấy cứ vang vọng trong trí nhạc sĩ, thúc đẫy ông ôm đàn viết nhạc, ra mắt ca khúc đầu tay là ‘Ước Vọng Tương Phùng’ ký bằng tên thật, sau đó bài hát được giải thưởng đài phát thanh Sài Gòn. Lại một hôm, Tâm hỏi Khuyến: “Anh đã nghĩ đến chuyện lập gia đình chưa?” (bấy giờ Khuyến 21 và Tâm 16). Khuyến trả lời chưa nghĩ đến, vì chưa có công danh sự nghiệp gì. Tâm chợt nói nhỏ, “Ba mẹ đã hứa hôn cho em với một người”... Khuyến biết trong lời nàng còn gởi gấm điều gì đó nhưng ông chẳng biết làm sao hơn ngoài cảm giác hụt hẫng, buồn đến nao lòng …
Rồi cũng đến lúc Tâm tách khỏi ban Việt Nhi để hát đơn ca, Bảo Thu viết ca khúc “Tôi Yêu Tiếng Hát Học Trò” để bày tỏ nỗi lòng. Tâm thừa biết tình cảm Bảo Thu dành cho mình. Tuy nhiên, vì con nhà gia giáo, Tâm vẫn giữ một khoảng cách chừng mực khi tiếp xúc với Bảo Thu. Khoảng 3 năm sau, bạn bè trong giới văn nghệ kháo nhau “Tâm sắp lấy chồng”. Để tránh cho nàng khó xử, Bảo Thu không đến tập hát cho nàng nữa. Trong những cơn buồn thấm thía, ông viết Giọng Ca Dĩ Vãng: “Nhưng em nuôi mộng ước về tương lai, hoa mai giăng ngập nẻo đường em đi ..”.
Nhạc sĩ Bảo Thu nhớ lại: “Sau năm 1975, tôi chưa một lần gặp lại Tâm. Tháng 7.2011, Trung tâm Thúy Nga có đến phỏng vấn tôi tại nhà, họ cho tôi biết chồng của Tâm đã qua đời. Tôi thấy hụt hẫng .. Không hiểu sao, mỗi khi hát ‘Giọng Ca Dĩ Vãng’, đến câu cuối ‘Cung lỡ dây chùng, mấy ai đàn đừng sai’, tôi lại thấy có một cái gì đó xót xa cho những cặp tình nhân đã từng một thời quấn quýt nay phải rời xa ..”
SẦU ĐƠN LỐI hay MUÔN LỐI?
Qua câu chuyện trên, ta đã biết câu chuyện kể trong bài hát là một chuyện tan vỡ trái tim có thật, rằng nhạc sĩ thường đến nhà tập luyện nắn nót, sửa chữa từng chỗ sai để nàng trình bày sao cho hay. Giọng ca cũng đã ước hứa ngầm một ngày nào sẽ "hòa chung lối" cùng nhạc sĩ… Bỗng một ngày nàng “chối tiếng giao hòa” và đi về nẻo “hoa mai giăng ngập lối đường” - lấy chồng mang cấp tá trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa (quân hàm là bông mai)… Vậy, ta có thể nói hát SẦU ĐƠN LỐI sẽ nghe hay vì lối đi chung của hai người giờ đây chỉ nhạc sĩ đi một mình…đơn lối!


PHÚT CUỐI
Dù tựa đề nghe long trọng như vậy, thật ra chỉ là phút họp mặt chia tay giữa những ca sĩ trong Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương với các binh sĩ trú đóng tại Côn Đảo sau các buổi diễn phục vụ tại đây. Khi đó Lam Phương phải ở nán lại Côn Đảo thu xếp vài việc rồi mới về sau. Hạnh Dung là một ca sĩ không nổi tiếng lắm bởi cô là nhân viên dân chính do Biệt Đoàn tuyển dụng và chỉ hát cho lính nghe. Tuy vậy, hình ảnh cô đã tạo nguồn cảm hứng cho 1 số tác phẩm đặc sắc nhất của Lam Phương.
Trong bài hát có một câu Lam Phương để bộc lộ sự bế tắc trong mối tình ngoài luồng này với Hạnh Dung, là câu “Biết em sẽ buồn vì tình ta không đỗ bến, biết em sẽ buồn vì mình chẳng có ngày mai”. Khi đó Hạnh Dung vì thấy rõ cuộc tình vô vọng, cũng đã manh nha y định dứt khoát với nhạc sĩ, nên ông viết thêm “Nếu ngày nào tình ta đã phai. Ngày vui của em cùng ai trên đời. Là hôm tiễn anh về nơi cuối trời…”
'Phút Cuối' Chế Linh và Thanh Tuyền hát 


GIỌT LÊ SẦU
Hạnh Dung, dù kém tiếng tăm nhất trong số những người tình ca sĩ của Lam Phương, nhưng có thể đã là cuộc tình mặn mà êm đềm nhất trong cuộc  đời Lam Phương… và vào cái ngày Hạnh Dung dứt khoát “trốn phong ba” cuộc tình, Lam Phương đã diễn tả nỗi đau tột cùng ông cảm nhận trong bài hát đẫm nước mắt này.


Tuy nhiên không chỉ là đau khổ, hai người đã có với nhau những ngày tháng mặn nồng tuyệt vời trong bối cảnh Đà Lạt, Thành Phố Buồn, bài hát có thể gọi là hay nhất của Lam Phương. Xem thêm tại Thành phố nào vừa đi đã mỏi
Hình ảnh Hạnh Dung còn xuất hiện cả trong phút quyết định quan trọng nhất của đời Lam Phương: vượt biển sang Mỹ cùng người vợ Túy Hồng để rồi sau này chua chát không nguôi nhận ra mình đã “Lầm” (tác phẩm ông viết sau khi bị Túy Hồng bỏ rơi). Cuộc giã từ với Hạnh Dung được ông gởi gấm vào ca từ nhạc phẩm "Chuyện Buồn Ngày Xuân" (Thanh Tuyền)



Và sang đến Mỹ, những tưởng từ nay cuộc sống sẽ êm đềm mãi, nào ngờ người vợ hai mươi mấy năm tình nghĩa đã dành cho ông điều đau khổ nhất của đời người, khiến ông phải cay đắng thốt lên: Ôi, ta đã "LẦM" (Thái Châu)


TÀU ĐÊM NĂM CŨ
Câu chuyện của “Tàu Đêm Năm Cũ” hẵn là câu chuyện chung của nhiều người, đặt vào đúng bối cảnh không gian và thời gian khi bài hát ra đời (đầu thập niên 1960). Bấy giờ chính quyền non trẻ miền nam vừa thành lập có sắc lệnh được tổng thống họ Ngô ban hành là hoán chuyển công tác sĩ quan, công chức miền Nam ra miền Trung và ngược lại. Thế là rộn rịp cảnh kẻ ở người đi trên sân ga. Trúc Phương viết bài hát này để hưởng ứng phong trào chính phủ, và cũng để chia sẻ nỗi lòng của cho những người sĩ quan phải đi xa nhà phục vụ đất nước và những người vợ, người yêu ở lại Sài Gòn trong tâm trạng nhớ mong “người tình biên khu” bồi hồi từng đêm… “Đêm nay lặng nghe gió lùa qua phố vắng, Trăng rằm về xa xăm, Trong giây phút này, tôi mơ ước sao nắm trọn vào tay nhau…”


NỬA HỒN THƯƠNG ĐAU
“Nửa Hồn Thương Đau” là bài hát được đặt hàng cho Phạm Đình Chương, nhưng không phải với cái tựa như vậy. Vào năm 1971 có 6 hãng phim góp vốn lại để thực hiện bộ phim “Chân Trời Tìm” chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của Văn Quang. Tiều thuyết này khi vừa ra mắt trên kệ sách, Trần Thiện Thanh đã vớ ngay một cuốn để đọc, và rất thích thú đến nỗi ông cảm tác ra ngay một bài hát rất bám sát nội dung, và bài hát cũng được ca sĩ Minh Hiếu trình bày rất thành công.
Khi gần ngày bấm quay cuốn phim, Liên Ảnh (tức liên hiệp 6 hãng phim tư nhân) thấy rằng nhạc phẩm “Chân Trời Tím” đã được trình bày trên sóng phát thanh nhiều lần, và tờ nhạc cũng được phổ biến rộng rãi, nếu dùng lại sẽ mất đi phần nào đó sức cuốn hút mới mẻ của cuốn phim đại hoành tráng này. Họ quyết định nhờ đến Phạm Đình Chương.
Dẫu hiểu nội dung cuốn truyện, nhưng đầu óc Phạm Đình Chương bấy giờ không dứt khỏi được câu chuyện riêng đau lòng “chết nửa cuộc đời” của ông là cô vợ Khánh Ngọc đi ngoại tình với ngay chính ông anh rễ quý Phạm Duy. Chuyện bị làm rùm beng trên mặt báo. Ông ly dị Khánh Ngọc nhưng vẫn u uất vô cùng nên đã trút hết niềm riêng đó vào tác phẩm nhạc nền phim. Điều dị thường là nhạc phẩm trật chìa ấy lại kết hợp vô cùng quyến rũ với nội dung phim, tạo thành một bài nhạc nền phim trác tuyệt.


HOA NỞ VỀ ĐÊM
“Hoa Nở Về Đêm” cũng là một chuyện tình “ngoài luồng” khác. Nhạc sĩ Mạnh Phát, vốn nổi danh là “hũ chìm”, nhưng có rượu vô thì ông mới sáng tác hay được. Gia đình biết vậy nên cứ để ông mặc tình thỏa trí. Cũng vì thói quen lang thang uống rượu nên nhạc sĩ Mạnh Phát “nảy nở” một mối tình bên ngoài mà mãi đến khi ông mất gia đình mới biết chuyện. Con dâu nhạc sĩ tiết lộ: “Vào ngày tang của ba, có một người phụ nữ ôm con đến xin được để tang ông. Nhưng lúc đó gia đình tôi không chấp nhận nên họ ra về. Người phụ nữ đó là người mà ba tôi quen lúc ông hay ra ngoài uống rượu”.
Con dâu của nhạc sĩ Mạnh Phát kể thêm: “Sau này tôi có gặp một người phụ nữ tên Hoa. Cô ấy nói là bạn cũ của ba và ca khúc Hoa nở về đêm của ông chính là sáng tác tặng cho người ấy. Cô Hoa rất nhiều lần cố gắng liên lạc với gia đình tôi. May mắn sao cuối cùng tôi và cô ấy cũng gặp được nhau và nghe lại chính câu chuyện tình ngày xưa của hai người”.


Cũng người phụ nữ thùy mị, dại dột này ghi đậm dấu nét trong nhạc phẩm “Sương Lạnh Chiều Đông” khắc khoải của nhạc sĩ đa tình. Xem bài viết về cuộc tình ngoài luồng chi tiết TẠI ĐÂY.

TRĂNG TÀN TRÊN HÈ PHỐ
“Trăng Tàn Trên Hè Phố” là một sự ngộ nhận kỳ lạ. Đến sau ngày giải phóng thì mọi người đều biết rõ nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là một cán bộ miền Bắc nằm vùng ở miền Nam. Ông đã viết về một chiến sĩ giải phóng quân nhưng với lời lẽ quá khéo léo che giấu thân phận người lính “súng trên vai bước về qua đường phố”, khiến mọi người đều ngộ nhận bài hát nói về một tình cảm của người hậu phương với anh lính chiến, cũng là bạn học xưa. Hơn nữa, giữa đường phố Sài Gòn khi ấy mà có thể ngờ ngờ vác súng trên vai như thế chỉ có thể là một anh lính thủy quân lục chiến ngang tàng mà thôi. Nếu là người lính du kích trên rừng thì không dám và không thể công khai về phố với súng vác trên vai được.


Sự ngộ nhận “chết người” này càng đậm đà lai láng hơn trong nhạc phẩm “Những Ngày Xưa Thân Ái” cũng mang nội dung về hai người bạn chơi thân từ tấm bé nhưng lớn lên mỗi người mỗi ngã vì quê hương binh lửa.


CHO EM QUÊN TUỔI NGỌC
Nhân nói về ngộ nhận, ngoài các bài của Phạm Thế Mỹ đã dẫn trên, còn có một bài ngộ nhận theo hướng khác. Đó là bài “Cho Em Quên Tuổi Ngọc” Lam Phương sáng tác sau 1975 đã lọt lưới kiểm duyệt cũng do những ca từ che đậy quá khéo léo. Câu chuyện thật trong “Cho Em Quên Tuổi Ngọc” thật ra Lam Phương mô tả chuỗi ngày sống mòn nơi xứ người (Pháp) của một cô gái từng là sinh viên đấu tranh chống chính quyền Sài Gòn cũ, cảm thấy ân hận vì đã góp phần làm sụp đổ cái nơi đã dành cho cô những êm đềm hạnh phúc của một tuổi ngọc vô ưu tư. Đây là những lời giày vò bản thân ấy: Hơi men nào cũng chẳng đủ say. Thêm cho đầy giấc mộng chua cay. Có nhớ phút giây lầm lỡ. Uống cho thật say. Uống quên ngày mai… Cho em trao một lời cuối ăn năn quê hương tội tình…
Tất nhiên nguyện ước cuối cùng của cô là sau này, “khi hoa tàn úa xanh xao phong ba dập vùi”, sẽ được trở về sống trên quê hương cũ, và chọn cái chết trên quê hương để chuộc lại lỗi lầm:
Em xin nằm xuống mang theo con tim ngậm ngùi 

Giấc mơ nhỏ nhoi đưa em vào cõi thiên thu yêu thương đời đời…


CHIỀU TRÊN PHÁ TAM GIANG
“Chiều Trên Phá Tam Giang” là một bài thơ của tác giả Tô Thùy Yên. Theo Trần Thiện Thanh kể lại, năm 1972 khoảng tháng 5-tháng 6, ông có một dịp đi hát phục vụ tiền đồn. Trên chuyến trực thăng khi ấy có nhạc sỹ Phạm Duy, nhà thơ Tô Thùy Yên, Khánh Ly và vài người nữa từ Sài Gòn.
Bấy giờ cuộc chiến Việt Nam đang ở vào giai đoạn khốc liệt nhất gọi là “mùa hè đỏ lửa”. Ưu tư về chiến cuộc đè nặng trong lòng mọi người. Chiều hôm đó, trên chiếc trực thăng bay là là trên mặt phá Tam Giang rộng mênh mông, nhà thơ Tô Thùy Yên cùng với Trần Thiện Thanh đã nảy ra ý định sẽ làm một bài thơ hay nhạc về phá Tam Giang này. Thế là không lâu sau đó, bài thơ “Chiều trên phá Tam Giang” ra đời. Rồi cảm tác từ bài thơ ấy và từ thực tế chuyến đi, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã cho ra đời một nhạc phẩm bất hủ, vượt trên nhiều bản theo dòng nhạc đại chúng của ông.


RỪNG LÁ THAY CHƯA
Sau năm 1975, nhạc sĩ Huỳnh Anh định cư ở nước ngoài và gần như ngừng hẵn sáng tác. Vốn dĩ ông sáng tác cũng không nhiều, độ chừng 20 bài, và khi ra nước ngoài lại càng sáng tác ít hơn.
Độ năm 1981, tình cờ nhạc sĩ đọc được bài thơ “Rừng Lá Thay Chưa” của nhà thơ Hoàng Ngọc Ẩn, ghi lại tâm sự của những người phải xa nhau vì biến loạn của lịch sử. Theo nhạc sĩ Huỳnh Anh nhớ thì khi đọc qua bài thơ “Rừng lá thay chưa” của Hoàng Ngọc Ẩn, ngay lập tức giai điệu đã hình thành trong đầu ông, đặc biệt khi phổ nhạc ông không cần sửa bất kỳ chữ nào của bài thơ cả.
Thơ và nhạc nói lên tâm sự của người ra đi, kẻ ở lại: chàng hoảng hốt ra đi và nàng ở lại đợi chờ khắc khoải. Đến khi có thể gặp lại thì nàng giờ đã ngỡ ngàng, không còn nhớ tiết mùa, chàng cũng xa lạ, lẫn lộn thời gian trên quê hương cũ, quê hương mới: Xuân xưa, mình chung đôi bóng. Xuân này, mình ngóng trông nhau. Hun hút phương trời vô vọng. Nhớ thương bạc trắng mái đầu.
Cả hai chỉ còn nỗi xót xa dâng đầy: Phố phường chừ đã đổi thay. Thương em nửa đời hoang phế. Thương ta chịu kiếp lưu đày…
Rừng và lá nay đã đổi thay chưa? Lá và rừng cũng là biểu trưng cho quá trình cuộc sống con người cùng những chu kỳ trong thiên nhiên: Rừng đổi màu, thay áo theo bốn mùa, trăn trở theo nắng mưa, ấm lạnh. Tình yêu cũng ngọt ngào rồi cay đắng, hôn nhân hạnh phúc rồi tan tác chia lìa… chẳng khác nào chiếc lá và rừng cây.

HOA TRINH NỮ
Minh Hiếu là nữ ca sĩ thanh sắc vẹn toàn, có dáng đi đài các quý tướng và nét mặt hao hao giống diễn viên màn bạc xuất sắc Liz Taylor. Bóng hồng này cũng đi vào nhạc của ít nhất hai nhạc sĩ trong những bài “Biết Đến Bao Giờ”, “Biển Tình” của Lam Phương và “Hoa Trinh Nữ” của Nhật Trường.
Và số phận dường như dành sẵn cho các chàng nhạc sĩ trước 75 là luôn luôn thua thiệt với cánh sĩ quan, như nhạc sĩ Bảo Thu đã chua chát thốt lên khi ngậm ngùi trông theo người mộng Phương Hoài Tâm lên xe hoa về dinh ông tá: “Hoa mai giăng ngập nẽo đường em đi”. Trần Thiện Thanh cũng nuốt hận trước trung tướng Vĩnh Lộc. Tất cả niềm tâm sự thua thiệt Trần Thiện Thanh gởi gấm hết vào bài Hoa Trinh Nữ, trong đó ví mình chỉ là “người lính quèn xa nhà” gặp loài hoa hèn cỏ dại mộc mạc trên đường hành quân, nhưng thanh cao hơn hẵn “nàng dạ lí trong vườn bán hương thơm mình” để hiện thực hóa giấc mơ thành bà trung tướng phu nhân.

HOÀI THU - BÀI HÁT DUY NHẤT PHỔ TỪ TÙY BÚT
Thông tin về nhạc sĩ Văn Trí (sinh năm 1941) hầu như không thể tìm thấy, chỉ biết hiện nay ông đang sinh sống tại New Zealand. Bài hát Hoài Thu được nhạc sĩ viết dựa trên bài tùy bút mang tên Cảm Thu của thi sĩ Đinh Hùng, đăng trong giai phẩm “Mùa Gặt Mới” xuất bản tại Hà Nội năm 1940, cũng là sáng tác đầu tiên của Đinh Hùng được đăng báo.
Thu năm nay, tôi lại đi trên con đường vắng này nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ… Nước trong như một cặp mắt tuyệt vời. Những cây liễu xanh đứng buồn như những nàng Cung nữ thời xưa, và trong vườn nhà ai thấp thoáng, hoa phù dung nở trắng như một linh hồn còn trẻ?
Nắng ở đây vẫn là nắng vàng ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước. Tôi vẫn ngờ như không sự thay đổi, vì lại thấy mình đi trên con đường này, thu năm nay, giữa lúc cây vàng rơi lá. Đường này hiu hắt, tôi đem lòng về để gặp mùa thu thương nhớ cũ, và nay cũng thấy thu về để nước hồ xanh. Chân ai đi xa vắng đằng kia, hay đó chỉ là gió thoảng mong manh? Và gió nào vương vấn hồn tôi, hay cũng chỉ là dư thanh của một ngày xưa cũ? Chao ôi! Buồn lại nhiều rồi, nhưng chỉ buồn như năm trước. Lòng tôi chẳng biết tìm ai mà nhớ, hôm nay nhớ lại buồn qua mới thấy nắng kia nhiều dĩ vãng.
Tôi nhớ một người lữ khách nào xưa, ra đi từ một mùa thu… Thế rồi cũng một mùa thu trở lại những bước đầu tiên trên con đường bạn, mắt buồn như nước, mảng tìm hồn mình hiu hắt trong hồn thu mới… 
Share: